Giảm lãi suất lúc này được dự báo sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế của Sri Lanka.
Một số dự đoán cho rằng, những ngày tới có thể Ngân hàng Trung ương Sri Lanka sẽ giảm khoảng 1% lãi suất. Trong tháng 6 và 7, tổ chức này đã giảm tổng cộng 4,5% lãi suất.
Kinh tế Sri Lanka gặp khủng hoảng nghiêm trọng từ năm 2022. Nguyên nhân bởi sai lầm trong quản lý, rơi vào bẫy nợ, Covid-19 và ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Khủng hoảng khiến lạm phát tăng kỷ lục và dự trữ ngoại tệ trống rỗng. Chính phủ không thể nhập khẩu những mặt hàng cần thiết cho người dân, như xăng dầu, lương thực và thuốc men. Để phản ứng, từ năm 2022 đến tháng 3/2023, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã tăng 10,5% lãi suất, với hy vọng giảm lạm phát, và xây dựng lại kho dự trữ ngoại tệ.
Tháng 3/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra gói cứu trợ 2,9 tỷ USD cho Sri Lanka. Từ đó, nền kinh tế của hòn đảo dần đi vào ổn định.
Theo thống kê, lạm phát trong tháng 7/2023 là 6,3%, từ 12% trong tháng 6 và 69% trong tháng 9/2022.
Các nhà phân tích cho biết, lạm phát giảm đang tạo ra không gian để nới lỏng tiền tệ hơn nữa, mặc dù một số người dự đoán tình hình vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Visaahan Arumainayagam, nhà phân tích của công ty Asha Securities có trụ sở tại Colombo nói: “Mặc dù đã cắt giảm trước đó, nhưng vẫn cần cắt giảm hơn nữa, để tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh.”
Năm 2022, kinh tế Sri Lanka giảm 7,8%. Năm 2023, một số ý kiến cho rằng, kinh tế hòn đảo sẽ chỉ giảm khoảng 2%.
Một nhóm chuyên gia của IMF sẽ đến Colombo vào tháng 9 tới, để đánh giá các chương trình cải cách, cũng như việc tái cơ cấu nợ, làm tiền đề để tung ra những gói hỗ trợ tiếp theo cho quốc gia Nam Á.