Chờ...

Bà bầu ăn mít được không? Lợi ích và tác hại

(VOH) – Mít tốt cho sức khỏe, nhưng bà bầu ăn mít được không? Cùng tìm hiểu những ảnh hưởng của quả mít đối với sức khỏe thai kỳ để biết được ăn mít khi mang thai là lợi hay hại nhé!

Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng sẽ giúp cho cả thai nhi và người mẹ khỏe mạnh. Trong thai kỳ, phụ nữ được khuyến khích ăn nhiều trái cây, vậy mẹ bầu có được ăn quả mít hay không, khi nó cũng là một loại trái cây nhiệt đới chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe?

1. Bà bầu ăn mít có tốt không?

Nhiều người cho rằng, phụ nữ mang thai không nên ăn mít vì có thể gây sảy thai. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn trái ngược, bà bầu hoàn toàn CÓ THỂ ăn mít ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, miễn là ăn có chừng mực.

“Lời đồn” bà bầu ăn mít gây sảy thai là một “lời đồn” vô căn cứ và không có cơ sở khoa học. Mít là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin, các loại khoáng chất có lợi cho hệ miễn dịch, chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa cùng nhiều lợi ích khác với thai kỳ.

ba-bau-an-mit-duoc-khong-loi-ich-va-tac-hai-voh-0
Bà bầu có thể ăn mít trong thai kỳ (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, những lợi ích này dành cho những mẹ bầu ăn mít với số lượng vừa phải bởi ăn mít nhiều, bà bầu có thể bị nóng. Bên cạnh đó, mít chứa nhiều đường, khi ăn nhiều có thể sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh về da phát triển, và tạo ra một số phản ứng phụ với những mẹ bầu có cơ địa nhạy cảm. 

Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai bị béo phì, tiểu đường, gan nhiễm mỡ hay mỡ máu cao cũng nên tránh ăn mít vì chúng có thể khiến đường trong máu tăng cao đột ngột.

2. Bà bầu ăn mít nhận được lợi ích gì?

Như đã nói, mít là thức quả chứa nhiều dưỡng chất, do đó, phụ nữ ăn mít trong một giới hạn cho phép sẽ nhận về những lợi ích sức khỏe tuyệt vời như:

2.1 Tăng cường hệ miễn dịch

Hàm lượng vitamin C trong quả mít khá cao nên bà bầu ăn mít sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại một số bệnh thường gặp khi mang thai.

2.2 Giải tỏa căng thẳng

Nhiều nghiên cứu ghi nhận, ăn mít có khả năng chống lại cảm giác căng thẳng. Điều này có nghĩa, bà bầu ăn mít có thể giải tỏa âu lo, giảm stress và giúp mẹ bầu có tinh thần thoải mái trong quá trình mang thai.

2.3 Cải thiện chức năng hệ tiêu hóa

Hàm lượng chất xơ trong mít khá cao, đây là dưỡng chất có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp ngăn ngừa các vấn đề về táo bón, bệnh trĩ, ung thư ruột kết. Hơn thế, ăn mít còn giúp ngăn ngừa chứng loét dạ dày và dạ dày nhạy cảm ở người đang mang thai.

Xem thêm: Giải pháp giúp mẹ vượt qua chứng táo bón khi mang thai nhẹ nhàng

2.4 Điều chỉnh hormone thai kỳ

Phụ nữ mang thai thường bị rối loạn các hormone trong cơ thể. Tuy nhiên, ăn mít có thể giúp cơ thể mẹ bầu tự điều chỉnh, điều hòa lại hormone, để tránh một số bệnh lý về thể chất lẫn tinh thần.

2.5 Cung cấp năng lượng

ba-bau-an-mit-duoc-khong-loi-ich-va-tac-hai-voh-1
Mít chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể mẹ bầu (Nguồn: Internet)

Mít có hàm lượng calo cao, do đó, bà bầu ăn mít có thể giúp cung cấp thêm nhiều năng lượng để mẹ bầu không rơi vào tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng.

2.6 Ổn định huyết áp

Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm cho sức khỏe mẹ bầu. Mít có hàm lượng kali khá cao, đó là lý do để mẹ bầu nên ăn mít vì nó có thể giúp mẹ kiểm soát nhịp tim và huyết áp.

2.7 Tốt cho thai nhi

Các dưỡng chất như canxi, magie, sắt, beta-carotene, kẽm và nhiều dưỡng chất khác có trong quả mít sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.

Xem thêm: Khám phá sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ qua từng tháng thai kỳ

3. Mẹ bầu ăn mít thế nào để tốt cho sức khỏe?

Ăn mít như thế nào để có thể nhận được các lợi ích sức khỏe từ trái mít là vô cùng quan trọng. Theo đó, bà bầu chỉ nên tiêu thụ khoảng 80-100gr mít/ngày là đủ. Không nên ăn quá nhiều dù đây có là thức quả yêu thích.

Khi ăn mít mẹ bầu có thể ăn kèm với các loại hoa quả, sữa chua dể bổ sung và cân bằng dinh dưỡng.

Việc chế biến mít thành nhiều dạng khác nhau như: sinh tố mít, mít sấy,... cũng là một trong những cách để mẹ bầu có thể tiêu thụ mít mà không lo bị ngán.

4. Tác dụng phụ khi bà bầu ăn mít nhiều

Nên nhớ rằng, bất kỳ loại trái cây nào cũng cần được sử dụng với lượng vừa phải để đem lại tác dụng tốt cho cơ thể. Với quả mít, nếu bà bầu ăn quá nhiều trong thai kỳ sẽ có thể phải đối mặt với những tác dụng phụ không mong muốn, đó là:

ba-bau-an-mit-duoc-khong-loi-ich-va-tac-hai-voh-2
Bà bầu chỉ nên ăn mít với giới hạn cho phép (Nguồn: Internet)
  • Gây dị ứng cơ thể.
  • Gây đầy bụng, khó tiêu.
  • Có thể làm tăng lượng đường trong máu, đặc biệt với những mẹ bầu bị chứng tiểu đường thai kỳ.
  • Gây tăng cân, béo phù
  • Có khả năng bị rối loạn đông máu.

5. Lưu ý cần nhớ khi bà bầu ăn mít

Như vậy, để đảm bảo an toàn cho cả thai kỳ, mẹ bầu muốn ăn mít cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Không ăn mít nếu đã từng bị dị ứng với mít.
  • Chỉ tiêu thụ với số lượng vừa phải.
  • Nếu mẹ đang bị chứng rối loạn đông máu, tiểu đường thai kỳ,.... thì không nên ăn mít.
  • Hãy loại bỏ hết mủ mít trước khi ăn.

Mít là loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng nhưng cần được sử dụng với lượng vừa phải. Tuân thủ một vài lưu ý kể trên, mẹ bầu sẽ có được một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn khi tiêu thụ mít.