Làm thế nào để ngăn ngừa Hội chứng chuyển hóa? Làm thế nào để cải thiện chế độ ăn uống?
Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, cách hiệu quả nhất để tránh xa Hội chứng chuyển hóa phải bắt đầu từ việc duy trì thực hành chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục hợp lý và kiểm soát tốt cân nặng.
Tránh xa “ba cao” và “hai tác hại” để ngăn ngừa Hội chứng chuyển hóa
Chuyên gia dinh dưỡng Trương Lệ Quyên - Bệnh viện thành phố Đài Nam (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, Hội chứng chuyển hóa là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được.
Tuy nhiên, nếu không điều trị sớm sẽ làm tăng nguy cơ mắc thêm bệnh tiểu đường lên gấp 6 lần, có nguy cơ tử vong cao; huyết áp cao tăng gấp 4 lần, nguy cơ mỡ máu cao tăng gấp 3 lần, nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ tăng gấp 2 lần, đồng thời trở thành bệnh nhân mắc bệnh mãn tính.
Theo chuyên gia Trương Lệ Quyên, Hội chứng chuyển hóa là “ba cao cộng với hai tác hại”. Trong đó, ba cao là chỉ huyết áp cao, lượng đường trong máu cao và mỡ máu cao; còn hai tác hại là ý nói vòng eo quá to và không có đủ cholesterol tốt (HDL cholesterol).
Nên có chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng
Chuyên gia dinh dưỡng Trương Lệ Quyên cho biết, hầu hết mọi người thường ăn quá nhiều những thứ họ thích và thiếu hứng thú, kén ăn với những thứ họ không thích.
Mọi người nên thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng mỗi ngày, đồng thời ăn uống cân bằng sáu loại thực phẩm chính để đảm bảo cơ thể không bị thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết, bao gồm:
- Một ly sữa mỗi sáng và tối
- Một phần rau củ quả bằng nắm tay cho mỗi bữa ăn
- Ăn nhiều rau xanh hơn trái cây
- Ăn cơm với ăn rau bằng nhau
- Ăn đậu, cá, trứng và thịt với số lượng bằng nắm tay mỗi bữa
- Một muỗng cà phê các loại hạt và quả hạch mỗi ngày
Chuyên gia Trương Lệ Quyên nhấn mạnh, mọi người cố gắng thay đổi cứ ăn mãi một thứ và thay đổi nó thành chọn ăn nhiều thứ phong phú, đa dạng, ngon miệng và đặc biệt phải tránh đồ ăn có hại cho sức khỏe.
Chuyên gia khuyến cáo rằng, mọi người nên biết lựa chọn thực phẩm tốt và tránh thực phẩm có hại cho sức khỏe trong chế độ ăn uống của mình; nắm vững các nguyên tắc chế độ ăn uống ít chất béo, ít muối, ít calo và nhiều chất xơ, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây, các loại hạt và các loại cá để duy trì chức năng trao đổi chất bình thường.
Ngoài ra, mọi người nên tránh bột ngọt, đậu tương, miso (là một loại gia vị, thực phẩm quen thuộc của người Nhật Bản), sốt cà chua (tương cà), muối tiêu và các loại gia vị khác; những thực phẩm lên men và muối chua chẳng hạn như dưa chua, kim chi... Chúng chứa rất nhiều muối, ăn quá nhiều sẽ gây gánh nặng trao đổi chất cho thận và tim.
Thực phẩm chiên xào, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt tinh chế và quá nhiều thịt đỏ đều chứa quá nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và đường, làm tăng nguy cơ huyết áp cao, lượng đường trong máu cao và mỡ máu cao, rất có hại cho sức khỏe.
Tập thể dục 30 phút mỗi ngày có thể cải thiện quá trình trao đổi chất
Chuyên gia dinh dưỡng Trương Lệ Quyên cho biết, tập thể dục thường xuyên đều đặn mỗi ngày có thể giúp cải thiện độ nhạy cảm của cơ thể với insulin, kiểm soát lượng đường và cholesterol trong máu.
Thời gian tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, có thể giúp cải thiện tim, phổi và tuần hoàn máu, tiêu hao năng lượng, từ đó cải thiện quá trình trao đổi chất và kiểm soát cân nặng.
Chuyên gia Trương Lệ Quyên nhấn mạnh, phòng bệnh hơn chữa bệnh, mọi người có thể đánh giá thói quen ăn uống và lối sống của mình để sớm thay đổi và thực hiện các nguyên tắc ăn uống lành mạnh bảo vệ sức khỏe, tập thể dục và quản lý, kiểm soát tốt cân nặng.
Chỉ bằng cách duy trì thực hành chế độ ăn uống lành mạnh, thiết lập thói quen sinh hoạt tốt và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để tránh xa Hội chứng chuyển hóa và tránh các bệnh mãn tính. Có như thế mọi người mới có thể tận hưởng một cuộc sống khỏe mạnh và vui vẻ.