Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Ung thư mắt là gì? Những dấu hiệu ung thư mắt bạn cần biết

(VOH) - Ung thư mắt là một bệnh hiếm gặp trong các loại bệnh ung thư, tuy nhiên, theo thống kê mới nhất thì căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng.

Để hiểu rõ hơn về căn bệnh quái ác này, hãy theo dõi những thông tin dưới đây.

1. Ung thư mắt là gì?

Hiện nay, mỗi năm các chuyên gia nhãn khoa chẩn đoán ít nhất 1.000 trường hợp ung thư mắt trên thế giới. Dựa theo tính chất bệnh lý, người ta chia ung thư mắt thành nhiều nhóm nhỏ khác nhau, nhưng phổ biến nhất là:

  • U hắc bào mắt.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy.
  • Ung thư hạch.
  • Ung thư võng mạc – một loại ung thư bẩm sinh.

ung-thu-mat-la-gi-va-nhung-dau-hieu-ung-thu-mat-ban-can-biet-voh-1

Tế bào ung thư phát triển trong mắt (Nguồn: Internet)

Ung thư mắt đôi khi có thể bắt nguồn từ các mô xung quanh nhãn cầu đột biến (ung thư nguyên phát) hoặc do di căn từ những bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi hoặc vú (ung thư thứ phát).

2. Ung thư mắt nguyên nhân do đâu?

Ung thư mắt có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Do nhiễm sắc thể thay đổi bất thường.
  • Chủng tộc: Người da đen có ít nguy cơ bị ung thư mắt hơn so với người da trắng.
  • Màu sắc của tròng mắt: Những người có màu mắt sáng thì có nguy cơ mắc ung thư mắt cao hơn so với những người có tròng mắt màu tối.
  • Làm việc trong môi trường không đảm bảo an toàn, bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với nhiều với chất độc hại.
  • Mắt thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì trong ánh nắng mặt trời có tia UV làm gia tăng nguy cơ ung thư da, ung thư mắt và ung thư miệng,…
  • Do suy yếu hệ miễn dịch: Người lớn tuổi, mắc các bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải.
  • Do di truyền từ những người thân trong gia đình.

Ngoài ra, gần đây nhiều người cho rằng ung thư mắt vì dùng điện thoại smartphone quá nhiều. Điển hình là gần đây thông tin một bệnh nhân nam ở Trung Quốc bị chẩn đoán có dấu hiệu ung thư mắt do dùng điện thoại smartphone trong đêm, không có sự hỗ trợ của ánh đèn khiến không ít người lo lắng.

Trước thông tin trên, Ths.BS Nguyễn Thị Ngọc – nguyên bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện đang phụ trách một phòng khám mắt tại Hà Nội khẳng định: “Tôi cũng có nghe thông tin trên hai, ba ngày hôm nay. Tuy nhiên, việc đưa thông tin dùng điện thoại di động thông minh dẫn đến ung thư mắt là chưa có cơ sở khoa học”.

Theo bác sĩ Ngọc, hiện nay các sản phẩm di động ngày càng phát triển đa dạng, trong đó nổi bật là smartphone. Theo đó, tại các thành phố lớn đến 90% số hộ gia đình đều có người sử dụng ít nhất 1 điện thoại thông minh. Nếu như vậy, việc sử dụng smartphone gây ung thư mắt thì đây sẽ là nhóm bệnh ung thư gây nguy hiểm hàng đầu, chứ không phải xếp vào nhóm ít gặp như hiện nay.

Bác sĩ cũng cho biết, hiện nay ung thư mắt không nằm trong số 10 căn bệnh ung thư thường gặp. Bệnh thường hay mắc ở trẻ nhỏ, trong đó ung thư võng mạc là một bệnh lý khối u ác tính nguyên phát thường gặp nhất ở trẻ em.

3. Triệu chứng ung thư mắt

Các biểu hiện của ung thư mắt thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác của vùng mắt. Do đó, khi thấy những triệu chứng sau đây thì tốt nhất bạn nên đi kiểm tra mắt để chẩn đoán sớm hơn.

3.1 Giảm thị lực

Triệu chứng này xuất hiện ngay từ rất sớm. Người bệnh sẽ có cảm giác thị lực bị giảm rõ rệt như mờ mắt, hình ảnh nhìn được không rõ ràng, tầm nhìn bị giới hạn. Tuy nhiên, triệu chứng này hay bị nhầm lẫn với các tật về mắt nên thường bị bỏ qua.

3.2 Đồng tử xuất hiện biểu hiện lạ khi chiếu đèn flash vào mắt

Thông thường khi chiếu đèn flash vào mắt đồng tử sẽ có biểu hiện màu đỏ. Nếu chiếu vào mà đồng tử có màu vàng hoặc trắng thì khả năng bị ung thư là rất cao.

3.3 Hai mắt bị mất cân đối, phát triển không đồng đều

Khi bi ung thư, khối u phát triển sẽ khiến 1 bên mắt bị to lên và lồi ra hoặc cũng có trường hợp mắt bị sụp mí nên làm cho người bệnh bị hạn chế về tầm nhìn. Ngoài ra, người bệnh còn có biểu hiện nhìn nghiêng hoặc nhìn lệch.

3.4 Tổn thương vùng mắt và mí mắt

Các tế bào ung thư phát triển nhanh và gây nên những tổn thương cho vùng mắt. Lúc này mắt sẽ có các biểu hiệu bị viêm, sưng và đau. Mắt có biểu hiện đỏ và có cảm giác cộm lên ở vùng mí mắt.

3.5 Đau vùng xung quanh và bên trong mắt

Triệu chứng này xảy ra khi khối u có sự thay đổi về kích thước và gây ra áp lực cho vùng mắt. Thông thường thì nó ít gây đau nếu có thì chứng tỏ bệnh đã phát triển ở giai đoạn nặng và lây lan sang các vùng xung quanh mắt.

3.6 Mắt lồi ra ngoài

Khi khối u ngày càng lớn mà không được phát triển thì nó sẽ gây nên các áp lực ở vùng mắt, đồng thời đẩy tròng mắt ra ngoài để chiếm chỗ.

Lưu ý: Những biểu hiện trên cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý nào đó ở mắt. Vì vậy, nếu có thể có những biểu hiện tương tự thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán càng sớm càng tốt.

ung-thu-mat-la-gi-va-nhung-dau-hieu-ung-thu-mat-ban-can-biet-voh-2

Ung thư mắt dễ gặp ở trẻ em hơn so với người lớn (Nguồn: Internet)

4. Điều trị ung thư mắt

Mục đích của quá trình điều trị là bảo vệ mắt khỏi những tổn thương do tế bào đột biến gây ra.

Các biện pháp điều trị ung thư mắt thông thường bao gồm:

4.1 Cận xạ trị

Vật liệu phóng xạ sẽ được cấy vào cơ thể, gần khu vực ung thư phát bệnh để tiêu diệt các tế bào đột biến.

4.2 Xạ trị ngoài

Bác sĩ sẽ dùng một thiết bị đặc hiệu để phóng các chùm tia phóng xạ vào khối u nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.

4.3 Phẫu thuật

Bạn có thể sẽ phải làm phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc thậm chí là một phần của mắt nếu bệnh đã trở nặng.

4.4 Cắt bỏ mắt

Trường hợp tệ nhất là khối u quá lớn hoặc thị lực mất hẳn, bạn sẽ phải bỏ đi đôi mắt của mình và thay bằng mắt nhân tạo.

Liệu trình điều trị loại ung thư mắt phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u. Khi đề xuất phương pháp điều trị ung thư mắt, các chuyên gia nhãn khoa sẽ giải thích chi tiết từng lựa chọn điều trị, bao gồm các lợi ích và biến chứng tiềm ẩn.

5. Ung thư mắt có phòng tránh được không?

Bạn có thể phòng ngừa ung thư mắt bằng tránh xa các yếu tố nguy cơ, cụ thể là:

  • Giảm tiếp xúc với tia UV bằng cách bảo vệ mắt khi đi ra ngoài, mang kính râm hoặc đội nón có vành rộng để che chắn.
  • Thường xuyên luyện tập thể thao để có cơ thể khỏe mạnh và có khả năng chống lại bệnh.
  • Có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Thường xuyên thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa để có thể sớm phát hiện bệnh.