Silent Treatment là gì mà được ví là nỗi "ám ảnh" trong các mối quan hệ?

VOH - Silent Treatment thường được nhắc đến như một tác nhân độc hại có thể phá hủy các mối quan hệ. Vậy Silent Treatment là gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

Chúng ta thường nghe thấy khái niệm Silent Treatment như là một "thủ thuật" dùng để thao túng tâm lý đối phương. Vậy Silent Treatment là gì? Biểu hiện thế nào? Cùng VOH tìm hiểu trong bài viết sau.

Silent Treatment là gì?

Silent Treatment là một "chiêu" tâm lý từ chối sự tồn tại của ai đó bằng cách im lặng, tránh né giao tiếp, ngưng phản hồi mọi thứ từ họ. Không nhắn tin, không nói chuyện, không giải quyết vấn đề chính là các biểu hiện thường gặp.

Silent Treatment có thể là cách mà một người dùng để bảo vệ cảm xúc của bản thân nhưng đồng thời cũng có thể là cách để thao túng tâm lý, làm hại đến cảm xúc, lòng tự tôn của người khác.

Dấu hiện của Silent Treatment

Con người luôn có nhu cầu giao tiếp và kết nối với nhau nhưng Silent Treatment lại đang đi ngược lại với điều đó. Sự "im lặng độc hại" này có thể làm tổn thương tâm lý của người khác bằng nhiều hình thức khác nhau như:

  • Cố tình phớt lờ, không trả lời bất kỳ một tin nhắn nào.
  • Đột ngột không liên lạc trong nhiều giờ, nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
  • Từ chối gặp mặt trực tiếp.
  • Rời đi mà không nói rằng đi đâu hoặc khi nào sẽ trở lại.
  • Chỉ im lặng với một người duy nhất những người khác vẫn trò chuyện bình thường.
silent-treatment-la-gi-voh-1
Silent Treatment có thể tạo nên vết thương trong tâm lý đối phương - Ảnh: Canva

Silent Treatment có thể xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều mối quan hệ, cụ thể như: 

  • Trong gia đình: Cha mẹ phớt lờ, im lặng không trả lời khi con cái tâm sự hoặc làm sai.
  • Trong công việc: Đồng nghiệp ngó lơ, không lắng nghe, thậm chí cô lập.
  • Trong tình yêu: Đối phương phớt lờ nỗ lực giải quyết mâu thuẫn, cố ý không hiểu những gì bạn nói.

Một cách khác để biết bạn đang bị Silent Treatment không bằng cách tự phản ánh cảm xúc của bạn khi đối phương im lặng:

  • Bạn có cảm thấy lo lắng, tội lỗi, xấu hổ, bối rối, tức giận, buồn bã không?
  • Bạn có cảm thấy mình đang bị trừng phạt hoặc bị bắt nạt không?
  • Bạn đã từng nghĩ đến việc "nhượng bộ" hoặc xin lỗi chỉ để kết thúc sự im lặng chưa?
  • Bạn có sợ mình sẽ làm hoặc nói điều gì đó sai không?
  • Sự tự tin hoặc lòng tự trọng của bạn có bị ảnh hưởng bởi hành vi của họ không?

Hậu quả của Silent Treatment

Hành vi im lặng này có thể gây ra nhiều hậu quả như sau:

Tổn thương tinh thần

Sự im lặng có thể khiến nạn nhân cảm thấy bị cô lập, lo lắng, hoang mang, bối rối, thậm chí là trầm cảm. Nạn nhân sẽ có những cảm xúc tiêu cực như cảm thấy tức giận, hối hận về hành động của mình, thậm chí có thể cảm thấy bản thân không xứng đáng được quan tâm, yêu thương, dẫn đến tự ti và đánh giá thấp bản thân.

Tổn thương lòng tự trọng

Các nhà tâm lý học gọi Silent Treatment cũng giống như hành vi "cố ý gây đau đớn". Việc đột ngột bị im lặng, cắt đứt mọi nỗ lực gắn kết sẽ khiến một người cảm thấy hoài nghi về sự tồn tại của chính mình, khiến nạn nhân rơi vào hố đen ức chế.

silent-treatment-la-gi-voh-5
Silent Treatment có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng - Ảnh: Canva

Thao túng tâm lý

Người bị im lặng sẽ rơi vào trạng thái ghét bỏ bản thân, nghĩ rằng mình làm sai. Từ đó họ có thể xuống nước năn nỉ để cầu mong thay đổi tình hình. Nếu hành vi này lặp đi lặp lại, họ có thể dần đánh mất bản thân vì đối phương.

Gây ra các vấn đề sức khỏe

Người bị im lặng có thể căng thẳng, lo âu, dẫn đến các vấn đề sức khỏe như mất ngủ, đau đầu, đau dạ dày,...

Tại sao con người lại chọn im lặng?

Im lặng có thể được xem là một hành vi "gây hấn thụ động" trong một số trường hợp, nhưng có rất nhiều lý do đằng sau sự im lặng của một người.

Thể hiện sự tức giận, thất vọng

Khi cảm thấy bị tổn thương hoặc không hài lòng với ai đó, người ta có thể im lặng để tăng áp lực lên đối phương.

Im lặng để bảo vệ mình

Sự im lặng trong lúc tranh cãi gay gắt không phải lúc nào cũng xuất phát từ ác ý hay mong muốn tấn công người khác. Đôi khi, đó là cách mà một người sử dụng để tự bảo vệ bản thân khỏi tổn thương.

Theo Tiến sĩ Tâm lý Kristin Davin, im lặng có thể là phản ứng tự nhiên của một người khi họ cảm thấy bị choáng ngợp, bối rối hoặc lo lắng. Trong những tình huống này, họ có thể cảm thấy không đủ khả năng để xử lý cảm xúc của bản thân một cách hiệu quả và sợ hãi rằng việc lên tiếng sẽ chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn.

Lựa chọn im lặng trong lúc này có thể được xem như một hành động tự vệ, giúp họ tạm thời rút lui khỏi "trận chiến" mà họ dự đoán sẽ đầy mệt mỏi. Việc im lặng giúp họ bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương tiềm ẩn, đồng thời có thêm thời gian để sắp xếp suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.

Im lặng vì không giỏi giao tiếp

Đôi khi, sự im lặng là cách mà một số người sử dụng để đối phó với những khó khăn trong giao tiếp.

Có nhiều lý do dẫn đến việc này như:

  • Khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc: Một số người cảm thấy quá tải khi đối mặt với những cảm xúc mạnh mẽ như tức giận, buồn bã hoặc lo lắng. Họ có thể chọn im lặng để tránh bộc lộ cảm xúc một cách tiêu cực hoặc để có thời gian sắp xếp suy nghĩ.
  • Khó khăn trong việc "đọc vị" cảm xúc người khác: Những người gặp khó khăn trong việc hiểu cảm xúc người khác có thể chọn im lặng để tránh hiểu lầm hoặc nói ra những điều không phù hợp.
  • Cơ chế đối phó với căng thẳng: Khi não bộ cảm thấy quá tải, một số người có thể sử dụng sự im lặng như một cách để tự bảo vệ bản thân khỏi căng thẳng và lo âu. Im lặng giúp họ tạm thời rút lui khỏi tình huống và lấy lại bình tĩnh.

Im lặng để cố tình “trả đũa”

Sự im lặng có thể được sử dụng như một công cụ thao túng và kiểm soát tâm lý người khác. Hành vi này chính là Silent Treatment hay sự im lặng độc hại.

Lúc này, việc "bơ" ai đó có thể khiến họ bối rối, lo lắng và buộc họ phải tìm cách để kết nối lại, từ đó thỏa mãn nhu cầu được quan tâm của người "bơ".

silent-treatment-la-gi-voh-3
Im lặng chưa bao giờ là cách giải quyết vấn đề hiệu quả - Ảnh: Canva

Cách đối phó với Silent Treatment

Dưới đây là một số cách để đối phó với "Silent Treatment" hiệu quả.

Giữ bình tĩnh

Bạn nên giữ bình tĩnh và không để hành vi của họ thao túng bạn. Việc tức giận hoặc phản ứng tiêu cực chỉ khiến cho tình hình thêm tồi tệ hơn.

Tìm hiểu nguyên nhân

Hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân đằng sau hành vi im lặng của họ. Có thể họ đang cảm thấy tức giận, buồn bã hoặc thất vọng về điều gì đó mà bạn đã làm. Việc hiểu được nguyên nhân sẽ giúp bạn có cách giải quyết phù hợp hơn.

Giao tiếp cởi mở

Khi họ đã sẵn sàng nói chuyện, hãy cố gắng nói chuyện cởi mở và trung thực với họ về cảm xúc của bạn. Hãy cho họ biết rằng bạn cảm thấy tổn thương và bối rối bởi hành vi im lặng này.

Đặt ra ranh giới lành mạnh

Hãy cho họ biết rằng bạn không chấp nhận hành vi "Silent Treatment". Bạn có thể nói như: "Mình không thích cách bạn im lặng với mình. Mình muốn chúng ta có thể nói chuyện cởi mở và giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh."

Suy nghĩ về mối quan hệ

Nếu "Silent Treatment" xảy ra thường xuyên, hãy dành thời gian để suy nghĩ về mối quan hệ của bạn. Bạn xứng đáng được đối xử tốt hơn và có thể cân nhắc về việc tiếp tục mối quan hệ này hay không.

silent-treatment-la-gi-voh-4
Một mối quan hệ sẽ không thể nào bền vững nếu liên tục im lặng, không thể giao tiếp với nhau - Ảnh: Canva

Silent Treatment là một hành vi độc hại và không bao giờ là cách giải quyết phù hợp cho bất kỳ vấn đề nào. Hãy tôn trọng bản thân và đặt ra ranh giới rõ ràng trong các mối quan hệ của bạn. Nếu cảm thấy đang bị Silent Treatment, bạn nên cân nhắc lại mối quan hệ đó nhằm bảo vệ chính mình.

Trên đây là những lý giải về Silent Treatment là gì và cách đối phó. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích về một "thủ thuật tâm lý" mà ai cũng có thể dễ dàng gặp phải trong cuộc sống. Đừng quên theo dõi chuyên mục Sống đẹp của voh.com.vn để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.