Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bản tin bất động sản hôm nay 28/10: Đồng Nai sẽ mở thêm 8 khu công nghiệp khủng?

 (VOH) - Bản tin bất động sản ngày 28/10 có những nội dung nổi bật sau: TP.HCM duyệt điều chỉnh hệ giá đất của 6 dự án; Khánh Hòa thu hồi đất dự án ‘lấp biển’ 30 triệu USD để làm công viên…

TP.HCM duyệt điều chỉnh hệ giá đất của 6 dự án

UBND TP.HCM đã phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của 6 dự án trên địa bàn TP.

UBND TP.HCM đã phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của 6 dự án trên địa bàn TP, trong đó có 3 dự án tại huyện Cần Giờ.

Tại dự án xây dựng khu dân cư Cá Cháy, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, hệ số điều chỉnh giá đất ở từ 10,913 đến 11,095; đất nông nghiệp từ 6,202 đến 7,718 và đất tái định cư là 10,879. Đối với mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh là 3,5.

Tại dự án nâng cấp đường Đào Cử (giai đoạn 2), thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, hệ số điều chỉnh giá đất ở là 4,513 và đất nông nghiệp từ 11,447 đến 14,546. Đối với mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh là 3,5.

Tại dự án xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư An Nghĩa (đoạn từ Rạch Nhánh đến ngã ba sông Lòng Tàu), xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, hệ số điều chỉnh giá đất ở là 9,478; đất nông nghiệp từ 7,718 đến 8,280 và đất tái định cư từ 10,879 đến 12,304. Đối với mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh là 3,5.

Tại dự án mở rộng đường dự phóng Lê Thị Bạch Cát (từ đường Bình Thới đến hẻm 32 Ông Ích Khiêm), phường 14, quận 11, hệ số điều chỉnh giá đất ở từ 3,961 đến 4,641.

Tại dự án nâng cấp, mở rộng các hẻm chính theo quy hoạch giai đoạn 2015 – 2020 trên địa bàn quận 7, hệ số điều chỉnh giá đất ở từ 4,514 đến 5,712.

Tại dự án đầu tư xây dựng cầu Chuối Nước, trên đường Trung An, thuộc xã Trung An, huyện Củ Chi, hệ số điều chỉnh giá đất ở là 8,391 và đất nông nghiệp từ 8,882 đến 8,938. Đối với mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh là 2.

TP.HCM rà soát tình trạng sử dụng đất đai ở các dự án môi trường tại Quận 2

Để tránh lãng phí tài nguyên đất, UBND TP.HCM giao UBND quận 2 có hình thức xử lý những trường hợp chậm triển khai hoặc khai thác nước dưới đất nhằm hạn chế nguy cơ lún sụt và đảm bảo môi trường.

Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và vệ sinh môi trường khu vực của dự án, chống lãng phí đất đai, UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND quận 2 rà soát các dự án chậm triển khai trên địa bàn quận để kiến nghị cấp thẩm quyền biện pháp xử lý.

UBND TP cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND quận 2, Sở Tài chính rà soát nội dung quy định về sử dụng kinh phí chi cho các hoạt động thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TƯ ngày 10/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” cũng như kinh phí triển khai công tác vệ sinh môi trường của quận, huyện; phối hợp với Công an TP hướng dẫn quận, huyện xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường lồng ghép với công tác quản lý môi trường.

Sở Giao thông vận tải sẽ rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh trên một tuyến đường chính của TP; đề xuất bổ sung việc phân cấp cho UBND quận-huyện quản lý, thực hiện công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh một số tuyến đường.

Ngoài ra, UBND quận 2 cũng cần có hình thức xử lý những trường hợp khai thác nước dưới đất trên địa bàn nhằm hạn chế nguy cơ lún sụt mặt đất và đảm bảo môi trường.

Khánh Hòa thu hồi đất dự án ‘lấp biển’ 30 triệu USD để làm công viên

Lãnh đạo Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa phát đi thông báo chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ngành phải kiểm tra, báo cáo nhanh tiến độ thu hồi đất của dự án “lấp biển” Nha Trang Sao.

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, UBND tỉnh phải có phương án giải quyết dứt điểm đối với các dự án sai phạm đã bị thu hồi dự án theo quy định của pháp luật. Trong đó, tiêu biểu là dự án Nha Trang Sao của công ty Cổ phần Nha Trang Sao.

Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: “Khánh Hòa phải rà soát tiến độ thực hiện thu hồi dự án Nha Trang Sao. Phần đất của dự án thu hồi sẽ được xây dựng công viên, phục vụ cho mục đích công cộng, cộng đồng”.

Cụ thể, dù dự án Nha Trang Sao đã bị UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi từ tháng 1/2019 nhưng sau gần 1 năm, quá trình thu hồi đất dự án vẫn chưa thể thực thi.

Hà Nội duyệt đầu tư công 20 dự án giai đoạn 2016 - 2020

HĐND TP. Hà Nội khóa XV vừa thông qua việc điều chỉnh, bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố năm 2019 đồng thời, duyệt chủ trương đầu tư 20 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 4.704 tỷ đồng.

Báo cáo tại kỳ họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, HĐND thành phố đã phê duyệt 2 đợt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố năm 2019. Sau khi điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn, tổng vốn đầu tư năm 2019 sẽ tăng từ 31.490 tỷ đồng lên thành 31.514 tỷ đồng, tăng thêm 24 tỷ đồng; số dự án được bố trí vốn tăng từ 546 dự án lên thành 558 dự án, tăng thêm 12 dự án.

Cũng tại kỳ họp, HĐND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 trong đó, phê duyệt chủ trương đầu tư 20 dự án (bao gồm 16 dự án nhóm B và 4 dự án trọng điểm nhóm C), tổng mức đầu tư dự kiến 4.704 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án nhóm B sử dụng vốn đầu tư công của thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến 1.676 tỷ đồng.

Quảng Ninh duyệt nhiệm vụ quy hoạch khu du lịch cao cấp Trà Cổ - Bình Ngọc

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trà Cổ - Bình Ngọc (giai đoạn 1) tại phường Trà Cổ và phường Bình Ngọc, TP. Móng Cái.

Theo đó, diện tích dự kiến nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 182,31 ha; phía Bắc giáp khu dân cư và rừng phòng hộ phường Bình Ngọc; phía Nam, phía Tây giáp sông và vịnh Bắc Bộ; phía Đông giáp khu dân cư phường Bình Ngọc.

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trà Cổ - Bình Ngọc được đầu tư với mục tiêu phát triển du lịch gắn liền với bảo đảm an ninh quốc gia; hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, nghỉ ngơi theo nhiều cấp độ.

Dự án bao gồm các hạng mục về du lịch, dịch vụ, khu thương mại, trung tâm triển lãm, tổ chức hội nghị quốc tế, khách sạn, khách sạn ven biển, resort; khu thương mại, dịch vụ, sân golf…

Đáng chú ý, đây cũng là một trong 4 dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương cho phép Tập đoàn FLC nghiên cứu hồi tháng 6/2019 vừa qua.

Theo TTXVN, các dự án đó là dự án xây dựng khu đô thị mới Ninh Dương ở phường Ninh Dương, Hải Hải với qui mô lên tới 486 ha; dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp FLC Trà Cổ 1 tại phường Trà Cổ và Bình Ngọc.

Ngoài ra còn có dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trà Cổ 2 ở xã Vĩnh Trung và Vĩnh Thực với diện tích khoảng 1.497 ha; dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái FAM ở xã Hải Đông, Hải Tiến và phường Hải Yên với tổng diện tích khoảng 537,6 ha.

Theo giới thiệu của UBND TP. Móng Cái, khu du lịch Trà Cổ - Bình Ngọc nằm ở khu vực Đông Bắc của tỉnh với nhiều điểm tham quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng như bãi biển Trà Cổ dài 17 km từ mũi Gót (phía Bắc) đến mũi Ngọc (phía Nam).

Hậu Giang kêu gọi đầu tư vào dự án khu đô thị 2.700 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang vừa công bố danh mục Dự án Khu đô thị mới Vị Thanh, Phường 5, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với tổng chi phí thực hiện (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) là 2.700 tỷ đồng.

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích là 39,4 ha; thời gian thực hiện dự án là 48 tháng. Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi đất và nhà đầu tư trúng thầu sẽ ứng tiền giải phóng mặt bằng. Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang được giao làm bên mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, mục tiêu của dự án là xây dựng khu đô thị mới với chức năng nhà ở dân cư, kết hợp với chức năng thương mại - dịch vụ có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho TP. Vị Thanh nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung.

Đồng Nai sẽ mở thêm 8 khu công nghiệp khủng?

Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết hiện có sáu địa phương trong tỉnh đề xuất bổ sung quy hoạch thêm tám khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 5.000 ha.

Theo đề xuất của các địa phương, tỉnh Đồng Nai sẽ điều chỉnh mở rộng ba KCN là Dầu Giây (huyện Thống Nhất) thêm 75 ha, KCN Long Khánh (TP Long Khánh) tăng thêm 500 ha và KCN Tân Phú (huyện Tân Phú) tăng 170 ha. Đồng thời bổ sung thêm các KCN với diện tích trên 4,3 ngàn ha.

Theo đó, huyện Long Thành là địa phương đề xuất bổ sung thêm nhiều KCN nhất với bốn KCN có tổng diện tích gần 2,5 ngàn ha. Trong đó, xã Phước Bình sẽ có thêm hai KCN, một khu rộng gần 900 ha và một khu khoảng 500 ha. Hai xã Tân Hiệp, Bình An, mỗi xã sẽ có thêm một KCN. Các KCN trên đều có doanh nghiệp đề xuất sẽ làm chủ đầu tư để đầu tư hạ tầng.

UBND huyện Thống Nhất cũng đề xuất thêm KCN ở xã Xuân Thiện với diện tích khoảng 200 ha. Khu này giáp với KCN Suối Tre của TP Long Khánh.

Bên cạnh đó, huyện Cẩm Mỹ đưa vào quy hoạch KCN ở xã Xuân Quế, huyện Nhơn Trạch, thêm một KCN tại xã Phước An và TP Long Khánh sẽ có thêm một KCN ở xã Hàng Gòn.

Như vậy, trong giai đoạn tới, các địa phương tại tỉnh Đồng Nai đề xuất bổ sung thêm hơn 5.000 ha đất phát triển công nghiệp. Các sở, ngành cơ bản đồng ý với việc điều chỉnh mở rộng KCN và bổ sung thêm các KCN mới cho giai đoạn tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh lưu ý muốn nâng cao đời sống người dân ở các địa phương thì phải phát triển công nghiệp. Đặc biệt, các huyện vùng xa như Tân Phú, Cẩm Mỹ; đồng thời muốn phát triển kinh tế - xã hội phải mở rộng đầu tư mới các KCN nhưng phải tính đến kết nối hạ tầng giao thông, thoát nước, lao động tại chỗ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng chỉ đạo Sở KH&ĐT làm đầu mối tổng hợp, hoàn thiện đề án mở rộng, bổ sung KCN. Trong đó, cần tính toán kỹ đường giao thông kết nối, hệ thống thoát nước, môi trường. Riêng huyện Thống Nhất xem xét lại KCN Gia Kiệm, nếu đầu tư không hiệu quả cần hủy bỏ để đầu tư KCN khác.

Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội tăng gần 1.000 tỷ đồng

Theo phê duyệt của Sở Tài chính TP. HCM để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên và mở rộng Xa lộ Hà Nội với tổng mức đầu tư 1.825 tỷ đồng. Dự án bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2009.

Do quá trình thực hiện dự án bồi thường kéo dài nên chi phí bồi thường, hỗ trợ giai đoạn 2 đã tăng từ 1.410 tỷ đồng thành 2.324 tỷ đồng theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường của UBND thị xã Dĩ An (đơn giá bồi thường tháng 1/2017).

Cao tốc 10.600 tỷ nối TP. HCM với Tây Ninh sẽ hoàn thành vào năm 2025

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, việc chuẩn bị cho dự án đang được tiến hành rất nhanh. Dự kiến cuối năm nay cơ quan chức năng sẽ tham mưu cho lãnh đạo hai địa phương. Đến tháng 9/2020 sẽ lập thẩm định, phê duyệt dự án. Tháng 3/2021 sẽ tổ chức thi công và phấn đấu hoàn thành đúng dịp 30/4/2025.

Dự án cao tốc TP. HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) dài khoảng 53,5 km bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (TP. HCM) kết nối vào QL22 tại Km 53+850 (trước Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh). Quy mô 6-8 làn xe, lộ giới quy hoạch 140m, trong đó, giai đoạn 1 đoạn từ TP.HCM đến Trảng Bàng xây dựng 4 làn xe tiêu chuẩn; đoạn còn lại từ Trảng Bàng đến Mộc Bài xây dựng quy mô 4 làn xe hạn chế.

Giai đoạn hoàn chỉnh: đoạn từ TP. HCM đến Trảng Bàng xây dựng quy mô 8 làn xe; đoạn còn lại từ Trảng Bàng đến Mộc Bài xây dựng quy mô 6 làn xe.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.688 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 5.745 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án và chi phí khác 862 tỷ đồng…

Bản tin bất động sản hôm nay 25/10: Yêu cầu báo cáo Thủ tướng việc chuyển nhượng đất ở Mạc Đĩnh Chi- Bản tin bất động sản ngày 25/10 có những nội dung: Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Triển vọng bất động sản Hà Nội và TP. HCM cuối năm…
Những yếu tố cần cân nhắc trước khi rót tiền vào second home - Vị trí, mức giá, pháp lý và uy tín chủ đầu tư quyết định tính an toàn và khả năng sinh lợi khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng.
Bình luận