Chờ...

Tin nóng sáng 21/12: TP.HCM sẽ tổ chức chương trình đón năm mới nếu tình hình dịch ổn định

(VOH) - Nếu dịch bệnh ở mức cấp 1-2, TPHCM sẽ tổ chức chương trình countdown ở trung tâm thành phố như công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Huệ và đường Lê Duẩn.

Mục lục

 TIN TRONG NƯỚC:

 TP.HCM sẽ tổ chức chương trình đón năm mới nếu tình hình dịch ổn định

Ngày 20-12, TP.HCM ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động đón năm mới 2021 tại thành phố. Theo đó, nếu dịch bệnh ở mức cấp 1-2, ngoài chương trình countdown ở trung tâm thành phố như công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Huệ và đường Lê Duẩn, sẽ có các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh và huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ vào đêm 31-12-2021 và 1-1-2022.

Thành đoàn TP.HCM cũng có các hoạt động và biểu diễn văn nghệ đón chào năm mới 2022 tại Nhà văn hóa Thanh niên, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, ký túc xá vào đêm 31-12-2021 và 1-1-2022. Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức các hoạt động thể thao đón chào năm mới 2022 như giải Marathon TP.HCM lần IX năm 2022 tại quận 7; giải đua xe đạp phong trào đón chào năm mới 2022 trên tuyến đường Mai Chí Thọ…

Tuy nhiên, nếu dịch tại thành phố đạt cấp độ 3 - 4, thành phố yêu cầu giảm quy mô hoặc tạm dừng tổ chức các sự kiện nói trên.

Tin nóng sáng 21/12: TP.HCM sẽ tổ chức chương trình đón năm mới nếu tình hình dịch ổn định 1

Nhiều du thuyền lớn, nhỏ cập bến Bạch Đằng để đón chào năm mới (ảnh chụp dịp năm mới 2021) - Ảnh: TTO

TP.HCM: chọn loại kit xét nghiệm giá thấp nhất

Chiều 20-12, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.

Báo cáo tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khẳng định HCDC không mua kit xét nghiệm của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.

Vào thời điểm HCDC tổ chức đấu thầu mua bán vật tư trang thiết bị y tế, Công ty Việt Á có đến chào bán kit xét nghiệm nhưng giá quá cao nên HCDC từ chối ngay.

“Bất cứ hoạt động mua sắm vật tư nào HCDC cũng luôn tuân thủ nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND TP và Sở Y tế, lúc nào các bộ kit xét nghiệm HCDC mua được cũng có giá thành thấp nhất”, ông Tâm cho biết.

Tin nóng sáng 21/12: TP.HCM sẽ tổ chức chương trình đón năm mới nếu tình hình dịch ổn định 2

TP.HCM tăng cường kiểm tra việc mua sắm các loại xét nghiệm - Ảnh: TTO

TP Thủ Đức: Chăm sóc cho cựu chiến binh, trẻ mồ côi vì COVID-19

Chiều 20-12, tại Ban chỉ huy quân sự TP Thủ Đức, đại diện Ban chỉ huy và các nhà hảo tâm trao tặng 100 phần quà đến các thương binh, gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, trao quyết định hỗ trợ lâu dài với 5 thương binh và 5 trẻ em mồ côi vì đại dịch COVID-19 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Mức hỗ trợ, chăm sóc cho các thương binh, cựu chiến binh được đảm bảo lâu dài. Thời gian bắt đầu thực hiện từ tháng 12 với mức hỗ trợ mỗi hộ là 1 triệu đồng/tháng.

Với các em nhỏ mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19, Ban chỉ huy quân sự TP Thủ Đức cùng các nhà hảo tâm thực hiện hỗ trợ cho tới khi các em đến tuổi trưởng thành. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng đối với học sinh THCS và 1,5 triệu đối với học sinh THPT.

 TP.HCM: Hội chợ khuyến mãi với 400 gian hàng được tổ chức từ 21-12

 Sở Công thương TP.HCM cho biết chương trình Hội chợ khuyến mãi năm 2021 với chủ đề "Thỏa sức mua - đua sức sắm" diễn ra từ ngày 21 đến 26-12 tại nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11) sẽ quy tụ hơn 400 gian hàng của 230 doanh nghiệp uy tín đến từ nhiều lĩnh vực như thời trang, tiêu dùng, thực phẩm...

Ngoài trưng bán hàng loạt sản phẩm với hạn mức khuyến mãi được cho phép lên đến 100%, chương trình sẽ xây dựng khu giới thiệu nhiều sản phẩm đạt giải thưởng Thương hiệu vàng của TP, khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP, khu trưng bày nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm tiềm năng...

Đặc biệt, chương trình "Giờ vàng thương hiệu" của các doanh nghiệp được tổ chức luân phiên tại sân khấu chính hội chợ từ 18h đến 20h mỗi ngày.

Tin nóng sáng 21/12: TP.HCM sẽ tổ chức chương trình đón năm mới nếu tình hình dịch ổn định 3

Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP sẽ được giới thiệu tại hội chợ khuyến mãi - Ảnh: TTO

Kiên Giang thành vùng xanh từ chiều 20-12

 Ngày 20-12, tỉnh Kiên Giang công bố cấp độ dịch cấp 1 phòng dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh; thời gian bắt đầu từ 18h chiều 20-12.

Nhằm "thích ứng, linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19", tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố chủ động rà soát, đánh giá và công bố cấp độ dịch ở cấp xã, ấp và khu phố. Nếu nâng cấp độ dịch, địa phương cần thông báo cho dân biết trước 48 giờ để mọi người tuân thủ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trước đó Sở Y tế Kiên Giang đã cung cấp số điện thoại các cơ sở thu dung điều trị COVID-19, trạm y tế; trạm y tế lưu động; tổ COVID-19 cộng đồng và Câu lạc bộ Thầy thuốc vì cộng đồng trên địa bàn tỉnh để thuận tiện, hỗ trợ cho việc điều trị F0 tại nhà.

 Các tỉnh Đông Nam Bộ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động

 Tại Bình Dương, hiện đa số các cơ sở sản xuất đều đã có người lao động quay về làm việc, nếu chưa tiêm thì bổ sung cho tiêm vaccine sớm. Tỉnh cũng yêu cầu tất cả các trung tâm y tế, các địa phương khẩn trương rà soát và tiêm vét vaccine, ưu tiên số 1 là người lao động.

Thực tế số ca mắc COVID-19 tại khu vực Đông Nam Bộ tăng trở lại thời gian gần đây, một phần nguyên nhân nguồn lây từ người lao động quay trở lại làm việc. Tuy nhiên số lao động này vì nhiều lý do vẫn chưa được tiêm đầy đủ vaccine. Do đó, cùng với sự chuẩn bị nguồn lực để tiêm mũi 3, các địa phương Đông Nam Bộ cũng tìm cách để tiêm hết liều cơ bản cho người lao động.

Dự báo Đông Nam Bộ sẽ có khoảng 530.000 lao động quay trở lại làm việc từ nay đến sau Tết Nguyên đán.

 Đồng Nai kiến nghị hỗ trợ thêm thuốc kháng vi rút

 Trước tình hình bệnh nhân Covid-19 tử vong cao, Sở Y tế Đồng Nai kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thuốc kháng vi rút để sử dụng sớm cho F0 điều trị tại tầng 1, hạn chế tình trạng chuyển nặng dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết nguyên nhân tử vong tăng cao là do thiếu thuốc kháng vi rút (thuốc điều trị Covid-19). Các cơ sở điều trị thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị máy móc hồi sức cấp cứu; nhân viên y tế cơ sở quá tải, không có thời gian theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà.

Bác sĩ Vũ cho biết đã kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thuốc kháng vi rút để sử dụng sớm cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân trên 50 tuổi, có bệnh nền, ưu tiên người bệnh điều trị tại tầng 1 để hạn chế tối đa tình trạng chuyển nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Tin nóng sáng 21/12: TP.HCM sẽ tổ chức chương trình đón năm mới nếu tình hình dịch ổn định 4

Để hạn chế F0 chuyển nặng và tử vong, Đồng Nai kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thuốc kháng vi rút để điều trị sớm cho F0. Ảnh: TNO

 Hải Phòng dừng nhiều hoạt động vì số ca mắc tăng

 Ngày 20/12, thành phố Hải Phòng ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Theo văn bản, thành phố yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, không tổ chức tụ tập đông người tại nhà và nơi công cộng; không di chuyển đến vùng dịch khi không cần thiết.

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp: Rà soát các sự kiện, hoạt động đông người, chỉ tổ chức khi thật sự cần thiết, giảm tối đa quy mô tổ chức, tuân thủ 5K và xem xét tổ chức xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV- 2 đối với người tham dự.

 

TIN THẾ GIỚI:

WHO kêu gọi hoãn các lễ hội dịp Giáng sinh, năm mới

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Thụy Sĩ ngày 20-12, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kêu gọi hạn chế gặp gỡ, hủy các lễ hội vì "một sự kiện bị hủy bỏ tốt hơn là một cuộc đời bị hủy".

WHO tái khẳng định biến thể Omicron lây lan nhanh hơn biến thể Delta và biến thể này khiến cả những người đã tiêm vắc xin hoặc đã nhiễm COVID-19 và khỏi bệnh cũng bị nhiễm bệnh.

WHO cảnh báo sẽ là thiếu khôn ngoan nếu kết luận từ những bằng chứng sớm là biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn các biến thể trước.

Bà Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học WHO, nói với các phóng viên: "Số ca nhiễm đang tăng lên sẽ làm tất cả các hệ thống y tế bị căng thẳng".

Bà cho biết, biến thể Omicron có thể né tránh một số phản ứng miễn dịch, do đó các chương trình tiêm bổ sung đang được triển khai ở nhiều nước cần ưu tiên cho những người có hệ miễn dịch kém hơn.

Trước mắt, theo WHO, các hoạt động lễ hội ở nhiều nơi trong dịp Giáng sinh và năm mới sắp tới sẽ dẫn đến "sự gia tăng ca bệnh, hệ thống y tế quá tải và nhiều ca tử vong hơn". WHO cũng kêu gọi mọi người hoãn các cuộc tụ tập.

Tin nóng sáng 21/12: TP.HCM sẽ tổ chức chương trình đón năm mới nếu tình hình dịch ổn định 5

Một điểm tiêm vắc xin COVID-19 tại sân vận động Wembley ở London, Anh, ngày 19-12 - Ảnh: REUTERS

Nhiều nước rút ngắn thời gian tiêm liều thứ 3

Ngày càng nhiều nước rút thời gian chờ tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba từ 6 tháng xuống ngắn hơn, nhằm ngăn chặn sự gia tăng số ca mắc biến thể Omicron (lần đầu xác định tại nam châu Phi).

Dù dữ liệu còn hạn chế, nhưng nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy 2 liều ban đầu có thể không đủ để ngăn nhiễm bệnh, và liều thứ ba có thể tăng hiệu quả bảo vệ hơn.

Nghiên cứu tại nam châu Phi và Anh cho thấy biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh, làm dấy lên nhiều dự đoán về việc Omicron sẽ sớm thay thế Delta ở nhiều nước. Giới khoa học cũng đang cố gắng tìm hiểu về độc lực của Omicron.

Đầu năm 2021, nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã cho phép tiêm liều thứ ba khoảng 6 tháng sau khi tiêm 2 liều ban đầu.

Tuy nhiên, đến tháng 12 này, Hàn Quốc, Anh và Thái Lan đã rút thời gian chờ tiêm liều thứ ba xuống còn 3 tháng, trong khi Bỉ rút xuống còn 4 tháng.

Phần Lan khuyến nghị rút thời gian chờ tiêm liều thứ ba xuống còn 3 tháng đối với các nhóm có nguy cơ cao. Chính phủ Phần Lan nói họ không tin việc rút ngắn thời gian tiêm chủng với toàn dân số sẽ giúp làm chậm sự gia tăng số ca nhập viện.

Pháp, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan, Ý và Úc cũng giảm thời gian chờ tiêm liều thứ ba xuống còn 5 tháng. Mỹ, Nam Phi và Đức vẫn giữ nguyên 6 tháng.

Biến thể Omicron hiện là chủng virus chính ở Mỹ

Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa cho biết biến thể Omicron đang chiếm 73,2% các trường hợp mắc mới trong tuần qua. Biến thể này chính thức là biến thể thống trị ở Mỹ.

 Ngày 30-11, Mỹ công nhận biến thể Omicron là biến thể đáng lo ngại. Ngày 1-12, ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được xác nhận ở Mỹ.

Như vậy, biến thể Omicron chỉ mất khoảng 20 ngày để trở thành biến thể thống trị ở Mỹ, vượt qua biến thể Delta.

Trên cả nước, các trường hợp mắc bệnh tăng 9% trong tuần qua ở Mỹ nhưng đã tăng 57% kể từ đầu tháng 12, theo thống kê của Reuters. Số người nhiễm COVID-19 nhập viện tăng 26% trong tháng này.

CDC cho biết ở các bang Oregon, Washington và Idaho, biến thể Omicron chiếm 96,3% các trường hợp mắc mới.

Số  lượng các ca nhiễm nói chung tăng lên đang khiến cho hy vọng về một mùa lễ hội như bình thường của người Mỹ ảm đạm hơn.

Với khả năng lây lan nhanh của biến thể Omicron, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca nhiễm mới sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 1,5 - 3 ngày ở những khu vực có sự lưu hành ngoài cộng đồng của biến thể này.

Nhiều công ty Mỹ lùi thời gian trở lại văn phòng

Google, Meta, Apple, Uber, Lyft nằm trong số những doanh nghiệp hoãn kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng trước sự xuất hiện của biến thể Omicron. Xu hướng làm việc từ xa được dự báo sẽ kéo dài thêm ít nhất đến quý 1 năm sau.

Tuần trước, giám đốc điều hành (CEO) của Apple, ông Tim Cook, thông báo với các nhân viên kế hoạch trở lại làm việc trực tiếp tại văn phòng đã bị hoãn lại vô thời hạn. Theo dự kiến ban đầu, nhân viên Apple sẽ phải đi làm tại văn phòng từ ngày 1-2-2022 tới.

Ông Cook cũng thông báo khoản hỗ trợ 1.000 USD để nhân viên cải thiện điều kiện làm việc tại nhà, đảm bảo hiệu suất công việc như làm việc trực tiếp.

Theo CEO Apple, các văn phòng của hãng vẫn mở và nhân viên vẫn tiếp tục làm việc ở các quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp. Tuy nhiên sự xuất hiện của biến thể Omicron và đợt bùng phát mới tại nhiều nước khiến Apple cảm thấy lo ngại, trì hoãn kế hoạch làm việc trực tiếp.

Google và Uber là hai trong những công ty đầu tiên thông báo hoãn vô thời hạn kế hoạch quay trở lại văn phòng. Meta, công ty mẹ của Facebook, có kế hoạch mở cửa lại văn phòng đầu năm 2022 nhưng cũng dời đến nửa năm sau vì Omicron.

Twitter thậm chí còn thận trọng hơn, cho phép nhân viên có thể làm việc từ xa đến tận tháng 10-2022. Lyft, nền tảng gọi và chia sẻ xe trực tuyến, nổi bật hơn cả vì cho nhân viên làm việc từ xa đến cuối năm sau.

COVID-19 đã biến làm việc từ xa trở thành xu hướng mới. Ngày càng nhiều nhân viên muốn làm việc tại nhà thay vì đến văn phòng.

Tin nóng sáng 21/12: TP.HCM sẽ tổ chức chương trình đón năm mới nếu tình hình dịch ổn định 6

Omicron tiếp tục trì hoãn kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng của các doanh nghiệp Mỹ - Ảnh: EPA

Canada cảnh báo dân không đi du lịch nước ngoài

Ngày 20-12, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho biết mình nhiễm COVID-19, phát hiện qua xét nghiệm nhanh trong bối cảnh Canada đang phải đối mặt với làn sóng lây lan COVID-19 nhanh đáng sợ do biến thể Omicron.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết việc số ca nhiễm biến thể Omicron tăng đột biến là "đáng sợ". 

Ngày 20-12, tỉnh Quebec của Canada ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục là 4.571 trường hợp. Chính quyền tỉnh này lập tức yêu cầu đóng cửa các quán bar, phòng tập thể hình, sòng bài, lệnh có hiệu lực từ 17 giờ.

Người dân được yêu cầu chuyển sang làm việc ở nhà để làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh. Nhân dịp lễ, tỉnh cho tất cả các trường học đóng cửa đến ngày 10-1-2022. Các nhà hàng sẽ chỉ mở cửa từ 17-22h mỗi ngày.

Để đối phó với sự gia tăng số ca nhiễm, người dân từ 18 tuổi trở lên ở Canada có thể đăng ký tiêm mũi vắc xin tăng cường nếu đã hoàn thành liều tiêm thứ 2 trước đó 3 tháng.

Chính phủ Canada cũng kêu gọi người dân không đi du lịch nước ngoài do dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng, tránh các thay đổi bất ngờ về chính sách.

Tin nóng sáng 21/12: TP.HCM sẽ tổ chức chương trình đón năm mới nếu tình hình dịch ổn định 7

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 qua xét nghiệm nhanh - Ảnh: REUTERS