Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Thai trứng và những dấu hiệu nguy hiểm cần lưu tâm

(VOH) – Thai trứng là tình trạng thai nghén bất thường nhưng vẫn gây ra các triệu chứng chứng giống thai kỳ bình thường. Bệnh thường lành tính nhưng nếu không điều trị sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường.

1. Thai trứng là gì?

Thai trứng (chửa trứng) là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ bánh nhau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như chùm nho hoặc trứng ếch, chiếm toàn bộ diện tích tử cung, các túi này không thông với nhau mà chỉ nối với nhau bằng những sợi nhỏ, lấn át sự phát triển của bào thai.

Thai trứng được chia thành 2 loại:

  • Thai trứng bán phần: Có thai nhi hay một phần thai nhi. Phần lớn gai nhau biến thành túi nước, còn một phần gai nhau bình thường.
  • Thai trứng hoàn toàn: Không có tổ chức thai nhi. Các gai nhau phình to, mạch máu lông rau biến mất, lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh.

thai-trung-va-nhung-dau-hieu-nguy-hiem-can-luu-tam-voh

Thai trứng là tình trạng thai nghén bất thường (Nguồn: Internet)

Thai trứng cũng có thể được phân biệt dựa vào tính chất:

  • Thai trứng lành tính: Lớp hợp bào không bị phá vỡ, lớp đơn bào không ăn vào cơ tử cung.
  • Thai trứng ác tính (thai trứng xâm nhập): Lớp hợp bào mỏng đi và có từng vùng bị phá vỡ. Lớp đơn bào ở trong xâm lấn ra ngoài tràn vào niêm mạc tử cung, ăn sâu vào lớp cơ tử cung, có khi ăn thủng lớp cơ tử cung gây chảy máu trong ổ bụng.

Mặc dù, đa phần các trường hợp thai trứng là lành tính nhưng nếu không được theo dõi và điều trị đúng thì chúng có thể gây ra những hệ luỵ khó lường.

2. Triệu chứng nhận biết thai trứng

Mặc dù thai trứng không phải là một bào thai thật sự nhưng nó vẫn gây ra các triệu chứng giống như thai kỳ bình thường. Vì thế, các triệu chứng của thai trứng thường là:

2.1 Triệu chứng cơ năng

  • Có hiện tượng mất kinh
  • Nghén nghiêm trọng. Có khoảng 25 – 30% các trường hợp thai trứng có biểu hiện nôn nhiều (ăn vào lại nôn, nôn ra mật xanh, mật vàng, người gầy sút), đôi khi phù, có protein niệu.
  • Bụng to nhanh
  • Không thấy thai máy
  • Đặc biệt, thai phụ còn bị ra máu âm đạo (hay xảy ra từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 16 của thai kỳ), máu đen hoặc đỏ loãng, dai dẳng, từng ít một, có thể tự cầm trong một thời gian ngắn.

2.3 Triệu chứng thực thể

  • Toàn thân mệt mỏi, có biểu hiện thiếu máu. Có thể bị nhiễm độc thai nghén. Đôi khi có vàng da, nước tiểu vàng.
  • Tử cung mềm, kích thước tử cung lớn hơn tuổi thai (trừ trường hợp thai trứng thoái triển).
  • Không sờ được phần thai, không nghe được tim thai.
  • Nang hoàng tuyến xuất hiện trong 25 – 50% các trường hợp, thường gặp cả 2 bên.
  • Khám âm đạo có thể thấy nhân di căn âm đạo.
  • Có dấu hiệu tiền sản giật.
  • Có triệu chứng cường giáp.

3. Nguyên nhân gây ra tình trạng thai trứng

Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây ra thai trứng. Chỉ mới có thể xác định được một số yếu tố có khả năng ảnh hưởng như:

  • Sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh dẫn đến những bất thường ở bộ nhiễm sắc thể. Có khoảng 90% trường hợp thai trứng bắt nguồn từ người cha và 10% là từ người mẹ.
  • Thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi hoặc dưới 20 tuổi.
  • Phụ nữ đã sinh đẻ nhiều lần, hoặc có tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường hay đã có những bất thường ở dạ tử cung đều là những yếu tố là tăng nguy cơ gây nên thai trứng.
  • Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu các dưỡng chất như đạm, acid folic, vitamin A... cũng là một trong những yếu tố để thai trứng xuất hiện.

4. Mang thai trứng có nguy hiểm không?

Như đã nói, thai trứng đa số là lành tính, tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì tình trạng này sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sảy thai trứng gây băng huyết nặng hoặc thủng tử cung do thai trứng ăn sâu vào lớp cơ tử cung.

Khoảng 10 – 30% các ca thai trứng có thể dẫn đến những biến chứng cực kỳ nguy hiểm, thậm chí ác tính là ung thư tế bào nuôi. Ung thư tế bào nuôi thường xâm lấn sâu vào lớp cơ tử cung gây hoại tử chảy máu và di căn xa đến các cơ quan khác của cơ thể như: gan, phổi, não... gây khó khăn cho quá trình điều trị.

5. Làm sao có thể phát hiện được thai trứng?

Cách an toàn và nhanh nhất để phát hiện thai trứng là khám thai định kỳ theo khuyến cáo và khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, thai phụ nên đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và làm xét nghiệm cần thiết, giúp chẩn đoán sớm và điều trị thời.

thai-trung-va-nhung-dau-hieu-nguy-hiem-can-luu-tam-1-voh

Phát hiện thai trứng cần phải được điều trị kịp thời, tránh biến chứng (Nguồn: Internet)

Có 2 nhóm biện pháp phát hiện thai trứng, đó là: chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm

  • Chẩn đoán hình ảnh: Với kỹ thuật siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện thai trứng rất sớm và dễ dàng (thường ở thai dưới 9 tuần tuổi).
  • Thực hiện xét nghiệm: Thai phụ cũng có thể làm xét nghiệm định lượng Beta-hCG, định lượng estrogen hoặc định lượng HPL để phát hiện thai trứng.

6. Cách điều trị thai trứng

Khi thai phụ đã được xác định mang thai trứng, việc cần làm trước tiên là lấy khối trứng ra ngoài tử cung bằng cách nong nạo hay hút nạo. Sau 2 - 3 ngày cần phải nạo/hút lại lần thứ 2 và sau đó thai phụ sẽ phải dùng kháng sinh để phòng nhiễm khuẩn.

Riêng đối với phụ nữ trên 40 tuổi hoặc đã có đủ con, không muốn có thêm con nữa thì có thể áp dụng biện pháp phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung mà không cần nạo thai trứng trước. Thực hiện phẫu thuật cắt tử cung sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng thành bệnh ung thư tế bào nuôi.

Ngoài ra, phẫu thuật cắt bỏ tử cung còn được chỉ định trong trường hợp thai trứng đã xâm lấn làm thủng tử cung.

6.1 Cách theo dõi sau điều trị thai trứng

Mặc dù đã được xử lý thai trứng nhưng vẫn cần được theo dõi chặt. Hai tuần sau hút nạo, người bệnh cần đến bệnh viện để xét nghiệm định lượng beta-hCG. Xét nghiệm này cần được thực hiện 2 tuần/lần trong 3 tháng đầu. Sau đó là 6 tháng/lần cho đến hết 12 tháng. Tuyệt đối tránh mang thai trong vòng một năm sau hút nạo.

Mục đích của việc làm này là để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng của thai trứng (nếu có). Vì vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ.

6.2 Thời điểm có thể mang thai lại

Thông thường, vẫn phải chờ một năm sau khi nồng độ beta-hCG trở về mức bình thường, chị em mới có thể chuẩn bị mang thai lần nữa. Trường hợp có thai trước thời điểm này, nồng độ beta-hCG sẽ tăng lên và bác sĩ sẽ không thể biết được liệu mô bất thường có quay trở lại không.

Tuy nhiên, một điều may mắn cho người phụ nữ là thai trứng không gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau, không bị tăng nguy cơ thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, sinh non, hoặc các biến chứng khác và tỉ lệ mắc thai trứng lần nữa chỉ từ 1 - 2%. Chỉ cần nhớ, ở lần mang thai tiếp theo, chị em nên đi siêu âm trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ để đảm bảo rằng không có vấn đề gì xảy ra.