Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Ăn rau đắng có tác dụng gì cho sức khỏe?

(VOH) – Rau đắng là một loại cây thuộc thân thảo, vừa để làm rau ăn vừa có thể làm thuốc trị một số bệnh thông dụng. Những tác dụng của rau đắng đã được chứng thực trong y học.

Không chỉ là thực phẩm được sử dụng khá nhiều đời sống ẩm thực, rau đắng còn là vị thuốc được chứng minh là có những công dụng tốt trong việc phòng và hỗ trợ điều trị một số bệnh thường gặp.

1. Rau đắng là gì?

Rau đắng thực chất là tên gọi chung của nhiều loại thực vật như rau đắng lông, rau đắng đất thuộc chi Glinus, và rau đắng bông, rau đắng biển thuộc chi Bacopa.

tac-dung-cua-rau-dang-voh-0
Rau đắng là loại rau phổ biến trong các bữa ăn gia đình (Nguồn: Internet)

Ở Việt Nam, rau đắng thường được phân thành 2 loại là: rau đắng đất và rau đắng biển. Đặc điểm của 2 loại rau đắng này có thể được nhận biết như sau:

1.1 Rau đắng đất

Rau đắng đất có tên khoa học là Polygonum aviculare L. Là một cây thân thảo mọc bò trên mặt đất, thân và cành mọc tỏa tròn gần như sát mặt đất, đôi khi mọc cao tới 10 – 30cm, có màu đỏ tím.

Loại rau này sống quanh năm, có thân nhỏ nhiều đốt, lá nhỏ mọc so le, có bẹ chìa, phiến lá dài. Hoa có màu hồng tím, mọc tụ lại ở kẽ lá. Quả ở cạnh, chứa một đầu đen. Người ta thường hái toàn cây, sử dụng thân và lá còn tươi hoặc đem phơi khô để sử dụng dần.

1.2 Rau đắng biển

Rau đắng biển có tên gọi khoa học là Bacopa monnieri L. thường được tìm thấy ở những khu vực đầm lầy, bãi cỏ hoang có hơi ẩm hay nằm pha lẫn với các loại cỏ thấp ở ngoài bờ ruộng.

Đây cũng là loại cây thân thảo sống dai, mọc bò, thân nhẵn mang rễ, dài từ 10 – 40cm, mang nhiều cành mềm mọc đứng. Lá mọc đối, không cuống. Hoa mọc riêng lẻ màu trắng. Quả nang hình trứng, nhẵn, hạt nhỏ, có góc cạnh.

2. Ăn rau đắng có tác dụng gì?

Cả rau đắng đất và rau đắng biển điều được đưa vào vào nghiên cứu. Kết quả cho thấy 2 loại rau này có tính vị giống nhau nhưng về mặt công dụng sức khỏe thì lại có những sự khác biệt.

2.1 Tác dụng của rau đắng đất

Theo Đông y, rau đắng đất hay còn gọi là biến súc, cây càng tôm, cây xương cá. Có vị đắng, tính bình, không độc. Tác dụng của rau đắng đất giúp lợi tiêu hóa, khai vị, lợi tiểu, trừ thấp nhiệt, sơ can. Đông y sử dụng rau đắng đất để chữa các bệnh như: tiểu gắt buốt, sỏi thận, ăn uống kém, nóng trong người, hạ sốt, mát gan.

Trong nghiên cứu y học hiện đại, rau đắng đất có chứa hàm lượng vitamin C khá cao, khi sử dụng có thể giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, làm bền vững thành mạch.

tac-dung-cua-rau-dang-voh-1
Rau đắng đất (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, trong rau đắng đất còn chứa một số chất có lợi cho sức khỏe như: tanin, saponin, flavonoid, alkaloid và sesquiterpene. Những thành phần này có khả năng kháng khuẩn tốt, có thể giúp chống lại một số vi khuẩn gram âm và gram dương.

Ngoài ra, ăn rau đắng cũng rất có lợi cho những người đang bị ho, sốt, cảm lạnh, nhiễm trùng, mụn nhọt bởi các thành phần trong rau đắng có tác dụng chống lại bệnh tật.

Một số nghiên cứu ở Trung Quốc và Iran cũng cho biết, rau đắng có thể có tác dụng chống lại quá trình oxy hóa, khử các gốc tự do trong cơ thể, đồng thời giúp ngăn chặn sự hình thành tế bào ung thư như ung thư vú và cải thiện tình trạng bệnh Parkinson, Alzheimer và các vấn đề tim mạch khác.

Xem thêm: Quá trình tiến triển của bệnh Alzheimer – từ giảm trí nhớ cho đến liệt giường và không biết gì

2.2 Công dụng của rau đắng biển

Theo y học cổ truyền Việt Nam, rau đắng biển còn được gọi là cây ruột già, rau sam trắng. Có tính mát, vị đắng. Công dụng của rau đắng biển giúp thanh nhiệt, tiêu độc, lợi tiểu, tiêu thũng. Rau đắng biển thường được sử dụng để sắc uống chữa ho, làm thuốc chữa chứng tiểu gắt buốt, đi cầu khó. Thuốc được dùng dưới dạng phơi khô.

Tương tự như rau đắng đất, nghiên cứu dược lý rau đắng biển cho thấy thành phần có trong loại rau này chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe như các loại alkaloid và saponin. Các chất này có tác động rất tốt trên hệ thống tuần hoàn não, tăng cường dẫn truyền xung động thần kinh, chống lại hiện tượng oxy hóa của tế bào não.

Các nhà khoa học Ấn Độ cũng đã chứng minh được, rau đắng biển có khả năng giúp làm tăng trí nhớ, giảm sự mệt mỏi thần kinh. Ngoài ra, loại rau này có giúp ngăn ngừa sự tái diễn của những cơn động kinh.  

tac-dung-cua-rau-dang-voh-2
Rau đắng biển (Nguồn: Internet)

Một số nhà tâm lý học ở Úc cũng đã phát hiện được khả năng lưu giữ thông tin ở não gia tăng một cách rõ rệt và cải thiện khả năng tập trung hiệu quả qua tác dụng của các chất saponin có trong rau đắng biển.

Tương tự, các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Thái Lan cho biết, rau đắng biển rất có lợi cho người mắc bệnh trầm cảm, người bị suy nhược thần kinh, bệnh nhân sau tai biến mạch máu não và an toàn khi sử dụng cho người cao tuổi.

3. Bà bầu ăn rau đắng được không?

Bánh canh cá lóc rau đắng, cháo cá lóc rau đắng... đều là những món ăn khoái khẩu của nhiều mẹ bầu. Tuy nhiên, thực tế dù có yêu thích rau đắng mẹ bầu cũng nên hạn chế ăn chúng trong thai kỳ, bởi đây không phải là loại rau an toàn dành cho phụ nữ mang thai.

Cả y học cổ truyền và y học hiện đại đều khuyên mẹ bầu không nên ăn rau đắng trong giai đoạn mang thai, bởi trong loại rau này có những thành phần có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết, co thắt tử cung, thậm chí là gây sảy thai nếu mẹ bầu tiêu thụ số lượng lớn.

Xem thêm: 'Giải mã' lý do mẹ bầu không nên ăn rau đắng trong thai kỳ

4. Gợi ý một số món ngon từ rau đắng

Nhìn chung cả 2 loại trên đều có những tác dụng có lợi cho sức khỏe. Mỗi loại đều có những ưu điểm khác nhau nhưng cả 2 đều có nhung một đặc điểm là có vị rất đắng. Tuy nhiên, sau khi dùng một thời gian, bạn sẽ dần quen với vị đắng và cảm thấy không còn khó ăn nữa.

Rau đắng trong bữa ăn thường sử dụng cả phần lá và thân. Bạn có thể ăn rau đắng chung với các món ăn khác như cháo nóng sẽ rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, ăn rau đắng với cháo cá lóc hay cá kèo đều rất ngon.

tac-dung-cua-rau-dang-voh-3
Rau đắng có thể làm ra được rất nhiều món ăn ngon (Nguồn: Internet)

Nếu không quen với vị đắng của rau, bạn có thể sử dụng dưới hình thức luộc chín ăn chung với cá kho, thịt kho, tương, chao. Hoặc có thể nấu thành canh, nấu lẩu để giảm bớt phần nào vị đắng.

Ngoài ra, rau đắng có thể được dùng để xào với tôm, thịt để cho ra món ăn hấp dẫn.

Xem thêm: 6 món ngon từ rau đắng giúp bữa cơm gia đình thêm 'tròn vị'

5. Ăn rau đắng cần lưu ý điều gì?

Mặc dù rau đắng đất và rau đắng biển có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng khi sử dụng rau đắng bạn cũng cần phải lưu ý một số điều sau đây:

  • Phụ nữ đang mang thai nên cẩn trọng khi dùng.
  • Ăn nhiều rau đắng trong bữa ăn có thể tốt cho người bị táo bón do rau đắng chứa nhiều chất xơ, nhưng với người bình thường hoặc người có hệ tiêu hóa kém ăn rau đắng sẽ dễ dẫn đến tình trạng tiêu lỏng.
  • Một số người sử dụng rau đắng sắc nước uống để giảm cân có thể dẫn đến những tác dụng phụ như: có cảm giác buồn nôn, đầy tức bụng, rối loạn tiêu hóa.

6. Thành phần dinh dưỡng có trong cây rau đắng

Rau đắng có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng dựa trên những nghiên cứu khoa học. Dưới đây là hàm lượng dinh dưỡng được tìm thấy trong 100g rau đắng đất:

  • Nước: 81.6%
  • Chất đạm: 1.9g
  • Chất béo: 0.3g
  • Carbohydrate: 10.2g
  • Chất xơ: 3.5g
  • Tro: 3.5g

Như vậy, rau đắng là loại rau thông dụng được dùng phổ biến trong ẩm thực và là vị thuốc quý trong Đông y lẫn y học hiện đại. Tuy nhiên, nếu dùng rau đắng như một vị thuốc chữa bệnh bạn cần tham khảo thêm ý kiến của thầy thuốc hoặc người có chuyên môn để đạt được hiệu quả tốt nhất.