Cuối năm 2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa tại địa chỉ mới trên Đại lộ Thăng Long, Hà Nội, miễn phí tham quan đến hết tháng 12/2024.
Với hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia, bảo tàng đã áp dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày và trải nghiệm, tăng cường tương tác cho khách tham quan.

Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng 35.000 hiện vật và tiếp cận những câu chuyện nghề nghiệp của các thế hệ nhà báo lão thành thông qua phương pháp trưng bày số hóa. Chỉ cần chạm tay, du khách có thể tương tác trực tiếp với âm thanh, hình ảnh, thước phim và chân dung các nhà báo, khiến hiện vật trở nên sống động và hấp dẫn.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã ứng dụng công nghệ 3D, cho phép khách tham quan trải nghiệm trưng bày tương tác ảo. Từ năm 2013, bảo tàng đã giới thiệu các trưng bày chuyên đề như "Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam" và "Đèn cổ Việt Nam" dưới dạng 3D, giúp công chúng tiếp cận hiện vật một cách chi tiết và sinh động hơn.
Năm 2022, Bảo tàng Lịch sử TPHCM thử nghiệm mô hình Robot Batalis để thuyết minh và hướng dẫn khách tham quan. Robot này có khả năng trình chiếu hình ảnh, video giới thiệu về bảo tàng, hiện vật và các phòng trưng bày, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao tại các bảo tàng Việt Nam vẫn đối mặt với thách thức về nguồn nhân lực và kinh phí. Hiện nay, nhiều bảo tàng chủ yếu sử dụng các công nghệ đơn giản như mã QR để cung cấp thông tin về hiện vật và công nghệ thực tế ảo VR 360 để tạo không gian đa chiều, nhằm tăng cường trải nghiệm cho khách tham quan.
Ngoài việc áp dụng công nghệ để kể lại những câu chuyện của các hiện vật, các bảo tàng ở Việt Nam cần sử dụng thành tựu khoa học để bảo quản và lưu trữ hiện vật.
Do ảnh hưởng của thời gian và khí hậu nhiệt đới, một số hiện vật đang bị biến dạng, hỏng hóc, thậm chí không thể phục hồi. Việc bảo quản và phục chế các hiện vật như quần áo, đồ trang sức, chiếu, biểu, cáo,... đòi hỏi sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng của đội ngũ nhà khoa học.