Chờ...

Vì sao khối Ả Rập ngại gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Gaza sau xung đột?

VOH - Giữa tháng 6/2024, người đứng đầu quân đội Israel đã gặp các quan chức 5 nước Ả Rập tại Bahrain, nhằm phác thảo tương lai Gaza thời hậu chiến.

Ngoài Hoa Kỳ và Israel, cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo quân đội từ Bahrain, UAE, Ả Rập Xê Út, Jordan và Ai Cập. Tuy nhiên, không có kết quả khả thi nào được đưa ra.

c_gaza
Khối Ả Rập không muốn gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Gaza sau xung đột - Ảnh: CBS News

Sự hợp tác giống như vậy giữa các nước Ả Rập và Israel, thường không được người dân ủng hộ. Nhiều thăm dò cho thấy, 92% người Ả Rập nói rằng vấn đề Gaza và Palestine có liên quan đến toàn bộ thế giới Ả Rập, chứ không phải chỉ Palestine và Israel.

Hầu hết người Ả Rập cũng mô tả Hoa Kỳ thiên vị Israel, cho rằng chính sách của Washington gây tổn hại lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Các cuộc thăm dò làm nổi bật khoảng cách giữa người dân Ả Rập và chính phủ của họ về vấn đề Palestine, cũng như về vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Gaza.

Chúng cũng cho thấy, chính sách của Hoa Kỳ ở Trung Đông là chưa thực tế khi bỏ qua khoảng cách này. Sự chủ quan của Hoa Kỳ về khoảng cách này, từ lâu là một trong những lý do gây ra tâm lý chống Mỹ trong khu vực. Điều đó cũng giải thích vì sao kế hoạch quản lý Gaza sau chiến tranh của Nhà Trắng thất bại.

Hoa Kỳ có truyền thống lâu đời, là ủng hộ các chế độ độc tài ở Trung Đông, trong khi phớt lờ quyền và hy vọng của số đông người dân Ả Rập. Điều này bởi các chính trị gia Hoa Kỳ tin rằng, những lãnh đạo Ả Rập mà họ ủng hộ, có thể áp dụng chính sách đối ngoại phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chính sách này của Hoa Kỳ không bảo vệ được sự ổn định ở Trung Đông, cũng như không phục vụ lợi ích của chính họ. Nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thuyết phục một số quốc gia Ả Rập gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Gaza, tới nay đã thất bại. Lý do chỉ làm gia tăng xung đột giữa người dân Ả Rập và chính phủ của họ.

Không những vậy, các phe phái Palestine không chấp nhận bất kỳ sự hiện diện quân sự nước ngoài nào ở Gaza, nếu không có thỏa thuận.

Các nhóm vũ trang như Hamas và JIHAD cảnh báo, họ coi bất kỳ sự hiện diện quân sự nào ở Gaza, là lực lượng chiếm đóng.

Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ đã phớt lờ quyền và lợi ích của người dân Palestine. Chính sách lấy Israel làm trung tâm, đã không giúp Washington đạt được mục tiêu như tuyên bố, là chấm dứt xung đột, trao cho người Palestine quyền thành lập quốc gia riêng và bảo vệ sự an toàn của đồng minh.

Theo một số chuyên gia, nếu Hoa Kỳ thúc đẩy đồng minh Ả Rập hợp tác với Israel, mà không cân nhắc lập trường của người Palestine, điều đó chỉ làm tăng xung đột ở Gaza và toàn khu vực. Các quốc gia Ả Rập dường như hiểu rằng, gửi lực lượng đến Gaza là sai lầm chết người. Jordan, Ai Cập và UAE công khai bác bỏ ý tưởng. UAE đi xa hơn, khi chỉ trích Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vì gợi ý UAE nên giúp quản lý Gaza sau chiến tranh.

Các nước Ả Rập nhiều lần khẳng định, họ không đóng bất kỳ vai trò nào trong việc quản lý Gaza, nếu không có giải pháp chính trị toàn diện, dựa trên khái niệm 2 nhà nước. Hơn nữa, nhiều nhà phân tích đã đặt câu hỏi, liệu Chính quyền Palestine hay các quốc gia Ả Rập có thể kiểm soát Gaza, mà không cần loại bỏ Hamas hay không?

Sau hơn 8 tháng chiến tranh tàn khốc, viễn cảnh trên ngày càng khó xảy ra. Dân thường gánh chịu hậu quả nặng nề từ xung đột, trong khi Hoa Kỳ không đưa ra được giải pháp chính trị khả thi nào. Việc Israel từ chối công nhận nhà nước Palestine, bất kỳ kế hoạch nào nhằm kiểm soát Gaza thông qua lực lượng quân sự Ả Rập, được nhận xét đều sẽ thất bại.

Do đó Hoa Kỳ cần nhận ra rằng, họ không thể đạt được mục tiêu nào ở Trung Đông, trừ khi tôn trọng quan điểm của người  dân Ả Rập, và thừa nhận quyền của người dân Palestine trong việc tự quyết định tương lai chính họ.