Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cây ổi tốt cho sức khỏe như thế nào?

(VOH) – Cây ổi là loại cây trồng lấy trái quen thuộc, phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết rằng các bộ phận khác của cây ổi như lá ổi, rễ ổi... đều có công dụng chữa bệnh hiệu quả.

Trước đây, ổi là loại cây trồng mọc hoang tại rừng núi, ngày nay ổi được trồng trong vườn, quanh nhà để lấy quả ăn. Hơn thế, các bộ phận của cây ổi như lá ổi, búp non, vỏ và rễ ổi cũng được dùng làm thuốc.

1. Tìm hiểu về cây ổi

Ổi hay còn được gọi là Phan thạch lựu, Mác ổi, Mù úy piêu, là ủi.... là một loại cây có tên khoa học là Psidium guajava L., thuộc họ Sim Myrtaceae, với khoảng 3000 loài phân bố trong 130 – 150 chi.

1.1 Đặc điểm

Ổi thuộc nhóm cây trồng lấy quả là chủ yếu. Ổi là loại cây cỡ nhỏ, có chiều cao trung bình từ 3 – 5m. Lá ổi có hình bầu dục, mọc đối xứng nhau, có cuống ngắn, phần trên mặt lá hơi có lông, mặt dưới có lông mịn. Bên trong phiến lá có chứa các “túi” tinh dầu. Hoa ổi thường mọc ở các kẽ lá, hoa ổi màu trắng, mọc thành chùm.

Quả ổi hình tròn, bầu dục... với nhiều kích thước khác nhau. Quả ổi còn xanh sẽ có màu xanh lục đậm, khi chín vẫn là màu xanh nhưng nhạt hơn. Bên trong quả ổi có nhiều hạt, màu hơi hung vàng, nằm trong thịt ruột quả, hơi mềm, ăn được.

1.2 Phân bố

Cây ổi có nguồn gốc ở Trung và Nam Mỹ, bởi đây là loại cây “ưa” những vùng có khí hậu nóng ấm. Về sau, ổi được trồng hầu như trên khắp thế giới và được trồng nhiều ở các nước thuộc Châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á, vùng Caribbean, cận nhiệt đới của Bắc Mỹ và Úc.

cay-oi-tot-cho-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-0
Ngày nay ổi là loại cây trồng phân bố khắp mọi nơi trên thế giới (nguồn: Internet)

Tại Việt Nam, ổi được du nhập và trồng vào thời gian nào không rõ. Tuy nhiên, hiện nay loại cây này đang được trồng khắp cả nước, từ đồng bằng ven biển cho đến vùng núi có độ cao từ 1500m trở xuống.

Tuy vậy, phần lớn giống ổi trồng tại Việt Nam là giống ổi ta (Psidium guajava), các giống ổi mới như ổi Xá Lị hay ổi không hạt được phổ biến gần đây đều là nhờ vào công nghệ chọn giống hiện đại.

1.3 Một số giống cây ổi phổ biến

Các loại ổi trâu, ổi xá li, ổi bo: quả tuy to nhưng kém thơm ngọt còn ổi đào, ổi mỡ, ổi găng: tùy quả nhỏ nhưng rất thơm và ngọt. Một số giống ổi phổ biến hiện nay bao gồm các loại như:

  • Giống cây ổi thuộc họ sim: đây là ổi được trồng phổ biến ở vùng ôn đới và nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
  • Giống cây ổi thường: đây được xem là ổi ngon nhất hiện nay, thường được trồng ở Nam Mỹ, Trung Mỹ và 1 số vùng lân cận khác.
  • Giống cây ổi thuộc họ Psidium: loại này cũng được trồng ở Nam Mỹ và Trung Mỹ, được xem là cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế lớn.

1.4 Bộ phận dùng thuốc

Với cây ổi, hầu như tất cả các bộ phận lá ổi, búp ổi, vỏ thân và quả ổi đều có thể được dùng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, bộ phận được sử dụng nhiều nhất vẫn là lá ổi và quả ổi.

Thông thường, tùy vào từng bệnh lý người thầy thuốc sẽ lựa chọn bộ phận cho phù hợp.

1.5 Sơ chế

Các bộ phận búp, lá, vỏ, thân ổi đều có thể thu hái quanh năm, quả được thu hái khi chín. Tuy nhiên, vào mùa xuân và hè, phần búp và lá ổi sẽ cho chất lượng tốt nhất.

Sau khi thu hái, tùy vào từng bộ phận sẽ có cách sơ chế khác nhau để có thể giữ được dược tính tốt nhất. Phương pháp thường được sử dụng là dùng trực tiếp, phơi khô hoặc sao sấy...

1.6 Thành phần dược lý

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, trong các bộ phận của cây ổi có chứa nhiều thành phần hóa học tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn như:

  • Quả ổi: Chứa nhiều beta-sitosterol, quercetin, leucocyanidin... Trong trái ổi chín có nhiều vitamin C, polysaccharide,...
  • Lá ổi: Ngoài chứa các thành phần như beta-sitosterol, quercetin, leucocyanidin, trong lá ổi còn chứa một số dược chất như volatile oil, eugenol...
  • Rễ ổi: Có chứa một lượng lớn Arjunolic, Tanin và organic acid...

2. Cây ổi chữa được bệnh gì?

Theo dược học cổ truyền, khi nghiên cứu về các bộ phận dùng làm thuốc của cây ổi cho thấy:

  • Quả ổi xanh: Có vị chát và có thể táo bón. Được sử dụng nhiều trong điều trị tình trạng tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
  • Quả ổi chín: Có tác dụng nhuận trường, tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, không nên ăn ổi quá nhiều vì sẽ gây đầy bụng, chán ăn.
  • Lá non và búp ổi: Thường được sử dụng trong chữa đau bụng đi ngoài.
  • Vỏ rễ và vỏ thân ổi: Được dùng để điều trị tình trạng đi ngoài nhiều, rửa vết thương, vết loét.

Trong các nghiên cứu y học hiện đại ngày nay, các nhà khoa học chỉ tập trung nghiên cứu 2 bộ phận của cây ổi, đó là: lá ổi và trái ổi. Các nghiên cứu được thực hiện trên người, trong phòng thí nghiệm hay trên động vật đều ghi nhận được rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

2.1 Tác dụng của trái ổi

cay-oi-tot-cho-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-1
Trái ổi là được biết là loại quả giàu dưỡng chất tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Trong quả ổi chứa khá nhiều các dưỡng chất quý giá như vitamin C, chất xơ, chất chống oxy hóa và hàm lượng calo thấp. Chính vì thế, ổi mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như:

  • Giúp tăng cường hệ miễn dịch
  • Hỗ trợ quá trình giảm cân
  • Giúp giảm lượng đường trong máu
  • Cải thiện thị lực
  • Tốt cho sức khỏe tim mạch
  • Giảm nguy cơ đối mặt với bệnh ung thư

Hơn thế, có nhiều nghiên cứu ghi nhận bà bầu ăn ổi cũng mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe thai kỳ. Những chất dinh dưỡng trong quả ổi sẽ giúp thúc đẩy thai kỳ phát triển khỏe mạnh. Đồng thời cũng giúp mẹ bầu ngăn ngừa một số vấn đề như:

  • Giảm bị chứng trào ngược dạ dày, tiêu chảy và táo bón
  • Giúp mẹ bầu ổn định huyết áp
  • Kiểm soát được lượng cholesterol trong máu
  • Giữ mức đường huyết ổn định, nhằm ngăn ngừa chứng tiểu đường thai kỳ
  • Giúp thư giãn cơ và thần kinh
  • Ngăn chặn tình trạng tổn thương các gốc tự do, từ đó chống lại tình trạng nhiễm trùng cho mẹ bầu.
  • Giảm nguy cơ bị thiếu máu thai kỳ.

Đặc biệt, bà bầu ăn ổi trong giai đoạn thai kỳ còn giúp bổ sung cho cơ thể các dưỡng chất cần thiết như vitamin C, A, B12 và vitamin E... cùng các khoáng chất có lợi như sắt, canxi, axit folic, protein, folate....

2.2 Tác dụng của lá ổi

Cùng với quả ổi, lá ổi cũng là một những bộ phận của cây ổi được giới nghiên cứu đánh giá cao về mặt y học.

Các nhà khoa học khi nghiên cứu về lá ổi đã phát hiện trong lá ổi chứa rất nhiều các chất chống oxy hóa có khả năng chống viêm, kháng khuẩn vô cùng hiệu quả.

cay-oi-tot-cho-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-2
Lá ổi được đánh giá cao về mặt y học (Nguồn: Internet)

Không những thế, các nghiên cứu còn tìm thấy một số hợp chất có lợi trong lá ổi như flavonoid, tanin, carotenoid, polyphenol, vitamin C, B2...nhờ đó, sử dụng lá ổi hay các chiết xuất từ lá ổi sẽ giúp cơ thể bạn nhận được các lợi ích sức khỏe như: giảm tiêu chảy, giảm cân, ngừa tiểu đường, tốt cho tim mạch,...

Xem thêm: 10 tác dụng của lá ổi - không chỉ chữa bệnh mà còn dưỡng da, chăm sóc tóc

3. Quả ổi làm được món gì ngon?

Bộ phận được dùng trong ẩm thực của cây ổi chính là quả ổi. Trước đây, người ta thường chỉ biết ăn trực tiếp trái ổi tươi để cảm nhận trọn vẹn hương vị thơm ngon và hấp thu nhiều dưỡng chất nhất.

Tuy nhiên, giờ đây ổi có thể được dùng để ép lấy nước, tạo thành món nước ép ổi với vị thanh mát và giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, các món ăn khác được biến tấu từ trái ổi cũng được rất được yêu thích và dễ làm.

Xem thêm: Lưu ngay 5 công thức chế biến món ngon từ ổi, giúp cô nàng đảm đang trổ tài nấu nướng

Với lá ổi, cách sử dụng phổ biến nhất chính là pha trà để uống. Bạn có thể pha trà lá ổi bằng cách sử dụng lá ổi tươi, lá ổi khô hay bột lá ổi đều được.

4. Cách chọn ổi ngon và bảo quản được lâu

Mặc dù ổi là loại trái cây quen thuộc với nhiều người, nhưng không phải ai cũng biết cách chọn ổi ngon, chính vì thế phần lớn mọi người đều thường hay mua phải ổi không được ngon, ngọt lại chát, chua, cứng khó ăn.

Thực tế, để chọn được những quả ổi chín ngon, giòn ngọt khá đơn giản. Bạn có thể lưu ngay những bí quyết sau đây:

4.1 Hình dáng và vỏ ổi

Nên chọn những quả ổi có hình dáng cân đối, cầm chắc tay, không bị méo lệch, vì đây là những trái ổi ngon, vừa chín tới và chín đều.

Ngoài ra, bạn còn phải nhìn vỏ (da ổi). Những quả ổi ngon thường sẽ có vân, sần sùi lồi lõm một chút. Những trái ổi có vỏ trơn nhẵn, nhìn mềm mượt, thiếu cảm giác rắn rỏi thì trái ổi đó thường sẽ nhạt, ít độ ngọt, mềm xốp và không ngon.

Lưu ý, khi chọn ổi không nên chọn những trái có vỏ ngoài bị dập nát, hay trầy xước nhiều vì ổi sẽ không ngon.

4.2 Màu sắc quả ổi

Những trái ổi chín tự nhiên thường sẽ có màu xanh ngả sang vàng, khi nhìn vào có cảm giác rất sáng bóng, trơn nhẵn. Màu sắc ổi ngon là màu xanh nhạt ngả vàng nhẹ. Mặc dù tùy từng giống ổi sẽ có màu vỏ khác nhau, nhưng khi chọn trong số những quả ổi cạnh nhau, bạn nên chọn màu da ổi đủ chín tới.

cay-oi-tot-cho-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-3
Những trái ổi chín tự nhiên thường có màu xanh ngã vàng nhẹ (Nguồn: Internet)

Không nên chọn những trái ổi có màu quá xanh, chưa có ánh vàng bởi chúng chưa chín, ăn vào sẽ có vị chát, chất ổi cứng, khó ăn.

4.3 Trọng lượng và độ cứng

Khi mua ổi hãy cầm chúng trên tay để ước lượng trọng lượng. Những quả có cảm giác nặng và chắc tay thì thường thịt ổi sẽ có nhiều nước. Nếu cầm thấy quả ổi nhẹ, hơi mềm thì không nên chọn, vì nó có thể đã quá chín, bị nhũn hoặc đã bị mất nước.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng ngón tay ấn nhẹ vào bề mặt vỏ quả ổi, nếu có cảm giác giòn cứng, thì quả ổi sẽ tươi ngon hơn những quả nhũn, héo, mềm.

4.4 Cuống và lá ổi

Khi mua ổi bạn có thể nhìn vào cuống và lá ổi. Nếu quả ổi còn cuống tươi, mềm và lá xanh thì đó là ổi mới hái. Nên chọn ổi có phần thịt gần cuống đã nở và hơi chín vàng thì quả ổi sẽ ăn ngon hơn. Nếu chỗ thịt gần phần cuống ổi còn xanh cứng, chưa nở thì đó là ổi chưa chín.

4.5 “Rốn” của quả ổi

Rốn của quả ổi là phần thấp nhất của quả ổi, nơi vẫn còn lưu lại dấu vết của nhụy và nhị hoa. Rốn của quả ổi thường sẽ giãn nở theo độ chín của quả ổi, những trái ổi nào phần “rốn” giãn càng to thì ổi càng chín. “Rốn” ổi càng nhỏ khí, lõm sâu là ổi còn xanh, ăn sẽ chua, chát, không ngon miệng.

5. Cách trồng, thu hoạch và bảo quản ổi

5.1 Cách trồng cây ổi

Cây ổi là cây rất dễ trồng, rất phù hợp với những vùng khí hậu nhiệt đới. Để cây ổi được phát triển tốt và sum suê quả thì bạn cần lưu ý các vấn đề sau khi trồng:

  • Thời vụ trồng: tốt nhất nên trồng vào đầu tháng 6, trước khi bước vào mùa mưa.
  • Đất trồng: nên trồng cây ổi trong loại đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, có độ pH từ 4,5 - 8 và có khả năng thoát nước tốt.
  • Kỹ thuật trồng: Đầu tiên cần đào 1 cái hố sâu tầm 20x20 cm, trộn vào hố các loại phân hữu cơ, phân lân, mùn, vôi bột. Tiếp đến cắm cây ổi non vào hố, lấp đất lại, dùng cọc giữ cố định phần thân, xong thì tưới nước cho cây phát triển bình thường.
  • Nhiệt độ: vì là loại cây phù hợp với vùng khí hậu nhiệt đới và ôn đới gió mùa ẩm nên nhiệt độ phát triển tốt nhất sẽ từ 15 - 32 độ C. Cây ổi cũng là cây chịu lạnh kém vì thế nếu nhiệt độ thấp quá sẽ làm cho năng suất sai quả kém và trái ổi không được ngon.
  • Ánh sáng: cây ổi chỉ thích hợp với lượng ánh sáng vừa phải và không quá gắt.
  • Nước: cần tưới nước cho cây ổi hàng ngày để cung cấp độ ẩm cho đất.
  • Cắt tỉa: Nên thường xuyên cắt tỉa những phần lá héo khô, bị sâu bệnh để quả ổi đạt được năng suất cao.

5.2 Thu hoạch ổi

Nên thu hoạch trước khi quả ổi chín mọng, mềm vì ổi vẫn có thể chín ngay cả sau khi thu hoạch. Chọn những trái to vừa phải, còn những trái nhỏ để lại trên cây cho tiếp tục phát triển. Chọn những quả có màu xanh nhạt, da hơi săn chắc để hái.

Khi thu hoạch ổi thì không nên giật mạnh kẻo làm hỏng cành, vì thế nên dùng kéo để cắt tỉa. Điều này sẽ giúp bảo vệ cây ổi của bạn được phát triển lâu dài.

5.1 Cách bảo quản ổi

Dù mua hay thu hoạch ổi ở vườn thì bạn cần phải lưu ý đến cách bảo quản để không làm ảnh hưởng hương vị của quả ổi.

Vì ổi là loại trái cây chín nhanh nên khó giữ được lâu. Tốt nhất, bạn chỉ nên mua với số lượng vừa đủ ăn trong 2 ngày. Trong trường hợp muốn mua một lần để trữ ăn dần, bạn có thể chọn mua ổi ở nhiều độ chín khác nhau.

Ổi mua về nếu không ăn hết, nên bọc kín và trữ trong ngăn mát tủ lạnh. Mặc dù thế, chúng vẫn sẽ bị mềm, thịt ổi cũng sẽ dần mất đi sự tươi ngon vốn có. Do đó, nếu muốn ăn ổi giòn ngon, bạn vẫn chỉ nên mua với lượng vừa đủ để ăn tối đa trong 2 ngày thôi nhé!

Như vậy, ổi là loại cây có nhiều tác dụng phòng và trị bệnh. Mặc dù các nghiên cứu y học hiện đại chỉ mới dừng lại ở lá và trái ổi, nhưng trong y học cổ truyền vẫn dùng rễ, búp nón hay vỏ thân cây ổi để chữa các vấn đề bệnh lý thông thường. Tuy nhiên, để sử dụng ổi như một dược liệu chữa bệnh bạn cần tham khảo thêm ý kiến thầy thuốc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bình luận