Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải đáp: Bà bầu ăn ngô có tốt không?

(VOH) – Ngô (bắp) vốn được biết đến là một trong những nông sản phổ biến, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quý giá. Tuy nhiên, nhiều người còn khá băn khoăn không biết bà bầu ăn ngô có tốt không?

Từ lâu ngô (trái bắp) đã trở thành nguyên liệu của nhiều món ăn độc đáo, thậm chí đôi khi bạn có thể chế biến ngô rất đơn giản bằng cách luộc hoặc hấp để ăn “lót dạ”. Dù là thực phẩm dân dã và gần gũi trong ẩm thực Việt, nhưng nếu muốn thêm ngô vào thực đơn dưỡng thai, chúng ta cần tìm hiểu cũng như xem xét các tác động tới thai kì.

1. Bà bầu ăn ngô có tốt không?

Các chuyên gia sức khỏe cho rằng, bà bầu ăn ngô có tốt cho sức khỏe của cả mẹ và sự phát triển thai nhi, song cần đảm bảo liều lượng trong một mức độ cho phép để hấp thu tối ưu các loại vitamin và khoáng chất quan trọng.

giai-dap-ba-bau-an-ngo-co-tot-khong-voh-0
Bà bầu ăn ngô với lượng vừa phải rất tốt cho sức khỏe thai kì (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số lợi ích mà ngô mang lại cho các mẹ bầu:

1.1 Ngăn ngừa táo bón thai kì

Theo phân tích dinh dưỡng, hàm lượng chất xơ (đặc biệt là chất xơ không hòa tan) trong 100g ngô khá dồi dào, tương đương với hơn 40% nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Dưỡng chất này được coi như “thức ăn” dành cho lợi khuẩn đường ruột, đồng thời góp phần tạo khối phân, kích thích tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón thai kì. (1)

1.2 Tốt cho đôi mắt

Trong ngô có chứa hai nhóm chất chống oxy hóa rất cần thiết cho đôi mắt gồm lutein và zeaxanthin. Chúng sẽ trực tiếp tham gia hình thành điểm vàng ở võng mạc mắt, cải thiện tình trạng mắt mờ khi mang thai và bảo vệ đôi mắt của mẹ khỏi sự tấn công của ánh sáng xanh. (2)

Xem thêm: ‘Thổi bay’ chứng mờ mắt khi mang thai bằng những cách 'siêu' đơn giản

1.3 Điều hòa huyết áp

Lượng chất xơ từ ngô sẽ kết dính và đào thải cholesterol xấu ra ngoài bằng đường tiêu hóa, ngăn chặn hiện tượng tắc nghẽn dòng luân chuyển máu tới tim. Ngoài ra, các vitamin nhóm B (điển hình là vitamin B6) trong ngô có khả năng ức chế homocysteine, nhằm giảm tỉ lệ tăng huyết áp thai kì. (3)

1.4 Hỗ trợ phát triển não bộ thai nhi

Ngô có chứa vitamin B1 – dưỡng chất góp phần không nhỏ thúc đẩy hình thành tế bào não và chức năng nhận thức ở thai nhi. Khi bà bầu ăn ngô sẽ hấp thu vitamin B1, kích thích sản xuất acetylcholine - một chất dẫn truyền thần kinh nên giúp tăng cường khả năng ghi nhớ của bé. 

giai-dap-ba-bau-an-ngo-co-tot-khong-voh-1
Mẹ bầu hấp thu các vitamin B từ ngô sẽ giúp thúc đẩy phát triển não bộ của thai nhi (Nguồn: Internet)

1.5 Phòng chống dị tật bẩm sinh

Bên cạnh vitamin B1 hay vitamin B6, ngô còn cung cấp vitamin B9 (axit folic) – thành tố quan trọng tổng hợp DNA của thai nhi, hạn chế tối đa nguy cơ bị đứt đốt sống và các dị tật bẩm sinh. (4)

Xem thêm: 'Điểm mặt' 6 dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gặp và các nguyên nhân gây bệnh

1.6 Tăng cường sức đề kháng

Các nghiên cứu dinh dưỡng nhận thấy, cùng với lutein và zeaxanthin, ngô cũng chứa hoạt chất chống oxy hóa beta-crytoxanthin có đặc tính kháng viêm mạnh, giúp tạo “rào chắn” chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh, bảo vệ sức khỏe cả mẹ và em bé. (5)  

2. Một số món ngon từ ngô dành cho bà bầu

Mẹ hãy chọn mua những bắp ngô ngon ngọt, vỏ màu xanh tươi và có nguồn gốc rõ ràng, không bị biến đổi gen. Mẹ có thể “biến tấu” một vài món ăn hấp dẫn nhưng rất đơn giản ngay tại nhà, kể đến như:

  • Sữa ngô
  • Salad ngô cà chua bi
  • Canh xương hầm ngô
  • Súp gà ngô
  • Chè ngô

Xem thêm: ‘Bật mí’ 9 món ngon từ bắp cực dễ làm, thử rồi ai cũng thích

3. Những lưu ý cần nhớ khi bà bầu ăn ngô

Có thể nói, bổ sung ngô trong khẩu phần ăn sẽ giúp cải thiện khá nhiều vấn đề sức khỏe thường gặp ở các mẹ bầu. Thế nhưng mẹ cũng nên lưu ý thực hiện theo một số khuyến cáo an toàn sau:

3.1 Nên sử dụng ngô tươi

Để hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng mà ngô mang lại, lời khuyên là mẹ nên sử dụng trực tiếp ngô tươi khi chế biến, hạn chế dùng các chế phẩm từ ngô như ngô đóng hộp, siro ngô hay dầu ngô.

giai-dap-ba-bau-an-ngo-co-tot-khong-voh-2
Mẹ nên sử dụng ngô tươi để chế biến món ăn (Nguồn: Internet)

3.2 Không ăn quá nhiều

Ngô là thực phẩm lành mạnh song không vì thế mà mẹ bầu có thể ăn tùy ý và không kiểm soát liều lượng. Theo đó, tốt nhất chỉ ăn khoảng 1 bắp ngô trong ngày và từ 2 – 3 lần một tuần, điều này vừa giảm hiện tượng đầy bụng khó tiêu, vừa hỗ trợ kiểm soát cân nặng của mẹ ổn định trong suốt thai kì.

Xem thêm: Ăn bắp có mập không? Bạn nhất định nên biết 5 lưu ý này khi ăn bắp để cải thiện cả vóc dáng và sức khỏe

3.3 Hạn chế ăn ngô khi bị tiểu đường thai kì

Trường hợp bị tiểu đường thai kì, mẹ bầu thường được khuyến cáo hạn chế ăn ngô bởi hàm lượng tinh bột trong ngô tương đối cao, cụ thể chỉ số đường huyết thực phẩm ở mức 69.

Với nguồn chất dinh dưỡng phong phú thì ngô xứng đáng là loại thực phẩm có mặt trong chế độ ăn uống của mẹ bầu đúng không nào. Mẹ hãy ghi nhớ những lưu ý an toàn trên đây và yên tâm thưởng thức những món ăn bổ dưỡng từ ngô nhé.

Bình luận