Ngày nay, bên cạnh những giống gạo trắng thông thường, các gia đình cũng sử dụng xen kẽ thêm gạo lứt – loại gạo còn nguyên lớp cám bên ngoài và cung cấp đa dạng chất dinh dưỡng hơn. Theo đó, một trong những giống gạo lứt nhận được khá nhiều "tín nhiệm" của bà nội trợ phải kể đến gạo lứt huyết rồng.
1. Gạo lứt huyết rồng là gì?
Gạo lứt huyết rồng là thành phẩm được sản xuất từ giống gạo huyết rồng nhưng khi xát chỉ bỏ lớp vỏ trấu và giữ lại nguyên lớp vỏ cám, mầm và phôi nhũ.
Gạo huyết rồng vốn được biết đến như một giống gạo cổ truyền ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, phổ biến nhất là ở Đồng Tháp, Long An. Loại gạo này đòi hỏi điều kiện nuôi trồng và chăm sóc vô cùng ngặt nghèo, nên một năm chỉ cho duy nhất một vụ thu hoạch, vào khoảng tháng 10 – 11 âm lịch.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, gạo huyết rồng rất dễ bị nhầm lẫn với gạo lứt đỏ bởi chúng đều có lớp vỏ màu đỏ nâu. Tuy nhiên, khi bẻ đôi hạt gạo lứt đỏ thì vẫn thấy màu trắng, còn bên trong của gạo huyết rồng sẽ có màu đỏ hoặc hồng phớt.
Đặc biệt, so với những loại gạo lứt khác, giá thành của gạo lứt huyết rồng thường “nhỉnh hơn” gấp 2 – 3 lần.
2. Tác dụng của gạo lứt huyết rồng là gì?
Không chỉ có màu đỏ “bắt mắt”, hương vị ngọt thơm, bùi bùi, cơm gạo lứt huyết rồng còn bổ sung cho cơ thể rất nhiều dưỡng chất quý giá, góp phần cải thiện một số vấn đề sức khỏe thường gặp dưới đây:
2.1 Phòng chống ung thư
Gạo lứt huyết rồng thuộc “danh sách vàng” các loại gạo rất giàu chất chống oxy hóa mạnh, điển hình như anthocyanins. Nhóm chất này chính là thành tố tạo nên màu đỏ đặc trưng của giống gạo huyết rồng, đồng thời có khả năng bảo vệ tế bào của cơ thể khỏi sự tấn công của gốc tự do, từ đây hạn chế nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm.
2.2 Kích thích tiêu hóa
Như đã chia sẻ, hạt gạo lứt huyết rồng vẫn còn giữ nguyên vẹn lớp vỏ cám bên ngoài – bộ phận chứa hàm lượng lớn chất xơ. Dưỡng chất này được xem như một chất kích thích nhu động ruột, duy trì hoạt động co bóp đường ruột để hấp thu và chuyển hóa thực phẩm, giảm tình trạng táo bón xảy ra.
2.3 Bảo vệ tim mạch
Hấp thu chất xơ từ gạo lứt huyết rồng vừa giúp cải thiện hoạt động tiêu hóa, vừa hỗ trợ bảo vệ một trái tim khỏe mạnh. Theo đó, chất xơ sẽ “hút” các phân tử cholesterol xấu và đào thải chúng ra bên ngoài theo đường tiêu hóa, đảm bảo thông suốt dòng luân chuyển máu tới tim, giảm thiểu tối đa tỉ lệ bị các bệnh mạch vành.
Xem thêm: Mách bạn ăn thêm 19 thực phẩm này để có một trái tim khỏe mạnh
2.4 Củng cố xương chắc khỏe
Theo phân tích dinh dưỡng, gạo huyết rồng hay gạo lứt huyết rồng đều là nguồn cung cấp dồi dào các khoáng chất thiết yếu, gồm canxi, photpho, kẽm hay magie, với hàm lượng tương đương hơn 20% nhu cầu hàng ngày mà cơ thể cần.
Những dưỡng chất này sẽ trực tiếp tham gia hình thành nên tế bào xương mới, tăng mật độ khoáng xương và sự kết nối giữa các khớp xương, giúp củng cố hệ vận động dẻo dai và chắc khỏe.
2.5 Tốt cho thai kì
Cùng với yến mạch, diêm mạch hay bột mì nguyên cám,…gạo lứt huyết rồng cũng là loại ngũ cốc nguyên hạt giàu dinh dưỡng dành cho các mẹ bầu. Các dưỡng chất được tìm thấy trong gạo lứt huyết rồng như vitamin C, vitamin nhóm B, khoáng chất selen,…rất cần thiết cho sức khỏe thai kì, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thai nhi.
2.6 Ngăn ngừa lão hóa làn da
Nhờ chứa lượng lớn chất chống oxy hóa cùng các vitamin quan trọng, tác dụng của gạo lứt huyết rồng trong làm đẹp, dưỡng da cũng được đánh giá khá cao. Cụ thể, những hoạt chất này sẽ kết hợp với nhau tăng tính đàn hồi lớp biểu bì dưới da, xóa mờ nếp nhăn, đồng thời làm chậm tiến trình lão hóa da.
Xem thêm: 12 loại thực phẩm ngăn ngừa lão hóa da hiệu quả nhất
3. Một số lưu ý cần biết khi sử dụng gạo lứt huyết rồng
Là một thực phẩm giàu dinh dưỡng và giúp tăng cường, bồi bổ sức khỏe nhưng để tận dụng hiệu quả những lợi ích tuyệt vời đó, bạn phải đảm bảo sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Chính vì thế, hãy nằm lòng một vài lưu ý nhỏ sau:
3.1 Ngâm gạo trước khi chế biến
Dù bạn dùng gạo lứt huyết rồng để nấu cơm, làm sữa gạo lứt huyết rồng hay trà gạo lứt huyết rồng, bạn cũng nên ngâm gạo trong nước từ 30 – 45 phút trước khi bắt đầu nấu hoặc pha chế. Thực hiện công đoạn này sẽ giúp giảm thời gian đun nấu, gạo chín nhanh hơn.
Xem thêm: 4 bước đơn giản làm sữa gạo lứt giàu dưỡng chất, giải nhiệt mùa hè cho cả nhà
3.2 Không sử dụng quá nhiều
Gạo lứt huyết rồng là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe song bạn tuyệt đối không nên lạm dụng và ăn quá nhiều trong thời gian dài. Tốt nhất hãy dùng loại gạo này xen kẽ với gạo trắng trong khẩu phần ăn, một tuần chỉ nên ăn từ 2 – 3 bữa và khoảng 150 – 200g mỗi bữa là hợp lý.
3.3 Hạn chế ăn khi mắc bệnh tiểu đường
Nếu như gạo lứt thông thường khá phù hợp với chế độ ăn uống của người bệnh tiểu đường thì các chuyên gia lại không khuyến khích này sử dụng gạo lứt huyết rồng. Bởi chỉ số đường huyết thực phẩm của gạo lứt huyết rồng tương đối cao (đạt khoảng 75) nên sẽ giải phóng đường glucose vào máu khá nhanh, dẫn tới đường huyết tăng đột ngột.
Do đó, khi chọn mua gạo lứt, bạn cần tìm hiểu và phân biệt rõ ràng gạo lứt đỏ với gạo lứt huyết rồng, tránh mua nhầm và làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Xem thêm: Gợi ý về chế độ ăn và thực đơn lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường
4. Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt huyết rồng
Hàm lượng dinh dưỡng trong khoảng 100g gạo lứt huyết rồng được phân tích như sau:
- Calo: 216
- Chất xơ: 3.5g
- Carb: 44g
- Protein: 5g
- Chất béo: 1.8g
- Vitamin B3: 15% giá trị hàng ngày
- Vitamin B1: 12% giá trị hàng ngày
- Vitamin B5: 6% giá trị hàng ngày
- Vitamin B6: 14% giá trị hàng ngày
- Magiê: 21% giá trị hàng ngày
- Kẽm: 8% giá trị hàng ngày
- Sắt: 5% giá trị hàng ngày
- Đồng: 10% giá trị hàng ngày
- Photpho: 16% giá trị hàng ngày
- Selen: 27% giá trị hàng ngày
- Mangan: 88% giá trị hàng ngày
Dẻo thơm, ngọt bùi, lại “hội tụ” vô vàn dưỡng chất quý giá nên không khó hiểu vì sao gạo lứt huyết rồng lại được ví như “hạt ngọc” mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Nếu có dịp đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức loại gạo trứ danh này nhé!