Đối với các mẹ cho con ăn dặm kiểu Nhật thì nước dashi có lẽ là thứ bắt buộc cần phải có để giúp món ăn thêm đậm đà và bổ sung khoáng chất thiết yếu. Nấu nước dashi không hề khó và các mẹ hoàn toàn có thể tự làm nước dashi ở nhà để tập cho con con ăn dặm.
1. Nước dashi là gì?
Nước dashi là tên gọi chung của các loại nước dùng trong ẩm thực Nhật, gồm rất nhiều loại như: nước dashi làm từ rong biển kombu, nước dashi làm từ rau củ, nước dashi làm từ cá khô, xương gà, nấm hương...
Tùy từng món ăn mà người Nhật sử dụng nhiều loại nước dashi khác nhau để mang lại hương thơm đặc trưng hấp dẫn và vị ngon đậm đà cho món ăn.
Trong chế biến nước dashi cho bé ăn dặm, nhất là ở thời kỳ đầu khi chưa nên dùng muối hay các gia vị khác để nêm cho món ăn của trẻ, thì việc sử dụng nước dùng dashi là một lựa chọn rất an toàn, vừa giúp bổ sung khoáng chất, vừa đem lại sự thơm ngon hấp dẫn cho món ăn.
Tuy nhiên, cần lưu ý trong giai đoạn trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên sử dụng nước dashi quá đậm đặc để đảm bảo không gây hại cho bộ máy tiêu hóa của trẻ.
2. Cách nấu nước dashi ăn dặm cho bé
Có rất nhiều loại nước dùng dashi với những tên gọi khác nhau, bắt nguồn từ loại nguyên liệu tạo nên nước dùng. Dưới đây là cách làm 2 loại nước dùng cơ bản nhất, thường được sử dụng trong quá trình tập cho bé ăn dặm mà các mẹ có thể tham khảo và áp dụng theo:
2.1 Cách nấu dashi với rong biển kombu và cá ngừ bào khô
Nguyên liệu
- Rong biển kombu: 20g
- Cá ngừ bào khô: 40g
- Nước: 2 lít
Nước dashi rong biển kombu và cá ngừ bào khô là loại nước thường được dùng cho trẻ tập ăn dặm (Nguồn: Internet)
Cách làm
- Bước 1: Dùng khăn đã vắt cạn nước để lau qua miếng rong biển kombu. Sau đó, cho rong biển kombu vào nước ngâm khoảng 30 phút.
- Bước 2: Cho rong biển vào nồi, đổ thêm 2 lít nước, đun sôi khoảng 5 phút thì vớt rong biển ra. Lưu ý, tránh đun lâu vì sẽ làm nước dashi bị đắng.
- Bước 3: Cho cá ngừ bào khô vào nồi nước đang sôi, nấu cho đến khi cá ngừ chìm hết xuống đáy nồi thì tắt bếp. Chú ý, không đảo cá để tránh làm nước dùng bị đục, mất ngon.
- Bước 4: Chuẩn bị một rây lọc để lọc nước dashi. Khi lọc, để nước chảy xuống tự nhiên, không nên vắt vì có thể làm cho nước dùng bị đắng và bị lẫn những mảnh vụn nhỏ rong biển hoặc cá bào.
Rong biển kombu: Là một loại rong biển thường thấy trong ẩm thực Nhật. Kombu có nhiều cách ăn và cách chế biến, trong đó việc dùng rong biển kombu sấy khô để làm nước dùng dashi là một phần quan trọng và cực kỳ cơ bản của ẩm thực Nhật (bao gồm cả ăn dặm kiểu Nhật). Rong biển có chứa nhiều chất xơ, sắt và canxi nên rất tốt cho cơ thể.
Cá ngừ bào khô: Cá ngừ sau khi được gia công, nấu chín và sấy khô sẽ được bào mỏng thành dạng sợi. Sản phẩm có mùi thơm hấp dẫn, thường được sử dụng để làm nước dùng dashi, mang lại vị ngon đậm đà cho món ăn.
2.2 Cách nấu nước dashi rau củ
Dashi rau củ cũng là một loại nước dùng phổ biến thường được dùng trong chế biến các món ăn dặm cho bé. Chỉ cần là các loại rau củ không tạo vị đắng, chát thì loại nào cũng có thể làm nước dùng dashi cho bé được. Thậm chí, có thể tận dụng nước luộc rau củ (các loại rau cải ngọt, cải thảo, cà rốt, su su...) của gia đình làm nước dùng nấu món ăn cho trẻ.
Trong nước dùng có vị ngọt tự nhiên tiết ra từ rau củ nên sẽ góp phần tạo thêm sự ngon miệng và hương vị mới cho món ăn của bé.
Nước dashi rau củ tạo thêm sự ngon miệng và hương vị mới cho món ăn của bé (Nguồn: Internet)
Cách làm
Có thể sử dụng các loại rau củ như: củ cải, bắp cải, cà rốt.... Sau khi rửa sạch, thái nhỏ, bỏ tất cả vào nồi, đun chín mềm cho ra nước ngọt. Sau đó lọc riêng lấy nước là xong.
Nước dùng dashi thông thường sẽ được cho vào nấu cùng với cháo ăn dặm của các con. Đối với các bé trên 1 tuổi đã có thể ăn cơm cứng thì có thể nấu nước dùng dashi chung với rau củ hoặc thịt/ cá và cho dùng kèm với cơm.
2.3 Cách nấu nước dashi từ mía
- 1 cây mía
- 100ml nước
Cắt mía thành nhiều khúc nhỏ xong đem đi luộc đến khi ra hết nước ngọt. Sau khi đã luộc xong thì chỉ cần chắt lấy nước bỏ cặn mía là làm được nước dashi. Ngoài ra mía cũng có thể kết hợp được với các rau củ khác để nấu nước dùng dashi như: hạt xen, đậu xanh, cà rốt, su su,....
Lưu ý khi nấu nước dashi từ mía chung với các rau củ khác thì cần luộc chín mía trước lấy nước rồi mới bắt đầu cho rau củ vào vì rau củ rất dễ chín mà mía cần thời gian luộc lâu hơn.
2.4 Cách nấu nước dashi nấm hương
- 100ml nước
- 2 - 3 nấm hương
- Bước 1: Nấm hương không rửa mà dùng 1 cây cọ để quét sach lớp bụi bẩn trên nấm hương.
- Bước 2: Tiếp đó cho nấm hương và 100ml nước vào một cái hủ và ngâm qua đêm.
- Bước 3: Sau khi để qua đêm thì lấy nấm ra vắt sạch lấy nước. dùng rây lọc nước để có nước dùng dashi từ nấm. Nấm hương sau khi vắt xong có thể ăn tiếp được và không nên vứt lãng phí
2.5 Cách nấu nước dashi rau củ quả và xương
- 300g xương
- 1 củ hành tây
- 1 củ cà rốt
- Thân cần tây ( 1 bó )
- Bước 1: Rau củ gọt vỏ, rửa sạch và cắt khúc, xưởng rửa sạch đem đi trần sơ qua nước sôi.
- Bước 2: Bỏ xương vào nồi hầm đến khi sôi thì vớt cặn bọt ra. Xong bỏ cà rốt vào hầm thêm 30 phút, cuối cùng bỏ hành tây, cần tây vào đun thêm 10 phút và tắt bếp.
- Bước 3: Dùng rây lọc qua lấy nước dùng dashi cho bé.
Tất cả các loại nước dùng dashi kombu rong biển cá ngừ bào khô hay nước dùng rau củ sau khi làm xong có thể cho vào khay đá, để đông lạnh và dùng dần. Tuy nhiên, cần nhớ một điều, càng để lâu nước dashi sẽ càng bị mất vị thơm ngon. Vì thế, mẹ nên canh nấu nước dashi làm sao dùng vừa đủ trong vòng một tuần để đảm bảo hương vị chất dinh dưỡng cho món ăn của bé.