Vitamin K1 có tác dụng gì với sức khỏe?

(VOH) – Có thể bạn đã từng sử dụng và bổ sung loại vitamin K2 song vẫn còn khá ‘mù mờ’ khi nghe tới vitamin K1. Vậy vitamin K1 có tác dụng gì với sức khỏe?

Vitamin K1 vốn được đánh giá là một trong những dưỡng chất vô cùng thiết yếu trong việc duy trì và bảo vệ sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên phần lớn chúng ta chưa thực sự hiểu rõ đặc điểm cũng như các vai trò quan trọng của loại vitamin này.

1. Vitamin K1 là gì?

Giống như vitamin K2, vitamin K1 hay còn được biết đến là phylloquinone cũng thuộc nhóm vitamin K. Theo các tài liệu y khoa, tên gọi phylloquinone liên quan trực tiếp tới nguồn cung cấp vitamin K1 – các loại rau lá xanh, bởi trong tiếng Hy Lạp, “phyllo” mang nghĩa lá và “quinone” để chỉ cấu trúc hóa học của hoạt chất này.

vitamin-k1-co-tac-dung-gi-voi-suc-khoe-1
Vitamin K1 thuộc nhóm vitamin K, tìm thấy nhiều ở thực vật (Nguồn: Internet)

2. Vitamin K1 có tác dụng gì với sức khỏe?

Các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến khích bổ sung đầy đủ vitamin K1 trong chế độ ăn uống hàng ngày, khoảng 90mcg/ngày với phụ nữ và 120mcg/ngày với nam giới. Việc duy trì cung cấp đủ lượng vitamin K1 cần thiết cho cơ thể sẽ giúp bạn chủ động cải thiện một số vấn đề sức khỏe sau:

2.1 Hỗ trợ cầm máu

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin K1 chính là thành tố không thể “vắng mặt” giúp kích hoạt prothrombin, nhằm thúc đẩy quá trình đông máu diễn ra nhanh chóng. Chính vì thế nếu thiếu hụt lượng vitamin K1, khi không may gặp các chấn thương chảy máu, thời gian cầm máu kéo dài, gây ra tình trạng mất máu, choáng váng và thậm chí có thể tử vong. (1)

Xem thêm: Cách xử lý khi bị đứt tay để cầm máu nhanh và tránh nhiễm trùng

2.2 Chống xuất huyết não

Bổ sung vitamin K1 được xem như một phương pháp giúp chúng ta chủ động phòng tránh hiện tượng xuất huyết não nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ sơ sinh. Theo đó, nhờ có khả năng tác động tới prothrombin và tăng tốc độ đông máu, vitamin K1 sẽ tham gia ngăn chặn tình trạng rò rỉ chảy máu ở màng não, hạn chế tối đa nguy cơ xuất huyết. (2)

2.3 Củng cố xương chắc khỏe

vitamin-k1-co-tac-dung-gi-voi-suc-khoe-2
Vitamin K1 là thành tố thúc đẩy sản sinh tế bào xương, duy trì hệ vận động dẻo dai (Nguồn: Internet)

Một lượng vitamin K1 khi vào cơ thể sẽ kết hợp cùng với nhóm chất chống viêm interleukin 6 kích thích hình thành tế bảo tủy xương, hỗ trợ tăng mật độ khoáng xương, từ đó giảm thiểu tỉ lệ gãy xương hay loãng xương xảy ra. (3)

Xem thêm: 2 bài tập thể dục mà người bị loãng xương nên tập luyện hàng ngày

2.4 Kiểm soát đường huyết

Duy trì thói quen bổ sung các nhóm thực phẩm giàu vitamin K1 trong khẩu phần ăn hàng ngày góp phần không nhỏ giúp chúng ta kiểm soát đường huyết ở mức an toàn. Loại vitamin này sẽ làm giảm tốc độ chuyển hóa đường glucose vào máu và cải thiện tình trạng kháng insulin (thường gặp ở người bệnh tiểu đường tuýp 2). (4)

2.5 Chuyển hóa thành vitamin K2

Bên cạnh việc đảm nhiệm các vai trò trên, một phần vitamin K1 chúng ta tiếp nạp sẽ được vi khuẩn đường ruột chuyển hóa thành vitamin K2 dạng MK4 – nhóm chất cần thiết cho quá trình hấp thu canxi và củng cố xương chắc khỏe. (5)

Xem thêm: Danh sách 16 loại thực phẩm giàu canxi giúp xương chắc khỏe, dẻo dai

3. Tiêm vitamin K1 cho trẻ sơ sinh

Thống kê y khoa nhận thấy rằng tỉ lệ trẻ mắc viêm màng não và xuất huyết não thường tăng cao (lên tới 90%) khi cơ thể các bé thiếu hụt lượng vitamin K1. Do vậy, tiêm vitamin K1 cho trẻ sơ sinh là một trong những điều cha mẹ cần chú ý thực hiện ở những tháng đầu khi em bé chào đời, bởi lượng vitamin K1 dự trữ ở nhau thai của trẻ tương đối thấp.

vitamin-k1-co-tac-dung-gi-voi-suc-khoe-3
Trẻ sơ sinh cần tiêm bổ sung vitamin K1 ngay khi chào đời (Nguồn: Internet)

Trẻ cần tiêm 1 mũi vitamin K1 vào bắp ngay sau khi sinh với liều lượng phụ thuộc vào các chỉ số sức khỏe, cụ thể với bé nặng trên 1.5kg sẽ tiêm vitamin K1 liều 1mg và liều 0.5mg cho bé có cân nặng dưới 1.5kg.

Xem thêm: Bác sĩ BV Nhi Đồng TPHCM chia sẻ lịch tiêm phòng mới nhất cho trẻ em

4. Vitamin K1 có trong thực phẩm nào?

Như đã chia sẻ, vitamin K1 vốn có nguồn gốc từ thực vật, đặc biệt là các loại rau xanh lá, vì thế bạn có thể bổ sung nhóm vitamin này bằng cách tăng cường thêm một số nhóm thực phẩm lành mạnh, dễ tìm kiếm dưới đây vào thực đơn:

  • Bông cải xanh
  • Cải xoăn (cải kale)
  • Cải bó xôi (rau chân vịt)
  • Cải brussel
  • Lá củ cải
  • Rau diếp cá
  • Mùi tàu (ngò tây)

5. Những lưu ý cần biết khi bổ sung vitamin K1 

Cơ thể chúng ta luôn cần được đáp ứng đầy đủ lượng vitamin K1 (không thừa và không thiếu), song để đảm bảo an toàn sức khỏe và phòng tránh rủi ro sức khỏe, cần thực hiện một số lưu ý sau khi bổ sung vitamin K1: 

  • Kết hợp đa dạng thực phẩm giàu các vitamin khác, tránh tập trung ăn quá nhiều thực phẩm giàu vitamin K1, nhằm giảm tác động tiêu cực đến khả năng bài tiết của gan. 
  • Không tự ý bổ sung vitamin K1. Nếu muốn bổ sung vitamin K1 dưới dạng thuốc, thực phẩm chức năng hay tiêm trực tiếp vào máu, cần tới thăm khám tại các cơ sở y khoa để được bác sĩ tư vấn. 
  • Trong quá trình sử dụng thuốc chống đông máu hay thuốc kháng sinh chứa aspirin, không tùy ý bổ sung vitamin K1 nếu chưa có chỉ định chuyên khoa. 

Có thể thấy rằng, vitamin K1 “nắm giữ” khá nhiều vai trò then chốt trong các hoạt động của cơ thể, giúp chúng ta sống vui khỏe và không mắc phải những bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, bạn hãy chủ động xây dựng một chế độ dinh dưỡng thật khoa học, cung cấp đủ lượng vitamin K1 để bảo vệ sức khỏe thật tốt nhé.

Bình luận