Đến nay, 100% đường huyện, xã ở TPHCM đã được nhựa hóa, tối thiểu cũng đạt cấp 4 với đường huyện và cấp 5 với đường xã, cao hơn mức yêu cầu chung của cả nước là cấp 6; đáp ứng tối thiểu 2 làn xe, một số tuyến còn được thiết kế tiêu chuẩn đường đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu đặc thù theo hướng phát triển đô thị. Qua đó tạo điều kiện đi lại thuận tiện và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đường sá ngày một khang trang và đi lại dễ dàng, nhiều bà con vui mừng: "Trước đây, đường trước mặt nhà tôi chỉ có 1 m thôi, mà đường đất bùn, trời mưa mấy cháu đi học hoặc người lớn đi trơn trợt bị té. Sau đó huyện hỗ trợ lót tấm đan, người dân rất mừng.
Có đường nhựa, người dân làm nhà cửa, xe chở vật tư tận cửa luôn, và điều lợi thứ hai là dân có bệnh đau thì xe bệnh viện xuống tới tận nhà, còn lúc chưa mở đường thì xe đậu ngoài đường lộ nên rất khó khăn".
Huyện Nhà Bè đã huy động được sự đóng góp của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: internet
Thời gian qua công tác tuyên truyền đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân. Qua đó, các địa phương đã huy động được sự đóng góp của cộng đồng, kết hợp với các nguồn vốn hỗ trợ, triển khai thực hiện có hiệu quả tiêu chí về giao thông.
Đơn cử tại huyện Nhà Bè, trong 4 năm qua đã có tổng cộng 64 công trình giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, bao gồm 56 tuyến đường trục xã, liên xã, ấp, các tuyến giao thông nội đồng với tổng chiều dài hơn 43.000 m; đồng thời xây mới, sửa chữa và san lấp 8 cây cầu.
"Trong quá trình làm, chúng tôi rút ra được kinh nghiệm, đó là muốn hoàn thành được thì không có gì hơn đó là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân. Chỉ có nhân dân đồng thuận thì chúng ta mới hoàn thành được bởi trong thời buổi kinh tế thị trường, đất đai có giá trị nhưng mà người ta vẫn tự nguyện hiến đất trên cả tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn", bà Nguyễn Thị Hạnh – Chánh văn phòng UBND huyện Nhà Bè chia sẻ kinh nghiệm.
Những năm gần đây để đáp ứng với mật độ giao thông cao, huyện Bình Chánh đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bằng nhiều nguồn vốn. Trong đó việc sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, và hạ tầng giao thông của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Ông Phạm Quang Vinh, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện cho biết một số kết quả đầu tư xây dựng các công trình giao thông: "Kết quả thực hiện tiêu chí giao thông đến nay thì tổng số công trình giao thông theo đề án nông thôn được duyệt là 369 công trình, trong đó đã thi công hoàn thành 197 công trình, đang triển khai thực hiện là 172 công trình. Trong đó đối với các công trình đầu tư bằng nguồn vốn nông thôn mới thì các công trình đang triển khai thi công là 60 công trình. Huyện đã chỉ đạo các ban xây dựng nông thôn mới cùng các xã triển khai hoàn thành các công trình còn lại trong năm 2015".
Rõ ràng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn là yêu cầu cấp thiết và có tính chất quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội ngoại thành hiện nay. Điều này cũng đã được thực tiễn chứng minh sau khi các huyện ngoại thành bắt tay vào thực hiện xóa cầu khỉ vào những năm 2000, thì ngay sau đó diện mạo nông thôn thành phố đã có bước chuyển mình nhanh chóng. Để rồi hôm nay, các huyện ngoại thành, hệ thống đường giao thông đã phủ kín tất cả các ấp, các xã và việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa giữa ngoại thành với nội thành được dễ dàng hơn.
Củ Chi làm tốt công tác vận động người dân hiến đất làm đường. Ảnh: internet
Bên cạnh những kết quả đó, hiện nay trong vấn đề đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng giao thông các huyện cũng còn những khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chính xuất phát từ nguồn vốn còn hạn hẹp và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, một số tuyến đường nằm trong khu quy hoạch chậm được thực hiện. Muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng rất cần sự hỗ trợ từ người dân, nhưng đây lại là vấn đề không đơn giản khi mà cũng từ con đường đó trước đây địa phương đã vận động người dạn hiến đất rồi. Bây giờ, địa phương lại vận động dân góp tiền thêm để làm đường là rất khó. Thực trạng này đang diễn ra tại một số xã như Tân Phú Trung, Tân An Hội, Phước Hiệp và An Nhơn Tây của huyện Củ Chi.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi nêu ý kiến: "Bắt đầu từ năm 1990 kéo dài đến năm 2000, số đường phát triển trong giai đoạn này khoảng 730-750 và xây dựng nông thôn mới là 495 tuyến đường. Cho đến giờ này tổng cộng là 1.693 tuyến đường, hầu hết là người dân Củ Chi hiến đất thông qua 2 giai đoạn, nếu người dân Củ Chi không hiến đất thì không có được Củ Chi như ngày hôm nay".
Giao thông thuận tiện là điều kiện không thể thiếu để một vùng quê “thay da đổi thịt”, vì vậy mà trong định hướng phát triển kinh tế xã hội TPHCM giai đoạn tới, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là một vấn đề quan trọng cấp thiết và cần được thực hiện đồng bộ hơn. Tuy rằng thời gian qua vấn đề này đã đạt được những kết quả nhất định nhưng trước áp lực của mật độ giao thông cao, tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các huyện ngoại thành vẫn rất cần nhận được sự quan tâm và hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông khẩn trương và nhanh chóng hơn.