Chờ...

Tin nóng trưa 25/2: Chỉ mua được thuốc điều trị COVID-19 khi có đơn bác sĩ

Sáng 24/2, tại nhiều nhà thuốc thuộc hệ thống nhà thuốc Long Châu, Pharmacity ở quận Bình Thạnh, quận 1, TP Thủ Đức… (TPHCM) có khá đông người dân đến hỏi mua thuốc kháng virus.

TIN TRONG NƯỚC

Chỉ mua được thuốc điều trị COVID-19 khi có đơn bác sĩ

Ngay sau khi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) kê khai giá và phê duyệt cho bán buôn, giá bán lẻ, thuốc kháng virus điều trị COVID-19 có hoạt chất Molnupiravir đã được nhiều nhà thuốc ở TPHCM và Hà Nội bắt đầu bán.

Sáng 24/2, tại nhiều nhà thuốc thuộc hệ thống nhà thuốc Long Châu, Pharmacity ở quận Bình Thạnh, quận 1, TP Thủ Đức… (TPHCM) có khá đông người dân đến hỏi mua thuốc kháng virus. Người dân hỏi nhiều nhưng lượng mua ít, do muốn mua phải có đơn thuốc chỉ định của bác sĩ, giấy xác nhận F0 hoặc kết quả xét nghiệm dương tính bằng PCR, test nhanh của cơ sở y tế, tức là nếu muốn mua thuốc phải đến cơ sở y tế để xét nghiệm.

Tại tất cả các nhà thuốc của Long Châu đều có bảng thông báo rõ những trường hợp được mua thuốc kháng virus như: phải có đơn chỉ định của các bác sĩ hoặc giấy chứng nhận đang điều trị F0 của cơ sở y tế địa phương. Trên bảng thông báo còn ghi dược sĩ Long Châu chỉ được phép bán khi có một trong các giấy trên, nếu sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật.

Tin nóng trưa 25/2: Chỉ mua được thuốc điều trị COVID-19 khi có đơn bác sĩ 1
Những quy định rõ ràng để người dân mua được thuốc tại nhà thuốc 

Đồng thời 100% đơn thuốc cần được chụp lại và cập nhật lên hệ thống theo đúng quy định. Một nhân viên bán thuốc cho biết việc cập nhật hóa đơn trên hệ thống để tránh tình trạng người dân mua ở nhà thuốc này 1 hộp, tới nhà thuốc khác mua 1 hộp rồi sau đó trữ hoặc bán lại.

Pharmacity hiện bán loại thuốc Molravir của Công ty Boston Việt Nam và từ ngày 25-2 sẽ bán thêm thuốc Molnupiravir của Công ty Stella. Một hộp thuốc có giá 250.000 đồng. Điều kiện để mua thuốc phải có chỉ định của bác sĩ hoặc có giấy xác nhận F0 của y tế địa phương.

Đà Nẵng: Cảnh báo chất thải lây nhiễm Covid-19 trong rác thải sinh hoạt

Ngày 24/2, Sở TN-MT TP. Đà Nẵng cho biết vừa có văn bản gửi Sở Y tế, UBND các quận, huyện, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng về việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra công tác phân loại và lưu giữ chất thải lây nhiễm Covid-19 tại các hộ dân, nơi cư trú có F0, F1.

Theo Sở TN-MT, hiện nay tình hình dịch bệnh tại TP diễn biến phức tạp, số ca F0 và F1 tăng nhiều, có tình trạng lẫn chất thải lây nhiễm Covid-19 trong rác thải sinh hoạt thông thường thu gom từ các hộ dân có điều trị F0, F1 tại nhà. Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và quản lý chất thải bệnh nhân điều trị Covid-19 tại nhà theo đúng quy định, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát việc phải khai báo y tế của các trường hợp F1, F0 tại nhà, nơi lưu trú kịp thời để đảm bảo việc tiếp cận thu gom chất thải lây nhiễm.

Cụ thể, danh sách các hộ dân có F1, F0 phải được UBND các phường, xã tổng hợp hằng ngày và chuyển đến ngay đơn vị thu gom rác thải lây nhiễm trên địa bàn để tổ chức thực hiện. Sở Y tế chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc, cơ sở y tế của địa phương hướng dẫn việc thu gom, phân loại và lưu giữ chất thải lây nhiễm của người F1, F0 tại nhà, nơi lưu trú theo đúng quy định.

TP. Hải Phòng: số học sinh nhiễm Covid-19 giảm gần 20 lần

Chiều 24/2, ông Trần Tiến Chinh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng, cho biết, từ ngày 16/2 đến nay, tỷ lệ học sinh mắc Covid-19 tại thành phố này đã giảm 19,3 lần; tỷ lệ giáo viên mắc Covid-19 giảm 9,3 lần so với 2 tuần đầu sau kỳ nghỉ tết.

Tin nóng trưa 25/2: Chỉ mua được thuốc điều trị COVID-19 khi có đơn bác sĩ 2
Tỷ lệ học sinh đến trường của TP. Hải Phòng là khoảng 35%

Trong tuần qua ghi nhận thêm 33 thầy cô và 3.347 học sinh thông báo khỏi bệnh. Số ca nhiễm còn lại có tỷ lệ chuyển biến nặng rất thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh đến trường vẫn chưa cao, khoảng 35%.

Nhiều phụ huynh còn lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên vẫn cho con ở nhà học trực tuyến. Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng yêu cầu các trường tuyên truyền, vận động, thuyết phục phụ huynh cho học sinh đến trường là chính; tuyệt đối không máy móc, áp đặt, bắt buộc học sinh tới trường bằng bất cứ hình thức nào.

Thu giữ 400 hộp thuốc Covid-19 nhập lậu của Trung Quốc tại Quảng Ninh

12 giờ hôm qua (24/2), tại khu vực đường Hùng Vương (TP.Móng Cái, Quảng Ninh), Tổ kiểm soát cơ động thuộc Đội kiểm soát Hải quan số chủ trì, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 đã bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển 400 hộp thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 nhập lậu từ Trung Quốc.

Xe do ông Vy Hoàng Sơn (36 tuổi, trú TP.Móng Cái) điều khiển, trên xe có 2 thùng carton đựng 400 hộp thuốc viên nang, loại 12 viên/vỉ, 2 vỉ/hộp; bên ngoài vỉ thuốc và bao bì hộp thuốc ghi chữ Trung Quốc ; tổng trị giá số hàng khoảng 30 triệu đồng. Ông Sơn không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ gì chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Được biết, đây là loại thuốc đang được tiêu thụ rất nhiều trên thị trường được cho là có tác dụng uống dự phòng và điều trị các triệu chứng của bệnh Covid-19. Tuy nhiên thực tế loại thuốc này của Trung Quốc chỉ trị cảm cúm thông thường. Tại Quảng Ninh, loại thuốc trên của Trung Quốc đang bị nhóm đầu cơ đẩy giá từ 85.000 - 160.000 đồng/hộp.

Giá dầu hạ nhiệt, chứng khoán 'xanh mướt'

Sáng nay (25/2), thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa giao dịch tăng mạnh. Hàng loạt cổ phiếu "xanh mướt" trái với tình trạng đỏ sàn hôm qua. Vào lúc 9 giờ 40 phút, VN-Index tăng gần 10 điểm và đứng trên ngưỡng 1.504 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng tăng hơn 4 điểm và đạt gần 389 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, sắt thép, bất động sản... đa số đều gia tăng.

Tin nóng trưa 25/2: Chỉ mua được thuốc điều trị COVID-19 khi có đơn bác sĩ 3
Chứng khoán sáng 25.2 tăng trở lại

Nhưng ngược lại, một số mã dầu khí lại quay đầu sụt giảm sau khi đã tăng mạnh các phiên trước đó như OIL, BSR, PVD, PLX... Hay cổ phiếu của Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) lao dốc sau khi giá vàng thế giới sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, mức tăng hay giảm của đa số cổ phiếu vẫn ở biên độ thấp khi nhà đầu tư vẫn còn thận trọng.

Các KCN phía bắc thiếu hụt lao động

Sau tết, nhiều KCN tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… đang thiếu hụt hàng nghìn lao động (LĐ). Dịch Covid-19 gia tăng với nhiều ca F0 trong cộng đồng khiến các doanh nghiệp tuyển dụng rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Bắc Giang, do nhiều doanh nghiệp (DN) thành lập mới và mở rộng sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng quý 1/2022 trên địa bàn tỉnh khoảng 35.000 người. Tuy nhiên, việc tuyển dụng vô cùng khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ca F0 có chiều hướng gia tăng, nguồn tuyển dụng sau tết khan hiếm.

Trước nhu cầu tuyển dụng LĐ tại các KCN phía bắc tăng cao, ngày 24.2, Trung tâm DVVL Hà Nội đã tổ chức phiên giao dịch việc làm online kết nối 6 tỉnh, thành, gồm: Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, và Bắc Giang. Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội, cho hay: “Phiên giao dịch này có quy mô lớn nhất từ sau tết với sự tham gia của 90 đơn vị, DN với chỉ tiêu tuyển dụng lên tới gần 20.000 người. Các vị trí việc làm đa dạng ngành nghề, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là LĐ làm việc tại các KCN của các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương,… với mức lương từ 5 - 20 triệu đồng/tháng”.

Thời tiết: Biển Đông gió giật cấp 8, sóng cao 4,5 m

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của lưỡi áp cao lục địa có cường độ suy yếu chậm nên ngày và đêm nay, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi từ Bình Định đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động, sóng biển cao từ 2,5 - 4,5 m.

Dự báo từ đêm nay, thời tiết xấu và cường độ gió trên khu vực bắc và giữa Biển Đông, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có xu hướng giảm dần.

Tin nóng trưa 25/2: Chỉ mua được thuốc điều trị COVID-19 khi có đơn bác sĩ 4
Ảnh minh họa

Nam bộ: Nhiệt độ thấp nhất từ 22 - 25 độ C, miền đông Nam bộ có nơi dưới 22 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 30 - 33 độ C, có nơi trên 33 độ C. Trời có mây, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

TIN THẾ GIỚI

 

Tổng thống Nga V.Putin điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới

Ngày 24/2, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có các cuộc điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó thảo luận tình hình xung quanh vấn đề Ukraine. 

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moscow không có kế hoạch xâm chiếm các vùng lãnh thổ của Ukraine. Làm rõ tình hình đang xảy ra, Bộ Quốc phòng Nga tái khẳng định quân đội Nga không nhằm mục tiêu vào các thành phố của Ukraine mà chỉ nhằm vô hiệu hóa hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine. Bộ nhấn mạnh không có bất kỳ mối đe dọa nào đối với dân thường.

Trong một diễn biến liên quan, các nguồn tin ngoại giao tại Liên hợp quốc (LHQ) cho biết Mỹ và Albania, một ủy viên không thường trực, đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ hôm nay, ngày 25/2 bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết phản đối động thái của Moscow và yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.

Ukraine cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga

Ngày 24/2, Tổng thống Ukraine tuyên bố nước này đã cắt quan hệ ngoại giao với Nga. Thông tin trên đã được Tổng thống Ukraine đưa ra trong một thông điệp bằng video. Đây là lần đầu tiên quan hệ Nga và Ukraine gián đoạn kể từ khi Liên Xô giải thể vào năm 1991. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.

Tin nóng trưa 25/2: Chỉ mua được thuốc điều trị COVID-19 khi có đơn bác sĩ 5
Tổng thống Zelensky

Trong diễn biến liên quan, theo hãng tin TASS, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đang sử dụng vũ khí chính xác nhắm vào một số cơ sở quân sự của Ukraine. Bộ trên cho hay các phương tiện phòng không của Lực lượng vũ trang Ukriane đã bị áp chế, cơ sở hạ tầng quân sự của căn cứ không quân đã bị vô hiệu hoá và lực lượng biên phòng Ukraine không kháng cự được quân đội Nga.

Mỹ tiếp tục trừng phạt Nga

Tổng thống Mỹ Biden thông báo loạt trừng phạt kinh tế Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng cảnh báo cần thời gian để khiến ông Putin đổi ý. Nhà Trắng cho biết gói trừng phạt sẽ nhắm vào nhiều tổ chức kinh tế, tài chính Nga và cá nhân có quan hệ mật thiết với Moskva.

Nổi bật nhất là Sberbank, tổ chức tài chính lớn nhất của Nga, cùng 25 đơn vị trực thuộc sẽ bị cấm cửa hoàn toàn trong hệ thống tài chính Mỹ.

Mỹ cấm 13 công ty nhà nước của Nga tiếp cận gọi vốn ở thị trường Mỹ, trong đó có 5 ngân hàng cùng nhiều doanh nghiệp lớn và tập đoàn đường sắt Nga. Một loạt tỷ phú và cá nhân có quan hệ với Moskva cũng bị Mỹ đưa vào danh sách cấm vận.

Vàng, bạc và bạch kim tăng giá vì khủng hoảng Ukraine

Giá dầu và các kim loại quý như vàng, bạc hay bạch kim tiếp tục tăng cao giữa bối cảnh căng thẳng tại Ukraine đang leo thang. Trong khi đó, giá USD không thay đổi đáng kể.

Theo Hãng tin Bloomberg, giá dầu tại châu Á đã có một phiên giao dịch kịch tính, tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng, trước khi giảm nhẹ sau khi các nguồn cung năng lượng từ Nga thoát trừng phạt của phương Tây. Cùng lúc, các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng trong lúc chờ đợi các động thái của Nga và phương Tây.

Tin nóng trưa 25/2: Chỉ mua được thuốc điều trị COVID-19 khi có đơn bác sĩ 6
Giá dầu và các kim loại quý như vàng, bạc hay bạch kim tiếp tục tăng cao 

Chứng khoán Mỹ, Nhật tăng điểm trở lại

Chứng khoán Phố Wall bắt đầu phiên giao dịch chìm trong sắc đỏ, nhưng sau đó tăng điểm trở lại để chấm dứt chuỗi 4 ngày giảm điểm, với chỉ số S&P 500 tăng 1,5% lên 4.288,7 điểm. Cổ phiếu công nghệ nằm trong số các cổ phiếu tăng giá lớn, với Netflix tăng 6,1% vào cuối phiên, Microsoft tăng 5,1% và Meta Platforms (trước đây là Facebook) tăng 4,6%.

Chứng khoán Nhật Bản cũng mở cửa cao hơn vào hôm nay, ngày 25-2, ghi nhận sự phục hồi sau khi giảm điểm trong các phiên trước đó và sau đà tăng trên Phố Wall bất chấp việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Động đất rung chuyển Indonesia, chấn động cả Malaysia, Singapore

Hãng Reuters, hôm nay, ngày 25/2 đưa tin một trận động đất mạnh 6,2 độ Richter xảy ra trên đất liền, gần bờ biển phía tây đảo Sumatra của Indonesia, với rung lắc lan tận Malaysia và Singapore.

Theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý của Indonesia (BMKG), chưa có nguy cơ sóng thần và thông tin về thiệt hại lớn. Trận động đất xảy ra vào lúc 8 giờ 39 ngày 25.2 với tâm chấn trên đất liền, sâu khoảng 10 km. Tại Indonesia, chấn động mạnh lan đến các thành phố lân cận, theo các nhân chứng.

Cơ quan giảm nhẹ tác động thiên tai Indonesia chưa đưa ra nhận định liên quan thiệt hại. Indonesia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương và thường xuyên xảy ra động đất, núi lửa phun.

Tin nóng trưa 25/2: Chỉ mua được thuốc điều trị COVID-19 khi có đơn bác sĩ 7
Trận động đất trên đảo Sumatra của Indonesia