Khái niệm về phân khúc xe ô tô

VOH - Nhiều người vẫn thắc mắc về cách phân biệt, định danh thế nào là xe sedan, SUV hay phân khúc hạng A, B... ?

Phân loại theo kết cấu thân xe:

Hatchback: Trong tiếng Anh, "hatch" nghĩa là cửa sập, còn "back" nghĩa là phía sau. Đây là loại xe có 3 hoặc 5 cửa trong đó có 1 cửa phía sau thông với khoang nội thất. 

Sedan: dòng xe ô tô nhỏ, có thiết kế dài hơn so với loại Hatchback và có phần cốp hành lý nằm tách biệc với khoang nội thất giúp đuôi xe trông thon dài hơn. 

SUV (Sport Utility Vehicle) là dòng xe thể thao đa dụng ra đời từ năm 1953 có thiết kế với gầm cao, động cơ mạnh mẽ, khả năng vượt nhiều địa hình.

Crossover: (CUV - Crossover Untility Vehicle) là xe lai đa dụng giữa SUV và sedan. Xe có kết cấu của sedan với phần thân liền khung, đồng thời có vẻ ngoài to lớn, mạnh mẽ, khả năng vượt địa hình nhẹ.

MPV - dòng xe đa dụng: (Multi-Purpse Vehicle) hay thị trường Mỹ thường được gọi là minivan. Đây là xe thường sử dụng cho gia đình, có khả năng linh động chuyển đổi giữa chở người và chở hàng hóa. Kết cấu xe thường có gầm cao hơn sedan nhưng thấp hơn crossover hay SUV.

Coupe (dòng xe thể thao): là một chiếc xe mui kín với phần nóc kéo dài xuống tận đuôi mang lại cảm giác thể thao kết hợp với thiết kế 2 cửa, 2 chỗ ngồi, khoang cabin nhỏ và chiều dài xe ngắn.

Pickup - xe bán tải: Ở thị trường Mỹ thường được gọi là minitruck. Chiếc xe là sự kết hợp giữa xe tải và SUV: có cabin kín, chở được 2-4 người, đi kèm một thùng hở dành để chứa đồ phía sau. 

Limousine - dòng xe sang: là dòng xe cao cấp, có nhiều đặc điểm và tiện ích nổi bật như: Thiết kế sang trọng và tiện nghi, khoang cabin rộng rãi, nội thất sử dụng vật liệu cao cấp. Thân xe vững chắc, độ ổn định cao, có vách ngăn nhẹ giữa vị trí tài xế và khoang hành khách.

phân khúc ô tô
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Phân khúc xe ô tô

Đây là một cách xếp loại dựa theo tiêu chuẩn của châu Âu căn cứ vào chiều dài và kích thước xe, được ký hiệu bằng các chữ cái.

Phân khúc A – Xe cỡ nhỏ: gồm các dòng xe cỡ nhỏ với 2-4 chỗ ngồi, trang bị động cơ từ 1-1.2 lít, chiều dài cơ sở khoảng 2,400mm, nhỏ gọn, giá thành dễ chịu, có thể di chuyển linh hoạt trong điều kiện giao thông phức tạp ở các đô thị. Phổ biến ở Việt Nam có Daewoo Matiz, Kia Morning, Chevrolet Spark, Toyota Wigo...

Phân khúc hạng B: Thường được trang bị động cơ 1.4–1.6 nên vẫn có thể đạt vận tốc cao, chiều dài cơ sở 2,500-2,600mm. Xe được thiết kế với 3, 4 hoặc 5 cửa, 4 ghế và có thể đăng kí chở 5 người. Thị trường nước ta có Ford Fiesta, Hyundai i20, Toyota Vios, Toyota Yaris...

Phân khúc C – Xe cỡ trung (medium cars): Xe được trang bị động cơ từ 1.4– 2.5 lít, chiều dài cơ sở khoảng 2,700mm, chở được 5 người lớn.

Đây là phân khúc xe được ưa chuộng nhất thế giới do độ “vừa đủ”, thích hợp trên mọi phương diện, từ giá thành, cho đến kích thước và nhu cầu tham gia giao thông từ xa lộ, nội thành hay đường nông thôn.

Các dòng xe được ưa chuộng nhất phân khúc C ở Việt Nam có Toyota Corolla Altis, Kia K3, Honda Civic, Mazda3, Chevrolet Cruze,….

Phân khúc D – Xe cỡ lớn (large cars): Xe có 5 chỗ ngồi cùng khoang hành lí rộng, dung tích động cơ từ 2–3.5, có chiều dài cơ sở vào khoảng 2,800mm. Đây là mẫu được ưa chuộng bởi các khách hàng là doanh nhân, người thành đạt. Các dòng xe phân khúc D phổ thông ở Việt Nam: Mazda 6, Toyota Camry, KIA K5, Honda Accord, …

Phân khúc E – Xe hạng sang (executive cars): Những xe phân khúc này thường có đủ 5 chỗ ngồi cho người lớn, được thiết kế với khoang xe rộng rãi, nội thất sang trọng. Khách hàng chủ yếu của phân khúc xe này thường là những người có thu nhập cao, doanh nhân thành đạt, ngôi sao giới giải trí,…

Một số cái tên xe tiêu biểu ở Việt Nam như  Audi, Mercedes C-class, BMW series 3,…

Phân khúc M – Xe gia đình đa dụng (multi purpose cars): gồm các dòng xe gia đình đa dụng, có 8–11 chỗ ngồi. Xe có tính tiện lợi, rộng rãi, thích hợp với các đối tượng khách hàng gồm những gia đình đông, có sở thích du lịch, cắm trại, sinh hoạt ngoài trời hay những công ty dịch vụ nhằm đem đến cảm giác êm ái, thoải mái cho hành khách.

Các dòng xe phổ biến trong phân khúc xe này như: Honda Odyssey, Toyota Sienna, KIA Carnival...

Thực tế, khó có cách phân loại mang tính chính xác, toàn diện cho các chủng loại xe. Việc xếp loại phương tiện mục đích sử dụng, mục đích kinh doanh hay tiêu chuẩn về sự tiện nghi của từng khu vực, từng tệp khách hàng... lại cũng có cách phân loại riêng. Thế nên việc phân loại xe ô tô thường cũng chỉ có ý nghĩa tương đối.