Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tác dụng của lá sen trong điều trị bệnh và hỗ trợ sức khỏe

(VOH) - Khi nhắc đến sen người ta thường chỉ chú ý đến tâm sen, hạt sen, ngó sen...và thường bỏ quên đi lá sen. Nhưng thực tế tác dụng của lá sen không hề thua kém các bộ phận khác của sen 1 chút nào.

Cây sen rất quen thuộc với người dân Việt Nam, mọi thành phần từ sen như hạt sen, tim sen, ngó sen đều có công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, có một bộ phận của sen ít người biết rằng nó cũng có công dụng chữa bệnh rất tốt, đó là lá sen.

1. Lá sen có tác dụng gì?

Nếu như trước đây, người ta chỉ dùng lá sen để gói xôi hay phơi khô nấu nước uống, thì ngày nay các nghiên cứu về loại lá này đã phát hiện ra tác dụng của lá sen còn giúp hạ huyết áp, giảm mỡ máu, phòng chống các bệnh về tim mạch... nhờ các thành phần như alcaloid, acid hữu cơ, tanin, vitamin C...

tac-dung-cua-la-sen-trong-dieu-tri-benh-va-ho-tro-suc-khoe-voh-0

Lá sen có nhiều tác dụng chữa bệnh (Nguồn: Internet)

Một số tác dụng của lá sen có thể kể đến là:

1.1 Giảm béo

Lá sen có tác dụng giảm béo nhờ có chứa tinh chất acid loid, đây là chất có tác dụng hỗ trợ lá lách hoạt động tốt để ngăn chặn sự hấp thụ chất béo. Chính vì thế, những người có cơ địa dễ tăng cân có thể uống nước lá sen để giảm béo, giữ gìn vóc dáng...

1.2 Giảm mỡ trong máu

Nhờ có nhiều dưỡng chất như acid loid, nuciferin, vitamin C, các axit citric... nên lá sen còn được biết đến như một loại ‘thuốc’ giúp loại bỏ bớt lượng mỡ máu trong cơ thể con người.

Xem thêm: Mỡ trong máu cao có nhất thiết phải dùng thuốc chữa trị không?

1.3 Kiểm soát đường huyết

Một trong những tác dụng của lá sen là giúp lượng đường trong máu được điều hòa ở mức ổn định, chống tăng đường huyết và rối loạn lipid máu người bệnh tiểu đường.

1.4 Chống viêm, chống nấm và kháng khuẩn

tac-dung-cua-la-sen-trong-dieu-tri-benh-va-ho-tro-suc-khoe-voh-1

Lá sen khô có chứa chất kháng khuẩn, chống viêm (Nguồn: Internet)

Một trong nhiều công dụng của lá sen là giúp chống viêm, mẩn đỏ, sưng, đau. Giã nhuyễn lá sen đắp lên vùng da bị nấm, viêm, có tác dụng làm lành da, diệt nấm.

1.5 Chống chảy máu

Trong lá sen có chứa chất quercetin và flavonoids. Đây là 2 chất có thể giúp tái tạo thành mao mạch, từ đó ngăn ngừa những tình trạng chảy máu bên trong cơ thể như bị rong kinh, tiểu ra máu,...

Với những trường hợp bị vết thương ngoài da, bạn cũng có thể lấy một nhúm trà lá sen để giúp cầm máu hiệu quả.

1.6 Giải quyết các vấn đề liên quan đến đường hô hấp

Nếu bạn thường gặp các vấn liên quan đến đường hô hấp, cảm lạnh, viêm xoang thì nên uống trà lá sen vì nó có tác dụng loại bỏ chất nhầy gây hại ra khỏi cơ thể.

1.7 Làm đẹp da

Y học cổ truyền Ấn Độ thường sử dụng lá sen tươi hoặc trà lá sen để nấu nước rửa mặt để giúp loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn, tiêu diệt tế bào chết, giúp khí huyết lưu thông cũng như để da dẻ được hồng hào và mịn màng hơn.

1.8 Trị mất ngủ

Nhiều người cho rằng tim sen mới là “thần dược” chữa mất ngủ, tuy nhiên, ít ai biết rằng lá sen cũng có công dụng này. Uống trà lá sen mỗi ngày sẽ giúp bạn giảm cảm giác lo lắng, bồn chồn, từ đó cải thiện được chứng mất ngủ.

tac-dung-cua-la-sen-trong-dieu-tri-benh-va-ho-tro-suc-khoe-voh-3
Tác dụng của lá sen giúp ích trong điều trị chứng mất ngủ ( Nguồn: Internet )

1.9 Điều hoà cơ thể

Các thành phần dinh dưỡng trong lá sen, giúp cho dược liệu này có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Ngoài ra, chất alkaloid trong lá sen cũng giúp hỗ trợ điều trị cao huyết áp hiệu quả.

Xem thêm: 'Biến tấu' thực đơn hàng ngày với 5 món ngon từ hạt sen

2. Công dụng của lá sen theo Đông Y

Lá sen được dùng trong y học cổ truyền với tên gọi là liên diệp hoặc hà diệp. Lá sen được thu hái quanh năm, có thể dùng lá sen tươi hoặc sấy khô, sao thơm để uống.

Theo Đông Y, lá sen có vị đắng, hơi chát, mùi thơm nhẹ, tính bình, không độc, vào can tỳ vị. Tác dụng của lá sen là giúp thanh nhiệt, cầm máu, tán ứ, an thần, lợi thấp.

2.1 Lá sen trị bệnh gì ?

  • Chữa thổ tả do trúng thử: Dùng lá sen tươi 20g giã nhỏ, ép lấy nước. Sau đó cho thêm 1 chén nước nguội vào bã tiếp tục ép lấy nước, trộn với nước ép trên để uống.
  • Chữa di tinh: Lá sen phơi, nghiền thành bột mịn. Uống ngày 2 lần, sáng – chiều với nước sôi, mỗi lần uống 5gr.
  • Chữa sản dịch không ra hết sau khi sinh: Lá sen sao thơm 30gr tán nhỏ, uống với nước hoặc sắc với 200ml nước còn 50ml, uống một lần trong ngày.
  • Chữa mất ngủ: Lá sen loại bánh tẻ 30gr rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô sắc hoặc hãm lấy nước uống.

tac-dung-cua-la-sen-trong-dieu-tri-benh-va-ho-tro-suc-khoe-voh-2

Lá sen thường được dùng để pha trà uống (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, lá sen khi kết hợp cùng với các loại thảo dược khác còn công dụng chữa sốt xuất huyết, thổ huyết do táo nhiệt, suy nhược thần kinh, ngủ kém, ho – nôn ra máu...

2.2 Lưu ý khi dùng trà lá sen chữa bệnh

Trà lá sen là một loại trà khá phổ biến và được nhiều người yêu thích và sử dụng vì có tác dụng an thần, thanh nhiệt, giúp giảm cân và làm đẹp da. Tuy nhiên, việc dùng trà lá sen cũng phải hết sức cẩn thận vì không phải ai cũng có thể dùng được loại trà này.

Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, lá sen có tác dụng cầm máu, chữa được các bệnh về máu huyết nên những phụ nữ đang bị hành kinh và phụ nữ mang thai không nên uống loại trà này.

Lá sen có tác dụng hạ huyết áp chính vì thế những người muốn giảm cân nhưng bị huyết áp thấp thì nên hạn chế dùng để tránh tình trạng bệnh càng nặng thêm. Bên cạnh đó, lá sen cũng có tác dụng tăng cường hệ tim mạch, nếu dùng trà lá sen quá nhiều trong thời gian dài sẽ khiến tim đập thất thường.

Ngoài ra, trà lá sen cũng không thích hợp với những người có cơ địa hàn vì uống nhiều có thể bị lạnh bụng, dẫn đến tiêu chảy.

3. Cách sử dụng lá sen khô và tươi

3.1 Cách nấu nước lá sen tươi

Để nấu nước lá sen uống thì bạn chuẩn bị 1 lá sen tươi to, dùng nước muối để rửa sạch và để ráo nước. Sau đó bạn thái nhỏ lá sen ra và bảo quản trong tủ lạnh, mỗi lần nấu nước lá sen chỉ cần dùng khoảng 3 - 4g pha với nước nóng để uống.

3.2 Cách pha trà lá sen khô

Không như pha nước lá sen tươi, cách pha trà lá sen dễ dàng hơn bằng cách dùng khoảng 5 - 8g bỏ vào bình, muốn tăng thêm hương vị có thể kết hợp với nhánh quế hoặc cánh hoa hồng để mùi thơm hơn. Việc uống trà lá sen mỗi ngày sẽ tốt cho sức khỏe và giúp cơ thể thư giãn.

tac-dung-cua-la-sen-trong-dieu-tri-benh-va-ho-tro-suc-khoe-voh-3
Trà lá sen mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe ( Nguồn: Internet )

3.3 Cách uống nước lá sen đúng cách

Để phát huy tối đa lợi ích sức khỏe mang lại của nước lá sen thì bạn nên uống nước lá sen trước hoặc sau bữa ăn khoảng 30 phút, điều này sẽ giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn. Còn trà sen khô thì bạn nên uống vào buổi sáng và buổi trưa, không nên uống sát giờ đi ngủ mà cần phải uống trước 30 phút.

Do đó, khi sử dụng lá sen, các chị em chỉ nên hãm, nấu hoặc sắc 1 lá sen với 500ml nước để dùng một ngày. Không nên lạm dùng nhiều vì sẽ có thể gây phản tác dụng và gây hại cho sức khỏe.

Ngoài nấu nước lá sen hay pha trà thì lá sen còn là nguyên liệu trong nhiều món ăn ngon như: cháo lá sen đậu xanh, xôi lá sen, cơm gà lá sen, chả đùm lá sen, gà hấp lá sen, cá nướng lá sen, ba ba hấp lá sen,...

Nhìn chung tác dụng của lá sen giúp ích nhiều trong đời sống lẫn y học. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng lá sen làm thuốc chữa bệnh bạn cần tham khảo thêm ý kiến của thầy thuốc để được kê toa với liều lượng phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bình luận