Chờ...

Điểm tin trưa 29/7: TPHCM ưu tiên gỡ nút giao thông kẹt xe | Ca mắc sốt xuất huyết TPHCM tăng

VOH - Sẽ có tuyến đường sắt đô thị từ trung tâm đi Cần Giờ; Thiếu thuốc phóng xạ, bệnh nhân ung thư mòn mỏi chờ; Hơn 30 trận động đất trong 24 giờ tại Kon Tum…là những tin nổi bật.

TPHCM ưu tiên gỡ các nút giao thông kẹt xe

Sở GTVT TPHCM vừa đề xuất UBND TP bổ sung ưu tiên triển khai xây dựng 4 nút giao lớn trong giai đoạn từ nay đến năm 2028, gồm: nút giao ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong (Q.3, Q.10); nút giao ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (Q.5, Q.10); nút giao Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp); nút giao QL1 - đường số 7 - đường số 18 (Q.Bình Tân). Trong đó, 2 nút giao đầu có tổng mức đầu tư dự kiến là 400 tỉ đồng/dự án và là 2 trong số những nút giao lớn nhất nằm trong vùng nội đô.

Theo các chuyên gia, nút giao thông, điểm giao cắt chính là khởi nguồn phát sinh ùn tắc tại các đô thị lớn. Việc quy hoạch nút giao theo dạng vòng xuyến, các nút giao khác mức hay lập thể... phụ thuộc vào lưu lượng phương tiện và địa hình. Trong đó, dạng vòng xuyến là nút giao thông có cấp độ thấp nhất, phù hợp những nơi lưu lượng phương tiện thấp.

Tại hầu hết thành phố trên thế giới có mật độ lưu thông lớn, các nút giao đều là nút giao khác mức hoặc lập thể, thậm chí có những điểm hình thành tới 5 - 6 tầng lưu thông mới có thể hạn chế kẹt xe. Trong khi đó, ở TPHCM, chủ yếu các nút giao đều theo dạng vòng xuyến, xe cộ lưu thông trên cùng một mặt bằng quá đông, không thể tránh khỏi ùn tắc.

854
Ảnh minh họa - Báo Giao thông

Sẽ có tuyến đường sắt đô thị từ trung tâm đi Cần Giờ

Sở GTVT và Sở Quy hoạch-Kiến trúc thống nhất đề xuất nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị (loại hình phù hợp) từ trung tâm thành phố đi Cần Giờ. Tuyến đường sắt này xuất phát từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau chuyến đi khảo sát, kiểm tra, làm việc tại huyện Cần Giờ năm 2023, sau đó, Thành ủy, UBND thành phố cũng có chủ trương và chỉ đạo.

Về hướng tuyến, thực hiện quy hoạch định hướng một số vị trí khống chế, để có thể nghiên cứu điều chỉnh cục bộ hướng tuyến trong các bước tiếp theo. Tương tự, việc đi trên cao hoặc đi ngầm cũng cần bổ sung nguyên tắc để có thể xem xét điều chỉnh ở các bước triển khai tiếp theo.

Ca mắc sốt xuất huyết tại TPHCM tăng

Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 41.905 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 5 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 1,2 lần, tử vong giảm 6 ca, tuy nhiên dịch bệnh đang có dấu hiệu gia tăng.

Tại TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, trong tuần từ 15 đến 21/7, số ca mắc sốt xuất huyết ở thành phố tăng 31% so với 4 tuần trước đó. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 29 tại thành phố là 4.599 ca.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước, thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…

sot-xuat-huyet-1
Ảnh minh họa - Internet 

Thiếu thuốc phóng xạ, bệnh nhân ung thư mòn mỏi chờ chụp PET/CT

Hệ thống máy chụp PET/CT trị giá hàng chục tỷ đồng tại nhiều bệnh viện ở TPHCM hoạt động cầm chừng, có nơi ngừng hoạt động do thiếu thuốc phóng xạ.

Bệnh viện Ung bướu TPHCM hiện có 2 máy chụp PET/CT nhưng do thiếu thuốc phóng xạ nên mỗi ngày chỉ chụp được 7-9 ca, trong khi nhu cầu lên đến 50-60 ca/ngày.

Bệnh viện Quân y 175 cũng chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu chụp PET/CT do thiếu thuốc.

Nguyên nhân thiếu thuốc là do lò sản xuất thuốc phóng xạ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã cũ, thường xuyên trục trặc, trong khi hệ thống máy gia tốc Cyclotron sản xuất dược chất phóng xạ tại Công ty cổ phần y học Rạng Đông được đầu tư 200 tỷ đồng nhưng chưa thể đi vào hoạt động do vướng mắc pháp lý.

Sở Y tế TPHCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ phối hợp thực hiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa lò sản xuất thuốc phóng xạ của Công ty cổ phần y học Rạng Đông đi vào hoạt động.

Trong khi chờ đợi, Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ triển khai xây dựng hệ thống lò Cyclotron nhằm tự chủ nguồn cung ứng thuốc tại Bệnh viện Ung bướu.

Hơn 30 trận động đất trong 24 giờ tại Kon Tum

Ngày 28/7, Kon Plông hứng chịu tổng cộng 21 trận động đất. Trong đó trận 5 độ xảy ra vào trưa hôm qua khiến nhiều tỉnh thành lân cận rung chuyển.

Tính từ 0 giờ hôm nay tới thời điểm hiện tại đã có thêm 11 trận xảy ra. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi đợt động đất này.

Như vậy, nơi đây hứng chịu 32 trận trong vòng 24 giờ. Các trận động đất xảy ra làm rung lắc nhiều tỉnh, thành miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam...

Thậm chí người dân sống tại các tỉnh Ubon Ratchathani và Sakhon Nakhon ở đông bắc Thái Lan đã cảm nhận được rung chấn từ các trận động đất xảy ra tại Việt Nam ngày 28/7.

dong-dat-kon-tum-1
Chấn tâm vụ động đất mới nhất tại Kon Tum nằm ngay trung tâm huyện Kon Plông - Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Bị can tại ngoại trong vụ 'tịnh thất Bồng Lai' đã chết

Ngày 28/7, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An cho biết bị can Lê Thu Vân (67 tuổi, ngụ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) được xác minh đã chết khi đang được tại ngoại.

Bà Vân là một trong bảy bị can đã bị khởi tố về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" xảy ra tại nơi các bị can từng tự xưng là "tịnh thất Bồng Lai", sau đó đổi tên thành "Thiền am bên bờ vũ trụ".

Liên quan vụ án, bà Vân được xác định đã đảm nhận phần trách nhiệm cùng các thành viên khác chăm sóc, dạy học cho những trẻ em, nấu ăn… và có tham gia lợi dụng hình thức tôn giáo, thông tin sai sự thật, bịa đặt để đăng tải các nội dung trên mạng xã hội xúc phạm đến uy tín Công an huyện Đức Hòa, danh dự và nhân phẩm của người khác...

Tuy nhiên do bị mắc bệnh hiểm nghèo, tình trạng sức khỏe yếu, bị can có đơn xin được cho tại ngoại để điều trị và được chấp thuận tại ngoại cho đến nay.

Baner F