Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bản tin tài chính 29/4: Rối với thuế chuyển nhượng bất động sản

(VOH) - Theo Tổng cục Thuế, số thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng BĐS tăng qua những năm gần đây.

Chẳng hạn, năm 2020 tăng gần 1.800 tỉ đồng, tỷ lệ tăng 12% so với năm 2019; năm 2021 tăng hơn 4.900 tỉ đồng, tỷ lệ tăng 30% so với năm 2020. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022 tăng 3.200 tỉ đồng, tỷ lệ tăng 63% so với 3 tháng đầu năm 2021. Trong giai đoạn 1.1.2021 - 15.1.2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh chống thất thu với 233.983 tổ chức, cá nhân có hồ sơ chuyển nhượng BĐS qua đó tăng thu hơn 500 tỉ đồng và chỉ tính riêng giai đoạn 3 tháng đầu năm 2022, có 60.289 hồ sơ với số thu tăng hơn 326 tỉ đồng. Người nộp thuế đã nâng cao ý thức khai tăng giá chuyển nhượng ngay từ ban đầu khi làm hợp đồng công chứng.

Cụ thể, tại Hà Nội năm 2021 tăng 550 tỉ đồng so với năm 2020, tỷ lệ tăng 24% trong khi lượng hồ sơ tăng 11,7%; tại TP.HCM năm 2021 tăng 20% với năm 2020, 3 tháng đầu năm 2022 tăng 57,11% so với cùng kỳ. Cá biệt qua đấu tranh tại một số địa phương, các tổ chức cá nhân đã kê khai giá chuyển nhượng BĐS tăng từ 2 - 5 lần so với giá kê khai ban đầu.

HD Bank hoàn thành 26% chỉ tiêu năm ở quý 1 đem lại 2.528 tỉ lợi nhuận

HDBank công bố báo cáo tài chính quý 1-2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.528 tỉ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 26% kế hoạch năm. Thu thuần từ dịch vụ tăng trưởng trên 94%, tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,17%.

Với các chương trình kinh doanh sôi nổi ngay từ quý đầu năm, HDBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 5.122 tỉ, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Trong đó thu nhập thuần từ dịch vụ tăng trên 94% với đóng góp chính từ mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng và dịch vụ thanh toán, cho thấy dư địa tăng trưởng còn nhiều. 

Quý 1 HDBank hoàn thành 26% kế hoạch năm, lợi nhuận 2.528 tỉ, nợ xấu chỉ 1,17% - Ảnh: HDB

Quý 1 HDBank hoàn thành 26% kế hoạch năm, lợi nhuận 2.528 tỉ, nợ xấu chỉ 1,17% - Ảnh: HDB

Các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 25,4% và 2,1%. An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo với chỉ số chất lượng. Nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,17%, tỉ lệ thấp trong ngành. Hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) trên 14,2%.

Masan tính khả năng đưa The Crown X sở hữu chuỗi Winmart đi niêm yết nước ngoài

Masan vừa chi 65 triệu USD mua 25% cổ phần Công ty công nghệ tài chính Trusting Socical, nhằm phát triển công nghệ bán lẻ và 'thẻ tín dụng bình dân'.  Đáng lưu ý, ông Danny Le - tổng giám đốc Tập đoàn Masan - cho biết dự kiến IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng), đưa The Crown X (nền tảng thành lập dựa trên sáp nhập Masan Consumer Holdings và WinCommerce) lên sàn chứng khoán New York, Hong Kong, Singapore hoặc Việt Nam. 

Đây là các chuỗi liên quan đến hầu hết các gia đình Việt bởi WinCommerce vận hành chuỗi cửa hàng như Winmart và Winmart+. Masan Consumer Holdings sản xuất thịt mát, nước tương Chinsu, mì gói Omachi...

Được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư khởi nghiệp hàng đầu như Sequoia Capital, Beenext, Tanglin Ventures... Trusting Social có thể chấm điểm tín dụng cho hơn 1 tỉ người, liên kết hơn 170 tổ chức tài chính khắp Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Philippines.

*Nội dung được phát sóng trong “Nhịp Sống Sài Gòn” kênh Giao Thông ĐôThị - VOH FM 95.6MHz
Tổng đài giao thông: 028.3822.1188 - Fanpage:
https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/
Bình luận