Có lẽ phần lớn chúng ta đều cho rằng chỉ nên bổ sung vitamin C khi bị sốt, cảm lạnh hay mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp khác. Tuy nhiên sự thật hoàn toàn không phải vậy, theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng chia sẻ, hàng ngày cơ thể vẫn cần phải được cung cấp tối đa 90mg vitamin C để duy trì tốt các hoạt động trao đổi chất. Do vậy hãy theo dõi sức khỏe kĩ lưỡng để sớm nhận biết và khắc phục tình trạng thiếu vitamin C.
1. Nhận biết các biểu hiện thiếu vitamin C
Khi cơ thể rơi vào trạng thái “cạn kiệt” vitamin C, một số triệu chứng bất thường sau đây sẽ xuất hiện:
1.1 Da thô ráp, nứt nẻ
Biểu hiện thiếu vitamin C dễ nhận biết nhất có lẽ chính là làn da trở nên khô, thô ráp và sỉn màu, thậm chí có thể xuất các nếp nhăn ở vùng má hoặc đuôi mắt. Bên cạnh đó nếu thiếu hụt vitamin C trong thời gian dài, độ ẩm ở môi cũng giảm xuống, làm lớp da bong tróc, nứt nẻ.
1.2 Mệt mỏi, dễ buồn ngủ
Giống như thiếu hụt bất cứ dưỡng chất nào, nếu không đáp ứng đủ nhu cầu vitamin C cần thiết, cơ thể cũng “biểu tình”, khiến bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống. Bên cạnh đó, cơn buồn ngủ tìm đến với tần suất dày đặc hơn cho dù bạn đã ngủ đủ giấc.
Xem thêm: Bí quyết ‘đánh bay’ chứng mất ngủ từ những loại thực phẩm tự nhiên
1.3 Xuất huyết dưới da
Khi lượng vitamin C ở mức thấp, hiện tượng xuất huyết dưới da hay bầm tím ở bắp chân, bắp tay xảy ra khá phổ biến. Theo đó, lúc này mao mạch máu khá mỏng nên chỉ cần va chạm nhẹ cũng sẽ vỡ.
1.4 Chảy máu chân răng
Các nghiên cứu nhận thấy rằng vùng nướu răng được hình thành từ nhiều sợi collagen liên kết chặt chẽ với nhau. Thế nhưng nếu không có đủ lượng vitamin C thì quá trình tổng hợp loại sợi đặc biệt này sẽ bị gián đoạn, dẫn tới nướu trở nên nhạy cảm hơn, sưng tấy và hay chảy máu.
Xem thêm: 'Điểm mặt' 10 nguyên nhân gây chảy máu chân răng khiến bạn phải bất ngờ
1.5 Chảy máu cam
Tình trạng thiếu vitamin C khiến lượng collagen giảm xuống, tác động không nhỏ tới lớp niêm mạc lót ở xoang mũi, chúng trở nên mỏng, dễ đứt gãy và gây ra chảy máu cam.
1.6 Tóc gãy rụng
Mái tóc xơ rối, chẻ ngọn và rụng đi nhiều cũng là một trong hệ lụy của việc không bổ sung đầy đủ đúng lượng vitamin C mà cơ thể cần.
Xem thêm: 6 ‘chiêu’ trị gãy rụng, hư tổn giúp tóc dày mượt, nhanh dài thấy rõ
2. Thiếu vitamin C sẽ bị bệnh gì?
Nếu không kịp thời “bù đắp” lượng vitamin C đang thiếu hụt, nguy cơ cao sẽ mắc phải một số vấn đề sức khỏe sau:
2.1 Suy giảm sức đề kháng
Không chỉ hỗ trợ ngăn ngừa thiếu máu, vitamin C còn được đánh giá là thành tố quan trọng tham gia hình thành tế bào bạch cầu trung tính, góp phần cải thiện hệ miễn dịch. Vì vậy, nếu lượng vitamin C sụt giảm, sức đề kháng của cơ thể cũng bị ảnh hưởng và suy giảm theo.
Xem thêm: Sức đề kháng là gì? Tầm quan trọng của nó đối với cơ thể
2.2 Thiếu máu
Vitamin C vốn có khả năng chuyển hóa nhóm sắt non-heme thành hoạt chất có cấu trúc đơn giản để cơ thể có thể tiếp nạp dễ dàng hơn. Do đó, khi hàm lượng vitamin C giảm xuống quá mức sẽ cản trở quá trình hấp thu vi chất sắt cần thiết để sản sinh tế bào hồng cầu, dẫn đến thiếu máu.
2.3 Trí nhớ giảm sút
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng chia sẻ, tình trạng thiếu vitamin C để lại nhiều tác động tiêu cực tới khả năng ghi nhớ của não bộ, đặc biệt là ở đối tượng người cao tuổi.
Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu y khoa nhận thấy rằng nếu cơ thể được cung ứng đủ lượng vitamin C mỗi ngày thì có thể trì hoãn thời điểm xuất hiện bệnh Alzheimer, đồng thời giảm được tình trạng trầm uất.
2.4 Tăng nguy cơ loãng xương
Khi cơ thể không được đáp ứng đủ lượng vitamin C quá trình tổng hợp sợi collagen cùng canxi sẽ không diễn ra thuận lợi, điều này khiến các khớp xương khô cứng, tăng nguy cơ gãy và loãng xương.
Xem thêm: 2 bài tập thể dục mà người bị loãng xương nên tập luyện hàng ngày
2.5 Bệnh tim mạch
Theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng, người bị bệnh tim và đang sử dụng thuốc tim, người cao huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim nếu bị thiếu vitamin C thì bệnh có thể chuyển biến xấu hơn. Khi không có đủ vitamin C, dòng luân chuyển máu đến tim sẽ bị tắc nghẽn, dễ dẫn tới nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
3. Thiếu vitamin C nên ăn gì để khắc phục?
Nếu được chẩn đoán thiếu hụt vitamin C, bạn cần sớm điều chỉnh lại khẩu phần ăn hàng ngày của mình, cố gắng bồi bổ thêm thực phẩm giàu vitamin C như trái cam, trái chanh, trái ổi, trái bưởi, cà chua, bông cải xanh,…Bên cạnh đó, tùy theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể cần uống các loại thuốc bổ sung vitamin C.
Tuy nhiên hãy chú ý bổ sung đủ lượng vitamin C cần thiết, tránh việc ăn quá nhiều các thực phẩm chứa lượng lớn vitamin C trong thời gian ngắn, gây ra tác dụng ngược là thừa vitamin C.
Hy vọng rằng những chia sẻ trong bài viết trên đây sẽ nhắc bạn lưu ý bổ sung đầy đủ nhóm vitamin C mỗi ngày, nhằm bảo vệ sức khỏe và giảm tỉ lệ mắc các bệnh lý nguy hiểm nhé.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ tại audio bên dưới: