Chờ...

Nhiều cá voi mắc cạn ở vịnh phía tây Nhật Bản

VOH - Ngày càng có nhiều cá voi bị mắc cạn ở một vịnh phía tây Nhật Bản. Các chuyên gia cảnh báo, các loài động vật có vú ở biển bơi vào khu vực này nhiều hơn do tình trạng nóng lên toàn cầu.

Ngày 19/2, xác của một con cá nhà táng (loại cá voi có răng lớn nhất trên thế giới) dài từ 13 - 14 mét và nặng 25 - 30 tấn đã được tìm thấy ở Vịnh Osaka. Phát hiện này diễn ra sau các báo cáo về việc nhìn thấy cá voi ngoài khơi Kobe thuộc tỉnh Hyogo một tuần trước đó - con cá voi đó mắc cạn trong vịnh kể từ cuối tháng 1.

cá VOI
Ảnh tư liệu chụp vào ngày 19/2/2024 cho thấy, con cá voi chết trôi nổi ở Vịnh Osaka, miền tây Nhật Bản - Ảnh: Kyodo

Xem thêm: Nhật Bản: Loạt cá voi sát thủ bị mắc kẹt trong băng trôi ngoài khơi Hokkaido

Vào tháng 1 năm ngoái, một con cá nhà táng đã chết sau khi bị phát hiện vùng vẫy gần cửa sông Yodo ở Osaka. Thi thể của con cá đực dài 15 mét, được mạng xã hội trìu mến gọi là Yodo-chan, sau đó đã bị nhấn chìm ngoài khơi Bán đảo Kii phía nam Vịnh Osaka.

Theo văn phòng cảng địa phương, tất cả cá voi đi lạc vào vịnh đều chết sau khi không thể bơi quay trở lại Thái Bình Dương. Dù âm thanh kim loại có thể được sử dụng để xua đuổi cá voi nhưng nguy cơ kích động cá khiến giải pháp này không lý tưởng.

Một quan chức cho biết: “Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là xem xét trước cách xử lý các xác cá chết”.

Ông Yasunobu Nabeshima, Chủ tịch câu lạc bộ cộng đồng Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Osaka cho rằng, sự gia tăng số lượng cá voi đi vào Vịnh Osaka là do hiện tượng nóng lên toàn cầu, khiến chênh lệch nhiệt độ giữa Thái Bình Dương và vịnh giảm xuống.

Sự khác biệt đã được giảm thiểu hơn nữa nhờ sự phát triển của các xoáy nước nhiệt độ thấp ở Thái Bình Dương do sự uốn khúc lớn của Dòng hải lưu Kuroshio, bắt đầu từ Philippines và chảy về phía đông bắc qua Nhật Bản, kể từ năm 2017. Ông Nabeshima cho biết, điều này cũng dẫn đến việc có nhiều cá heo và rùa biển bơi đến khu vực này.

Cấu trúc của Vịnh Osaka khiến cá voi dễ bị mắc kẹt, với bờ biển của thành phố Osaka và Sakai bao gồm nhiều lối đi phức tạp.

Trong khi cảng Kobe có cấu trúc đơn giản thì cảng Sakai-Semboku, nơi xác của con cá được tìm thấy hôm thứ Hai, lại dẫn đến ngõ cụt.

Ông Nabeshima cho biết, cá voi sử dụng sóng âm thanh để di chuyển và Vịnh Osaka trở thành “nơi mà chúng không thể trốn thoát một khi bơi vào”.

Ông nói thêm: “Chính quyền địa phương nên hợp tác với các tổ chức nghiên cứu để tiến hành khảo sát sinh thái và tìm kiếm các biện pháp hiệu quả”.