Hóa chất trong nước uống tại Mỹ có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và bàng quang

MỸ - Một nghiên cứu mới tại Thụy Điển vừa đưa ra thêm bằng chứng cho thấy, nước uống có thể không an toàn như nhiều người vẫn nghĩ.

Theo phân tích trong nghiên cứu, việc khử trùng nước bằng clo có thể tạo ra các sản phẩm phụ hóa học làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang lên 33% và ung thư đại trực tràng lên 15%.

Nguyên nhân chính được xác định là hợp chất trihalomethanes (THMs), một nhóm gồm bốn hợp chất là chloroform, bromodichloromethane, dibromochloromethane và bromoform. Các hợp chất này xuất hiện trong hầu hết hệ thống nước công cộng tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

nuoc tang ung thu (1)

Việc khử trùng nước bằng clo tạo ra các sản phẩm phụ hóa học có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang và ung thư trực tràng. - Ảnh: stock.adobe.com.

Bà Emilie Helte, tác giả chính của nghiên cứu từ Viện Karolinska, Thụy Điển, chia sẻ: “Kết quả chúng tôi thu được rất đáng lo ngại và cần thêm nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn”.

Tại Mỹ, nước uống đã được xử lý bằng clo trong hơn một thế kỷ. Việc khử trùng bằng clo bắt đầu được áp dụng từ năm 1908 tại thành phố Jersey, bang New Jersey.

Phương pháp này nhanh chóng được triển khai trên toàn quốc nhờ hiệu quả trong việc loại bỏ các bệnh lây truyền qua nước như tả và thương hàn, trở thành một biện pháp quan trọng trong lĩnh vực y tế công cộng.

Từ những năm 1970, các nhà khoa học phát hiện rằng, việc bổ sung clo vào nước không chỉ có lợi mà còn tạo ra các sản phẩm phụ có thể gây hại, bao gồm các hợp chất THMs và axit haloacetic (HAAs).

Tổ chức Công tác Môi trường (EWG), một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, từ lâu đã cảnh báo rằng, THMs và HAAs có thể làm tăng nguy cơ ung thư cũng như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Nghiên cứu mới, được công bố vào tháng 1 trên tạp chí Environmental Health Perspectives, cho thấy, nam giới có thể đối mặt với nguy cơ ung thư cao hơn nữ giới.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích tổng hợp từ 30 nghiên cứu khoa học với hơn 90.000 người tham gia.

Kết quả cho thấy, nguy cơ ung thư tăng lên ngay cả khi mức THMs chỉ ở mức 40 phần tỷ (ppb).

Theo dữ liệu của EWG, từ năm 2013-2019, nước tại thành phố New York chứa trung bình 38,1 ppb THMs. Trong khi đó, giới hạn tối đa của Mỹ đối với THMs trong nước uống là 80 ppb, cao hơn đáng kể so với mức khuyến nghị của EWG là 0,15 ppb.

Bà Helte cho rằng, đây là một vấn đề không dễ giải quyết.

Bà nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là không được sử dụng quá ít chất khử trùng. Tuy nhiên, việc lắp đặt hệ thống lọc mới để loại bỏ độc tố sẽ rất tốn kém.

Tạm thời, bà Helte khuyên người dân vẫn nên sử dụng nước máy nhưng có thể lọc nước bằng than hoạt tính dạng hạt để giảm bớt các hóa chất có hại.

Nghiên cứu của bà Helte được công bố trong bối cảnh nhiều báo cáo gần đây cảnh báo về sự hiện diện của “hóa chất vĩnh cửu” trong nguồn nước uống tại Mỹ.

Một nghiên cứu trước đó còn cho thấy, những hóa chất nhân tạo này có thể làm tăng 33% nguy cơ mắc một số loại ung thư.

Bình luận