Chúng ta đều biết, canxi là chất cần thiết cho quá trình tạo xương và răng, cũng như nhiều chức năng khác trong cơ thể. Mỗi ngày, cơ thể một người trưởng thành sẽ cần khoảng 1.000mg canxi. Thiếu canxi có thể gây ra nhiều bệnh như loãng xương, rối loạn tim mạch… nhưng thừa canxi cũng gây ra nhiều tác hại cho cơ thể.
1. Thừa canxi là gì?
Thừa canxi là tình trạng nồng độ canxi trong cơ thể nhiều hơn mức bình thường. Khi dư thừa canxi có thể dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm cho cơ thể.
Nguyên nhân chủ yếu gây thừa canxi bao gồm: Ung thư, tác dụng phụ của một số loại thuốc, uống quá nhiều thuốc bổ sung canxi và vitamin D.
2. Dấu hiệu thừa canxi ở trẻ em
Trẻ em là đối tượng dễ bị thiếu canxi, nên việc bổ sung canxi cho bé ngay khi còn nhỏ là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, bổ sung bằng cách nào, liều lượng bao nhiêu để bé hấp thu tốt thì không phải ai cũng biết.
Chính vì vậy, nhiều người đã cho bé uống sữa hàm lượng canxi cao ngay từ khi mới sinh, tiếp tục uống bổ sung canxi với quan niệm dùng càng nhiều càng tốt, dẫn việc bé bị dư thừa canxi trong cơ thể.
Các dấu hiệu trẻ bị dư thừa canxi là:
- Bé bị táo bón
- Biếng ăn, buồn nôn
- Đau bụng
- Đau xương, đau cơ
- Thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều
- Làm xét nghiệm sẽ thấy lượng canxi huyết của bé rất cao
Xem thêm: 11 dấu hiệu trẻ sơ sinh thiếu canxi các mẹ cần phải lưu ý
3. Dấu hiệu thừa canxi ở người lớn
Một số triệu chứng thừa canxi ở người lớn có thể sẽ giống với trẻ em, bao gồm: táo bón, đau bụng, chán ăn, buồn nôn, đi tiểu nhiều, đau cơ và xương... Ngoài ra, người lớn còn gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Có thể đi tiểu ra máu
- Rối loạn nhịp tim
- Thường xuyên mệt mỏi, mất tập trung
4. Thừa canxi gây ra bệnh gì?
Bất kỳ một chất dinh dưỡng hay thực phẩm nào, nếu bổ sung dư thừa đều sẽ gây ra những bất lợi cho cơ thể và canxi cũng không ngoại lệ. Khi cơ thể dư thừa canxi sẽ gây ra một số vấn đề cho sức khỏe như:
4.1 Gây sỏi thận
Cơ thể hấp thụ quá nhiều canxi, lượng canxi dư thừa sẽ đi vào thận, khiến thận bị quá tải. Nếu bạn vẫn tiếp tục bổ sung canxi trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận, đặc biệt sỏi oxalat lắng đọng ở thận.
4.2 Bệnh cường giáp
Các tuyến cận giáp có trách nhiệm kiểm soát lượng canxi và phospho trong cơ thể. Khi hormone tuyến cận giáp tiếp nhận lượng canxi quá nhiều, các hormone được sản xuất với số lượng lớn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp, đây là một tác dụng phụ khi thừa canxi.
Xem thêm: Sự thật về hội chứng cường giáp và chế độ ăn cho những bệnh nhân mắc phải hội chứng này
4.3 Tăng canxi máu
Bổ sung canxi quá liều có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ canxi trong máu, gây ra tình trạng tăng canxi máu. Điều này có thể xảy ra do hoạt động bất thường của tuyến cận giáp – tuyến chịu trách nhiệm kiểm soát lượng canxi trong máu.
4.4 Hình thành chất Apatit
Khi lượng canxi trong cơ thể tăng cao, nó sẽ liên kết với phosphat để hình thành apatit, hay canxi phosphat. Apatit là một trong những chất rắn nhất có thể khiến cho xương trở nên cứng, giòn và dễ gãy hơn.
4.5 Vôi hóa xương
Bổ sung quá nhiều canxi có thể khiến bạn phải đối mặt với tình trạng vôi hóa xương. Thông thường, đây là bệnh di truyền khi trạng thái cân bằng giữa tạo xương mới và tiêu xương cũ bị xáo trộn. Quá trình tiêu xương cũ không thể thực hiện đúng cách, khiến xương trở nên cứng hơn, kém linh hoạt hơn và dễ bị gãy.
4.6 Thường xuyên mệt mỏi, buồn nôn
Dư thừa canxi trong cơ thể, bạn sẽ bị rơi vào trạng thái không tỉnh táo, người mệt mỏi, trầm cảm, chóng mặt và buồn nôn, khát nước, đi tiểu nhiều.
4.7 Rối loạn tiêu hóa
Khi lượng canxi quá nhu cầu cơ thể cần sẽ dẫn đến tình trạng ăn không ngon miệng, đau bụng, tiêu chảy. Bổ sung canxi quá mức cần thiết khiến thường xuyên bị táo bón.
4.8 Giảm hấp thu chất dinh dưỡng
Dư thừa canxi sẽ khiến việc hấp thu các chất dinh dưỡng khác bị suy giảm. Khi lượng canxi trong cơ thể tăng cao sẽ gây ức chế hấp thu các chất khác như sắt và kẽm, khiến cơ thể có nguy cơ thiếu hai chất này, cơ thể sẽ không đủ khỏe mạnh để hoạt động.
Huyết áp thấp và nhịp tim không đều cũng là kết quả của việc giảm hấp thu sắt và kẽm.
5. Để tránh thừa canxi bạn cần phải làm gì?
Nhu cầu canxi của cơ thể thay đổi theo lứa tuổi và phụ thuộc vào quá trình phát triển xương của mỗi người. Do đó, bạn nên bổ sung đúng với nhu cầu, nếu cơ thể không thiếu thì không cần bổ sung.
Muốn bổ sung canxi, cách an toàn và hiệu quả nhất là bổ sung qua đường ăn uống. Có rất nhiều thực phẩm chứa hàm lượng canxi cao như:
- Các loại hải sản như: tôm, cua, cá, ghẹ, hàu…
- Trong các loại rau như: cải xoăn, rau bina, cần tây…
- Cần tạo cho mình thói quen uống sữa mỗi ngày. Mỗi ngày nên uống 1 ly sữa 100ml có chứa 100 - 110 mg canxi.
Ngoài ra, nếu muốn bổ sung canxi bằng thực phẩm chức năng hay thuốc bổ sung, cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh bổ sung dư thừa.
Canxi là khoáng chất rất tốt cho xương, tim, cơ bắp và dây thần kinh của bạn. Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều sẽ dẫn đến dư thừa và gây ra các vấn đề sức khỏe. Vì thế, chỉ nên cung cấp một lượng canxi phù hợp cho cơ thể để không xảy ra hiện tượng thừa canxi.