Nhiều người cho rằng, chế độ ăn không chứa gluten gắn liền với lối sống lành mạnh và vóc dáng thon gọn.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã đưa ra những phát hiện không mấy tích cực
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Plant Foods for Human Nutrition, cho thấy, nhiều sản phẩm không chứa gluten có hàm lượng đường và calo cao, thiếu các dưỡng chất thiết yếu như chất xơ và protein, đồng thời có giá thành đắt đỏ hơn.

Các sản phẩm không chứa gluten thường có hàm lượng đường và calo cao hơn và giá đắt hơn so với các sản phẩm tương tự. - Ảnh: stock.adobe.com.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích 39 sản phẩm không chứa gluten và so sánh với các sản phẩm tương tự có chứa gluten.
Kết quả cho thấy, trung bình, thực phẩm không chứa gluten có hàm lượng protein thấp hơn đáng kể nhưng lại chứa nhiều đường và calo hơn.
Những phát hiện này thách thức quan niệm phổ biến rằng, thực phẩm không chứa gluten giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Trái lại, nghiên cứu chỉ ra rằng, việc loại bỏ gluten có thể không mang lại lợi ích về cân nặng như nhiều người vẫn nghĩ.
Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học đặt câu hỏi về lợi ích của chế độ ăn không chứa gluten đối với người không mắc bệnh celiac hoặc không bị nhạy cảm với gluten.
Trước đó, một nghiên cứu năm 2021 phát hiện, 81% số bệnh nhân theo chế độ ăn không chứa gluten đã tăng cân sau 2 năm.
Một nghiên cứu được công bố năm 2012 cho thấy, chỉ số BMI trung bình của bệnh nhân celiac tăng từ 24 lên 24,6 sau khi áp dụng chế độ ăn không chứa gluten, với sự khác biệt rõ rệt nhất ở những người tuân thủ nghiêm ngặt.
Ngoài hàm lượng calo, vấn đề còn nằm ở cách chế biến các sản phẩm không chứa gluten.
Giáo sư Sachin Rustgi, đồng tác giả nghiên cứu và chuyên gia về lai tạo phân tử tại Đại học Clemson, cho biết: “Hiện nay, nhiều thực phẩm không chứa gluten thiếu chất xơ, protein và các dưỡng chất thiết yếu. Các nhà sản xuất thường bổ sung dưỡng chất để bù đắp, nhưng quá trình chế biến có thể cản trở sự tiêu hóa protein”.
Ông Rustgi cũng chỉ ra rằng, phần lớn thực phẩm không chứa gluten đều thiếu lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và yến mạch, những nguồn giàu arabinoxylan, một loại chất xơ không hòa tan giúp cải thiện tiêu hóa, hỗ trợ nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón.
Những phát hiện này củng cố quan điểm của các chuyên gia y tế rằng, chế độ ăn không chứa gluten chỉ thực sự cần thiết đối với người mắc bệnh celiac hoặc bị nhạy cảm với gluten.
Hiện khoảng 25% người Mỹ tiêu thụ thực phẩm không chứa gluten, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 1% dân số được ước tính mắc bệnh celiac.