Tác giả nghiên cứu Jian-Bing Wang cho biết: “Chúng tôi khuyên mọi người, đặc biệt là những người sống ở khu vực thành thị, nên cân nhắc việc giảm mức độ tiếp xúc với ánh sáng đèn ban đêm để bảo vệ bản thân khỏi tác động có hại tiềm tàng”.
Ông Wang nói thêm trong tuyên bố của mình: “Dù có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch truyền thống như hút thuốc, béo phì và tiểu đường type 2, nhưng điều quan trọng là phải xem xét các yếu tố môi trường trong nỗ lực giảm gánh nặng toàn cầu về bệnh tim mạch”.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá 28.302 người trưởng thành sống ở thành phố đông dân Ninh Ba, Trung Quốc, từ năm 2015 - 2018.
Họ phát hiện ra rằng, những người tiếp xúc với ánh sáng ban đêm ở mức cao nhất có nguy cơ mắc bệnh mạch máu não cao hơn 43%, bao gồm đột quỵ do thiếu máu cục bộ (do động mạch trong não bị tắc) và đột quỵ xuất huyết (chảy máu).
Trong thời gian theo dõi 6 năm, có 1.278 người tham gia mắc bệnh mạch máu não, trong đó có 910 người bị đột quỵ.
Tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao là một yếu tố đáng chú ý khác, với những người thường xuyên hít phải khí thải từ quá trình đốt xăng, dầu, nhiên liệu diesel hoặc gỗ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh mạch máu não tăng 41%.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, các nguồn ánh sáng nhân tạo như đèn LED hoặc đèn huỳnh quang có thể làm gián đoạn và ngăn chặn việc sản xuất melatonin, một loại hormone tự nhiên giúp cơ thể ngủ. Theo thời gian, việc thiếu melatonin có thể làm gián đoạn đồng hồ sinh học 24 giờ của cơ thể.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết, những người gặp vấn đề về giấc ngủ mãn tính có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao nhất.
Ông Wang cho biết: “Chúng ta cần phát triển các chính sách và chiến lược phòng ngừa hiệu quả hơn để giảm gánh nặng bệnh tật từ các yếu tố môi trường như ánh sáng cũng như ô nhiễm không khí, đặc biệt đối với những người sống ở những khu vực ô nhiễm, đông dân nhất trên thế giới”.