Vùng chợ Thiếc từ những năm 1945 đến 1954 gọi là Trường đua Phú Thọ, vì có trường đua ngựa do người Pháp thành lập. Lúc đó chợ có tên là Chợ Phó Cơ Điều, chưa được xây bằng gạch như bây giờ, chỉ là những sạp, quầy tạm rất sơ sài, bán rau củ quả, thực phẩm như những chợ khác. Từ tháng 5/1989, đổi tên thành chợ Thiếc.
Chợ Thiếc nằm trên các trục đường: Tân Phước - Phó Cơ Điều - Trần Quý, vốn là chợ truyền thống của đồng bào người Hoa với diện tích hơn 5.250m2, có 744 sạp hàng và gần 1.000 thương nhân. Đây không chỉ là nơi buôn bán và trao đổi hàng hóa mà còn là một địa điểm lưu giữ lịch sử của Chợ Lớn xưa.
Có lẽ nét nổi bất nhất của chợ Thiếc chính là chợ mua bán trang sức lớn nhất cả nước với đủ loại vàng, bạc, đá quý được gia công tinh xảo bởi những thợ kim hoàn có thâm niên và uy tín. Ở đây có những chợ kim hoàn lớn của thành phố, chuyên chế tác, gia công, sửa chữa, mua bán vàng, bạc, đá quý, đồ trang sức.

Bên cạnh mặt hàng trang sức, chợ Thiếc cũng nổi tiếng với khu ăn uống đa dạng, nhiều hàng quán. Ẩm thực của chợ không chỉ thu hút người dân trên địa bàn mà còn được biết đến rộng rãi bởi khách du lịch. Chính vì vậy nên phần lớn khu ăn uống tại chợ Thiếc được ban quản lý chợ kiểm tra và tu sửa nâng cấp thường xuyên.
Ngoài các mặt hàng thông thường, chợ Thiếc còn được biết đến với tên gọi “Chợ âm phủ” hay “Chợ cõi âm” bởi sự đa dạng về các mặt hàng vàng mã được bày bán tại chợ. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nơi đây có đủ các loại mặt hàng vàng mã từ quần áo, máy bay đến xe hơi, nhà lầu, tiền đô-la….
Chị Lê Nguyễn Anh Thơ, thương nhân tại chợ Thiếc cho biết, sau đại dịch Covid-19, doanh thu của chợ đã sụt giảm đáng kể, khiến cho chợ càng thêm đìu hiu, vắng vẻ: “Em ở chợ Thiếc cũng hơn 20 năm, đã thay đổi rất là nhiều. Trước mùa dịch thì rất là sôi động, nhất là cái thời điểm cân tết như lúc này. Nhưng bây giờ người ta bán hàng online quá nhiều cho nên chợ truyền thống hơi bị ế ẩm”.

Trải qua thời gian, chợ Thiếc có nhiều thay đổi nhưng nét đẹp của chợ xưa vẫn mãi còn như một phần của bản sắc văn hóa người Sài Gòn. Khái niệm “chợ phiên” vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người dân thành phố, trở thành gần gũi, đi vào tiềm thức, vào tâm hồn với những hình ảnh mộc mạc, thân quen.