Chờ...

Singapore đối mặt với xã hội siêu già

VOH - Với hơn 20% dân số sẽ trên 65 tuổi vào năm 2026 và con số này sẽ tiếp tục tăng đến mức cứ 4 người Singapore thì có 1 người cao tuổi vào năm 2030.

Singapore đang dần chuyển mình để trở thành một xã hội siêu già, với hơn 20% dân số sẽ trên 65 tuổi vào năm 2026 và con số này sẽ tiếp tục tăng đến mức cứ 4 người Singapore thì có 1 người cao tuổi vào năm 2030. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho đất nước, đòi hỏi không chỉ hệ thống chăm sóc y tế và xã hội mà còn là sự thay đổi trong cách nhìn nhận và chăm sóc người cao tuổi.

Priya Elangovan, 34 tuổi, là một trong những người lo lắng về tuổi già khi thấy sự thiếu kiên nhẫn của một số người lái xe đối với những bà cụ chậm chạp khi sang đường. Là người độc thân, Priya lo ngại rằng cô sẽ không có ai chăm sóc khi về già và tương lai tài chính của mình cũng không được đảm bảo. Cô nói: “Tôi không thể trông cậy vào bất kỳ ai”.

nguoi gia_voh
Người già Singapore. - Ảnh: CNA

Trong khi đó, ông Anthony, 75 tuổi, từng là nhân viên an ninh, chọn sống một mình sau khi ly hôn và hạn chế giao tiếp với gia đình. Ông dành phần lớn cuộc đời làm việc ở nước ngoài, không có nhiều bạn bè và cũng không muốn làm phiền hàng xóm.

Trái ngược với hai câu chuyện trên, bà Doris Tang, 74 tuổi, lại có một quan điểm lạc quan hơn về tuổi già. Sau khi nghỉ hưu, bà tận hưởng cuộc sống bằng cách đọc sách, chăm sóc cháu trai và tham gia các hoạt động cộng đồng. Tang cho biết bà không muốn lãng phí thời gian còn lại mà muốn sống có ý nghĩa: “Miễn là bạn tin rằng mình còn giá trị, bạn sẽ hạnh phúc”.

Những câu chuyện trên phản ánh sự đa dạng trong nhóm dân số già tại Singapore. Tiến sĩ Ad Maulod từ Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Lão khoa thuộc Đại học Y Duke-NUS cho rằng người cao tuổi ngày nay không chỉ sống lâu hơn mà còn khỏe mạnh, có trình độ học vấn cao và giàu có hơn so với các thế hệ trước.

Để chuẩn bị cho tốc độ già hóa nhanh chóng, chính quyền Singapore đang tập trung phát triển các cơ sở hạ tầng thân thiện với người cao tuổi. Các trung tâm chăm sóc người già ngày càng được mở rộng và cung cấp nhiều hoạt động đa dạng hơn để đáp ứng sở thích của họ. Cựu cảnh sát Sunny Ong, 75 tuổi, là một ví dụ tiêu biểu. Ông thường xuyên đến trung tâm chơi bóng bàn mỗi sáng, dù đây không phải là bộ môn phổ biến với người cao tuổi.

Tuy nhiên, không phải người già nào cũng may mắn được hỗ trợ đầy đủ. Bà Tong Wai Han, 66 tuổi, gặp khó khăn khi phải nhờ hàng xóm chăm sóc mẹ 94 tuổi bị mất trí nhớ. Bà chia sẻ: “Bản thân tôi cũng đã già đi và không còn nhanh nhẹn như trước, nhưng tôi vẫn cố gắng giúp đỡ người khác bằng cách học lái xe để đưa những bệnh nhân ung thư đi xạ trị”.

Singapore đang nỗ lực xây dựng hệ thống chăm sóc người già dựa trên sự hỗ trợ ngang hàng. Bà Edna Claudine Leong, giám đốc điều hành tổ chức tình nguyện RSVP Singapore, cho rằng khi quy mô gia đình thu hẹp, người già chăm sóc lẫn nhau sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các dịch vụ xã hội. Bà tin rằng mô hình này sẽ giúp duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất của người cao tuổi.

Một ví dụ là bà Carol Chan, 78 tuổi, thường xuyên tham gia tình nguyện tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Jalan Besar. Tại đây, bà đã kết bạn với bà Alimah Kassim, 73 tuổi, người từng cô lập với cộng đồng sau khi chồng qua đời. Bà Leong nhận định: “Những người già có thể dễ dàng hiểu và đồng cảm với nhau, tạo nên mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa”.