Thịt thực vật còn được gọi là thịt tương lai. Quá trình sản xuất thịt thực vật có thể làm chuyển đổi sử dụng tài nguyên và giảm lượng khí thải carbon một cách hiệu quả, trở thành xu hướng ăn kiêng vừa bảo vệ sức khỏe vừa bảo vệ môi trường.
Một số người thắc mắc, thịt thực vật và thịt chay truyền thống có gì khác biệt không? Ăn thịt thực vật thực sự có an toàn cho sức khỏe không?

Chăn nuôi truyền thống là nguyên nhân chính gây ra khí nhà kính
Chuyên gia dinh dưỡng Vương Dật Đình, trưởng khoa Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Kỳ Mỹ (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, chăn nuôi truyền thống, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu.
Vật nuôi tạo ra một lượng lớn khí mê-tan trong quá trình tiêu hóa. Loại khí này có hiệu ứng nhà kính mạnh hơn carbon dioxide, làm trầm trọng thêm vấn đề nóng lên toàn cầu. Ngược lại, quy trình sản xuất thịt làm từ thực vật không có liên quan đến chăn nuôi, do đó giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả.
Sự khác biệt về thành phần giữa thịt thực vật và thịt chay truyền thống là gì?
Quy trình sản xuất thịt làm từ thực vật có thể chuyển đổi sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và có chu kỳ sử dụng năng lượng ngắn, giúp giảm lượng khí thải carbon và từ đó giảm bớt hiện tượng nóng lên toàn cầu.
So với thịt chay truyền thống, thành phần chính của thịt thực vật có khác nhau. Chuyên gia Vương Dật Đình giải thích rằng, thịt chay truyền thống chủ yếu được làm từ protein đậu nành chiết xuất từ bột đậu nành, có vị đậu nành đậm hơn và hương vị không ngon bằng thịt thật.
Trong khi ở Châu Âu và Mỹ sản xuất thịt thực vật, nguồn protein của thịt thực vật chủ yếu là protein đậu Hà Lan, protein lúa mì… Trong đó còn có thêm tinh bột khoai tây và dầu thực vật để tăng hương vị, thậm chí thêm củ cải đường để điều chỉnh màu sắc cho thịt thực vật giống như thịt thật.
Thịt thực vật nhìn không chỉ trông giống thịt thật, mà hương vị của nó cũng giống như thịt động vật thật khiến người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn, các chất bổ sung dinh dưỡng như chất phytochemical (hóa chất thực vật) và khoáng chất cũng được thêm vào để tăng chất dinh dưỡng cho thịt thực vật.
Thịt thực vật có hoàn toàn tốt cho sức khỏe hay không?
Chuyên gia Vương Dật Đình cho biết, thịt có nguồn gốc thực vật có hoàn toàn tốt cho sức khỏe hay không thì phụ thuộc vào gia vị và chất phụ gia (tá dược) được thêm vào trong quá trình sản xuất.
Để tăng thêm hương vị cho các loại thịt có nguồn gốc thực vật trên thị trường nhằm thu hút người tiêu dùng, người ta thường thêm quá nhiều gia vị và phụ gia thực phẩm (methyl cellulose, silicon dioxide…) trong quá trình sản xuất. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thịt thực vật có tốt cho sức khỏe hay không?
Mặc dù lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc thực vật giữ lại nhiều chất dinh dưỡng hơn nhưng một số sản phẩm có thể chứa quá nhiều muối (hàm lượng natri). Trong khi đó, chế độ ăn nhiều natri sẽ làm tăng huyết áp và không tốt cho bệnh nhân tăng huyết áp và bệnh thận.
Vì vậy, khi lựa chọn thịt có nguồn gốc thực vật, mọi người nên đọc kỹ nhãn dinh dưỡng và chọn sản phẩm có hàm lượng natri không được quá cao.
Bí mật sức khỏe của thịt thực vật: chất xơ và chất phytochemical
Chuyên gia Vương Dật Đình cho biết, lợi ích sức khỏe của thịt có nguồn gốc thực vật là giàu chất xơ và chất phytochemical. Để đáp ứng nhu cầu vitamin B1 và B12 của người ăn chay, một số nhà sản xuất sẽ bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng vào thịt thực vật để nâng cao hơn nữa giá trị dinh dưỡng.
So với protein động vật, thịt thực vật làm giảm chất béo bão hòa và kết hợp các ưu điểm của ít chất béo, giàu protein, tăng cường vi chất dinh dưỡng và giàu chất xơ. Đây chính xác là điều mà chế độ ăn uống hiện nay của nhiều người đang thiếu. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mọi người có thể đưa thịt thực vật vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình, đảm bảo bữa ăn của mình đầy đủ chất dinh dưỡng.