Sự kiện thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng vào đêm 28/10/1929, tại Làng 3 của Đồn điền Cao su Phú Riềng, đánh dấu mốc son lịch sử của Ngành Cao su Việt Nam.
Chi bộ ban đầu thành lập có 6 đảng viên do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm bí thư. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, 5.000 công nhân thực hiện cuộc tổng bãi công. Khí thế cách mạng lên cao đã lôi kéo tất cả công nhân 10 làng và nhân dân trong vùng cùng đấu tranh. Toàn bộ đồn điền Phú Riềng chuyển thành “khu đỏ”. Cuộc tổng bãi công của công nhân cao su Phú Riềng kéo dài trong 8 ngày và giành được nhiều thắng lợi to lớn, làm rung chuyển cả hệ thống địa ngục cao su ở Đông Dương. Từ chiếc nôi “Phú Riềng Đỏ” đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương đấu tranh bất khuất, kiên cường của thế hệ công nhân cao su, làm rạng danh những trang sử truyền thống vẻ vang của Ngành Cao su Việt Nam.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nhấn mạnh, hơn một thế kỷ kể từ khi cây cao su được trồng trên địa bàn tỉnh, ngành cao su đã phát triển rất nhanh và mạnh mẽ, trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của địa phương. Hiện nay, Bình Phước đứng đầu cả nước về diện tích cây cao su với hơn 220 ngàn ha, chiếm 22% diện tích cao su toàn quốc, trong đó có khoảng hơn 70 ngàn ha của các doanh nghiệp nhà nước. Tỉnh có bốn công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và công ty thuộc tỉnh quản lý. Các doanh nghiệp cao su trên địa bàn tỉnh hiện giải quyết việc làm cho trên 24 ngàn lao động; thu nhập bình quân đạt từ 5,5 đến trên 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong công tác xây dựng Đảng: 6 Đảng bộ Công ty cao su trực thuộc Tỉnh ủy có trên 3.000 Đảng viên. Cùng với sự phát triển của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ các Công ty dần trưởng thành và mở rộng về quy mô; nâng dần chất lượng đội ngũ cán bộ, Đảng viên. Nhiều Đảng bộ Công ty Cao su nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, năm 2020 cũng là năm đánh dấu cột mốc 123 năm cây cao su có mặt ở Việt Nam. Sự phát triển vững chắc của Tập đoàn nói riêng và ngành cao su Việt Nam nói chung đã được tạo dựng từ sự hi sinh sinh mạng, quá trình lao động miệt mài và cống hiến bền bỉ của nhiều thế hệ cán bộ công nhân. "Chúng tôi rất tự hào và tin tưởng, với truyền thống đó, ngành cao su chúng ta sẽ viết tiếp những trang sử vẻ vang trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, năm 2020 cũng là năm ngành cao su gặp nhiều khó khăn, thách thức với đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Trước tình hình đó, Tập đoàn đã chủ động chỉ đạo toàn ngành xây dựng các kịch bản để thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, vừa quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, trong đó tập trung vào nhiệm vụ tổ chức sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tổ chức đời sống công nhân lao động, chuyển trạng thái bình thường mới, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do đại dịch, giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh theo tiến độ kế hoạch. Hơn lúc nào hết, phong trào thi đua yêu nước cần được nhân rộng, lan tỏa và trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của gần 80 nghìn người lao động trong toàn ngành, góp phần quan trọng để tập đoàn hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế cũng như công tác an sinh xã hội...", ông Thuận phát biểu.
Dịp này, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam trao giải thưởng Cao su Việt Nam cho 3 cá nhân, 2 tập thể và 35 giải thưởng Sao Vàng cao su dành cho cấp lãnh đạo quản lý trực thuộc Tập đoàn; 40 thanh niên tiêu biểu ngành cao su cũng được trao thưởng.