Chờ...

Rwanda chính thức tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ

RWANDA - Rwanda là quốc gia đầu tiên ở châu Phi triển khai tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người dân.

Ngày 19/9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Liên minh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết Rwanda đã cho tiêm vaccine MVA-BN phòng bệnh đậu mùa khỉ (mpox). Đã có hàng trăm người có nguy cơ cao mắc bệnh được tiêm phòng.

Hoạt động đánh dấu Rwanda là quốc gia đầu tiên triển khai chiến dịch này tại châu Phi.

ttxvn-quoc-gia-chau-phi-dau-tien-trien-khai-tiem-vaccine-phong-benh-dau-mua-khi-resize-5904
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người dân - Ảnh: THX/TTXVN

Trả lời phỏng vấn báo giới, một người phát ngôn của CDC châu Phi xác nhận đã có 300 mũi đầu tiên vaccine MVA-BN được tiêm tại khu vực biên giới của Rwanda với Cộng hòa Dân chủ Congo - quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với gần 22.000 ca mắc và hơn 700 ca tử vong từ tháng 1-8/2024.

Tổng Giám đốc CDC châu Phi Jean Kaseya nêu rõ hoạt động tiêm chủng diện rộng dự kiến được tiến hành tại Cộng hòa Dân chủ Congo trong tuần đầu tiên của tháng 10.

Một người phát ngôn của CDC châu Phi cho biết hiện mới chỉ có khoảng 50% số ca nghi mắc được xét nghiệm. Trung tâm này đặt mục tiêu nâng cao năng lực xét nghiệm lên hơn 80% trong thời gian tới.

Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt vaccine MVA-BN đủ điều kiện để tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ, mở đường cho Liên hợp quốc và các cơ quan quốc tế khác mua loại vaccine này.

Theo WHO, người từ 18 tuổi trở lên có thể tiêm 2 mũi vaccine MVA-BN, mỗi mũi cách nhau 4 tuần.

Trong bối cảnh hầu hết các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và tử vong ở Cộng hòa Dân chủ Congo là trẻ em, WHO nhấn mạnh có thể linh hoạt tiêm vaccine cho trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên, cũng như ở những người mang thai và suy giảm miễn dịch.

WHO cũng khuyến nghị tiêm 1 mũi vaccine cho khu vực bùng phát dịch bệnh nhưng nguồn cung vaccine hạn chế.

Dữ liệu hiện có cho thấy việc được tiêm 1 mũi vaccine MVA-BN trước khi tiếp xúc với mầm bệnh đạt hiệu quả phòng bệnh khoảng 76%. Trong khi đó, việc tiêm đủ 2 mũi mang lại hiệu quả khoảng 82%.