Tiêu điểm: Nhân Humanity

Rau sam có tác dụng gì cho sức khỏe?

(VOH) - Ăn rau sam hàng ngày nhưng rất ít người biết đây lại là một loại thảo dược quý có nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Vậy tác dụng của rau sam là gì mà được nhiều người lựa chọn?

Rau sam thường mọc hoang dại và xuất hiện khá nhiều trong các bữa cơm gia đình. Ngoài làm thức ăn, rau sam cũng là một vị thuốc quý hỗ trợ nhiều bệnh lý.

1. Rau sam là gì?

Rau sam có tên khoa học là Portulaca oleracea, là một loài cây sống một năm, thân mọng nước trong họ Rau sam. Đây là loại rau khá phổ biến ở châu Âu, điển hình là Hà Lan thường dùng rau sam làm dưa chua. Hoặc ở Mỹ, người ta thường có món rau sam trộn dầu dấm,… Tại Việt Nam, rau sam mọc hoang và có thể mua với giá rất rẻ.

tac-dung-cua-rau-sam-voh-0

Rau sam là loại rau dễ trồng, rẻ tiền nhưng có nhiều công dụng bổ ích cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Cây rau sam thường thân mập, mọng nước, màu đỏ tím nhạt. Lá mọc so le, dày, mép có viền đỏ. Hoa sam có màu vàng. Hạt được bao bọc trong các quả dạng quả đậu nhỏ. Rau sam thích nghi ở những nơi ẩm mát, chúng được dùng phổ biến và được yêu thích nhờ vào những lợi ích tuyệt vời dành cho sức khỏe.

2. Ăn rau sam có tác dụng gì cho sức khỏe?

Rau sam được xem như một loại dược liệu trong Đông y, có tính hàn, vị chua, không độc, vào 3 tâm kinh: tâm, can, tỳ. Tác dụng của rau sam là giúp thanh nhiệt giải độc, hỗ trợ điều trị các vấn đề như: tiêu chảy, tiểu ra máu, trừ giun sán, mụn nhọt....

Trong các nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, trong rau sam chứa trên 44 hợp chất, bao gồm: flavonoid, alkaloid, terpenoid, acid hữu cơ, vitamin, khoáng chất và các hợp chất khác. Trong đó, flavonoid là hợp chất chống oxy hóa chiếm ưu thế và có nhiều tác dụng sinh học.

Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác dụng của rau sam theo y học hiện đại vẫn còn khá hạn chế, mặc dù rau sam đã được chứng minh có nhiều mặt tích cực với một số bệnh lý ở người. Dưới đây là một số tác dụng của rau sam đối với sức khỏe theo cả 2 hướng y học cổ truyền và y học hiện đại:

2.1 Tác dụng diệt khuẩn

Rau sam có tác dụng diệt được các loại vi khuẩn như shigella (gây bệnh lỵ), Salmonella typhi (gây bệnh thương hàn), Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng thường gây mụn nhọt). Ngoài ra, rau sam cũng có tác dụng diệt được một số nấm gây bệnh.

2.2 Chữa sỏi thận

Một trong những công dụng của rau sam là giúp chữa sỏi thận và bệnh tiểu đường. Theo Đông y, uống trà rau sam nóng thường xuyên giúp thông tiểu và lợi tiểu, điều này có lợi cho những bệnh nhân bị sỏi thận.

Ngoài ra, người bị viêm cầu thận, viêm bàng quang,…thì bạn nên ngâm rau sam vào nước nóng trong vòng một đêm. Sau đó đun sôi, đổ vào chậu tắm hay bồn tắm và ngâm mình trong bồn tắm từ 10 đến 20 phút cho tới khi đổ mồ hôi, sẽ giúp bạn khỏe khoắn hơn rất nhiều.

2.3 Hỗ trợ điều trị tiểu đường

Các nghiên cứu trên động vật cho thất, rau sam có tác dụng giảm cân, giảm axit béo tự do trong máu, tăng nồng độ insulin và giảm tình trạng đề kháng insulin, điều này rất có lợi cho bệnh nhân bị tiểu đường tuyp 2.

Trong đông y cũng ghi nhận, rau sam có tác dụng hạ đường huyết một cách tự nhiên, bằng cách này sẽ giúp ngăn ngừa các rối loạn như đái đường, béo phì, đề kháng insulin,…

2.4 Tác dụng làm lành vết thương

Khi bị thương, nếu lấy lá rau sam giã nhỏ và đắp lên vết thương thì vết thương sẽ lành nhanh hơn. Lá rau sam giúp đẩy nhanh tiến trình kéo da non.

Đối với các vết thương nhẹ, các chấn thương ở xương,…bạn có thể lấy nước chắt rau sam thoa lên vết thương hay đắp lá tươi giã nhuyễn hoặc sắc nước sam đặc để uống. Nếu là các vết thương ngoài da thì có thể bôi rượu rau sam.

Nếu vết thương nặng và có mùi hôi thì nên cho lá rau sam phơi khô vào hấp mềm rồi cho vào túi vải ấm, buộc kín, chườm lên vết thương trong vòng 2 đến 3 tiếng.

2.5 Phòng ngừa bệnh tim mạch

tac-dung-cua-rau-sam-voh-1
Ăn rau sam giúp phòng ngừa bệnh tim mạch (Nguồn: Internet)

Rau sam giàu hàm lượng kali và acid omega-3, đây là những chất rất cần cho việc điều hòa cholesterol trong máu, đồng thời tăng sức bền của thành mạch, giúp huyết áp ổn định.

Xem thêm: Tìm hiểu những tác dụng của omega 3 đối với sức khỏe, làn da và cách bổ sung

2.6 Tiêu diệt giun sán

Khi bạn bị chứng sán xơ mít, cách tốt nhất là dùng rau sam tươi sắc lấy nước đặc. Sau đó hòa nước rau sam với một ít giấm và muối để uống. Thời gian uống hiệu quả là vào buổi sáng, khi bạn chưa ăn uống gì.

Thực hiện đều đặn vài ngày sẽ có tác dụng tẩy sán rất tốt. Còn đối với giun kim, mỗi ngày nên dùng 50 – 100g rau sam tươi, rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt uống. Uống khoảng 5 – 7 ngày sẽ có kết quả.

2.7 Tác dụng co bóp tử cung

Rau sam có tác dụng kích thích sự co thắt cơ tử cung. Vì thế, đây là loại thích hợp cho những phụ nữ sau sinh để làm sạch tử cung.

2.8 Hỗ trợ điều trị bệnh gout

Rau sam có tác dụng chống viêm và thải acid uric ra khỏi cơ thể theo đường tiểu (acid uric đọng lại ở các khớp ngón chân gây ra bệnh gout).

2.9 Bảo vệ hệ thần kinh

Một trong những tác dụng của rau sam là giúp bảo vệ hệ thần kinh. Trong thành phần rau sam có chứa những chất chống oxy hóa giúp “khử” các gốc tự do, giảm quá trình chết các tế bào thần kinh, giảm thiếu hụt dopamine. Do đó, ăn rau sam có thể bảo vệ tế bào thân kinh, ngừa bệnh parkinson, alzheimer.

2.10 Nuôi dưỡng da

Rau sam được biết đến như một loại rau giàu dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng omega-3 cao... Do đó, ăn rau sam được cho là có tac dụng nuôi dưỡng da, tóc, móng và các khớp.

2.11 Có thể có đặc tính chống ung thư

Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy, rau sam là một nguồn dồi dào các chất như polysacarit, cerebroside, homoisoflavonoid, và alkaloid, đây là những chất có tác dụng “gây độc” tế bào ung thư, điều hòa miễn dịch của cơ thể. Do đó, rau sam được cho là có tiềm năng trong việc hỗ trợ điều trị ung thư.

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy rau sam có tác bảo vệ dạ dày, gan và hỗ trợ điều trị hen suyễn.

3. Bà bầu ăn rau sam được không?

Một số phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ rất thích ăn rau sam. Song, các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên mẹ bầu trong giai đoạn 3 tháng đầu mang thai nên tránh ăn rau sam, bởi chúng có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe cho người mẹ cũng như thai nhi.

tac-dung-cua-rau-sam-voh-2
Mẹ bầu có thể ăn rau sam trong những tháng cuối thai kỳ (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, ở những tháng cuối thai kỳ mẹ bầu có thể thêm rau sam vào chế độ ăn uống của mình. Rau sam cũng là loại rau giàu dinh dưỡng đặc biệt là thành phần omega-3 có tác động rất tốt đối với cơ thể người mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Xem thêm: Giúp mẹ giải tỏa băn khoăn 'bà bầu ăn rau sam đất được không?'

4. Một số món ngon từ rau sam

Rau sam mọc hoang khá nhiều nên tìm rau sam không quá khó ăn. Vì thế, nhiều người thường sử dụng rau sam để luộc chấm cùng nước chấm, hoặc dùng rau sam trong các nguyên liệu chế biến món ăn.

Một số món ăn từ rau sam dễ làm có thể kể đến như:

  • Rau sam xào tỏi
  • Rau sam xào tôm
  • Nộm rau sam
  • Canh rau sam

Xem thêm: Để biết 'rau sam nấu món gì ngon' thì đừng bỏ qua 5 món ăn đơn giản này

5. Ăn nhiều rau sam có tốt không?

Không có nhiều thông tin chia sẻ về những tác hại của rau sam đối với sức khỏe con người. Do đó, bạn hoàn toàn có thể sử dụng rau sam như một loại rau ăn trong các bữa cơm gia đình. Trong trường hợp sử dụng rau sam làm dược liệu chữa bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc để được hướng dẫn liều lượng sử dụng.

tac-dung-cua-rau-sam-voh-3
Ăn rau sam đúng lượng, không lạm dụng sẽ có lợi cho sức khỏe hơn (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, để có thể phát huy tác dụng của rau sam và tránh gặp phải những mối nguy cơ tiềm ẩn, khi dùng rau sam bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Không nấu, đun rau sam quá kỹ.
  • Không sử dụng rau sam cho phụ nữ mang thai.
  • Với những bệnh nhân có tạng hư hàn hay đi tiểu lỏng, khi sử dụng rau sam cần phối hợp với những vị thuốc cay, ấm để không làm trệ tỳ.

Với những thông tin trên, có thể thấy rau sam vô cùng có lợi cho sức khỏe. Do đó, bạn nên thường xuyên thêm rau sam trong chế độ ăn uống của mình để có thể giúp nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật tốt hơn.

Bình luận