Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những sai lầm thường gặp trong chế độ dinh dưỡng ngày Tết

(VOH) - Tết là thời điểm có rất nhiều món ăn ngon, nhưng kèm theo đó cũng dễ tiềm ẩn các vấn đề cho sức khỏe.

Không ít sai lầm thường gặp trong chế độ dinh dưỡng ngày Tết chúng ta cần lưu ý sau đây:

Mất cân bằng về dinh dưỡng

Ngày Tết, mâm cơm nhiều gia đình thường có quá nhiều chất đạm và chất béo từ các món: Thịt, cá, giò, chả, nem, thức ăn nhanh (thịt hun khói, xúc xích, lạp xưởng), thịt kho tàu, thịt nấu đông…

Mâm cơm ngày Tết mọi người thường chuẩn bị nhiều món ăn, chế biến cầu kỳ hơn những ngày bình thường. Các món xào, chiên, rán, nướng dùng nhiều dầu mỡ thường hấp dẫn chúng ta hơn nhưng chính vì ngon miệng, mọi người hay ăn khá nhiều dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng.

Nhóm chất bột đường cũng quá nhiều từ bánh chưng, bánh Tét, bánh, mứt kẹo, nước ngọt, các loại quả sấy khô…

Trong khi đó, rau xanh, trái cây - những thực phẩm tốt cho sức khỏe nên ăn nhiều trong mỗi bữa ăn thì thường lại rất thiếu trong các bữa ăn ngày tết hoặc chúng ta dễ bỏ qua vì đã ăn nhiều món ăn khác. Thiếu rau dẫn tới việc thiếu vitamin, chất khoáng; gây ra các vấn đề về tiêu hóa và rối loạn tiêu hoá.

Mất cân bằng dinh dưỡng trong những ngày Tết khiến cơ thể tích tụ nhiều tinh bột, chất đạm, chất béo và dẫn đến tăng cân, tiềm ẩn không ít nguy cơ  trước các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận…

Các thực phẩm “đặc trưng” ngày Tết là bánh mứt đều rất ngọt. Các loại mứt Tết, bánh kẹo ngọt, đồ uống ngọt dễ làm tăng lượng đường trong máu, ảnh hưởng sức khỏe, gây đầy bụng, chán ăn, khó tiêu, tạo môi trường axit trong cơ thể gây mệt mỏi, nhất là những người đang mắc các bệnh đái tháo đường, người thừa cân béo phì…

Những sai lầm thường gặp trong chế độ dinh dưỡng ngày Tết 1
Ngày Tết, mâm cơm nhiều gia đình thường có quá nhiều chất đạm và chất béo. (Ảnh minh họa: Internet)

Ăn uống không điều độ

Tết là giai đoạn mọi người nghỉ ngơi thoải mái nên một số quy tắc ăn uống thường ngày dễ bị phá vỡ. Thêm nữa, dịp sum vầy, đoàn viên cùng gia đình, bạn bè nên không thể tránh khỏi tiệc tùng liên miên, ăn vặt quá nhiều. Ăn không đúng  giờ như bình thường, bỏ bữa, ăn dồn bữa…. đều không có lợi cho sức khỏe. Ăn uống trễ nải khiến cơ thể bị mất năng lượng, còn nếu bỏ bữa có thể dẫn đến đau dạ dày, giảm lượng đường trong máu, ảnh hưởng quá trình trao đổi chất…; rồi sau đó khi ăn dồn bữa lại làm tăng áp lực cho hệ tiêu hóa, khó tiêu, dễ tăng cân.

Ăn lại thức ăn cũ

Ngày tết món ăn ê hề, nên việc thức ăn không dùng hết trong bữa, trong ngày là việc phổ biến. Thế nhưng, ăn phải thức ăn bị hư hỏng có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Đây là hệ quả của việc Tích trữ quá nhiều thực phẩm, nấu nhiều món ăn. Tâm lý “no 3 ngày Tết”, nhiều người vẫn không ngừng mua sắm thực phẩm để tích trữ trong khi việc mua thực phẩm trong dịp Tết hiện nay hết sức dễ dàng. Khi mua quá nhiều thực phẩm dù có được bảo quản trong tủ lạnh thực phẩm vẫn có thể bị hư hỏng, hay ít nhất một số thực phẩm cũng giảm dần dinh dưỡng. Rồi việc nấu quá nhiều món ăn, ăn không hết để lại dễ bị ôi thiu, khi ăn những thức ăn này dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, đặc biệt nguy hiểm với người bị bệnh về đường tiêu hóa. Chúng ta thường nấu đi nấu lại thức ăn cũ để không bị hư nhưng việc này có thể dẫn đến giảm/mất chất dinh dưỡng do tác động của nhiệt, bay hơi… Thêm vào đó một số vi khuẩn sinh bào tử hoặc độc tố kháng với nhiệt, do đó vẫn có thể gây ngộ độc thực phẩm đối với thực phẩm đã qua nấu chín.

Uống quá nhiều bia rượu, nước ngọt

Những tiệc tùng vui vẻ ngày đầu năm thường khó tránh khỏi nhưng nếu những ngày Tết việc này lặp lại nhiều lầnsẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe như không làm chủ được bản thân, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông … Với những người bị xơ gan, gout, tim mạch…. Càng nguy hại hơn. Nhiều người uống nước ngọt có ga có rất nhiều calo thay cho nước lọc, điều này không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nhiều trẻ nhỏ quên luôn cả những cữ sữa cố định trong ngày vì uống nước ngọt nhiều, ăn vặt nhiều.

Bữa ăn nên có sự cân đối 4 nhóm chất, tăng cường ăn thêm các thức ăn tốt cho hệ tiêu hóa như sữa chua chẳng hạn.

Ăn vừa phải và đúng bữa, đúng giờ. Nếu vì lý do nào đó phải bỏ bữa, có thể thay bằng một ly sữa để bổ sung năng lượng và chất dinh dưỡng.

Kết hợp với việc luyện tập thể lực hợp lý.

Những người bị các bệnh mạn tính càng cần chú ý đến vấn đề ăn uống trong dịp Tết hơn.

Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cần đảm bảo: Tủ phải sạch, đồ ăn sống và chín không được để cùng hay để gần nhau.

Vinamilk
Bình luận