Đăng nhập

Hiệu ứng domino tâm lý: Khi kẻ yếu cần ai đó để giẫm lên mới thấy mình đứng vững

00:00
00:00
00:00
VOH - Trong cuộc sống hiện đại đầy áp lực và cạnh tranh, không khó để bắt gặp những phản ứng dây chuyền về cảm xúc – nơi một người bị tổn thương từ trên liền trút giận xuống người yếu thế hơn.

Hiện tượng này, dù xảy ra âm thầm hay công khai, chính là hình ảnh chân thực của câu nói: "Cá lớn nuốt cá bé – cá bé nuốt... con cá bé hơn nữa."

Khi một người sếp bị cấp trên quở trách, anh ta quay về đổ lỗi cho nhân viên. Nhân viên ấy về nhà, cáu kỉnh với vợ con, rồi đứa trẻ – chẳng hiểu chuyện gì – lại nổi giận với con chó nhà nuôi. Cứ thế, sự tổn thương lây lan theo phản ứng domino. Một vòng lặp cảm xúc tiêu cực, bắt nguồn từ sự bất lực, bế tắc và thiếu kỹ năng đối diện với vấn đề.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, người yếu thế không chỉ mang trong mình sự bất an mà còn là một nỗi sợ bị so sánh. Họ không chịu được việc người khác giỏi hơn, đẹp hơn, thành công hơn. Vậy là, để không cảm thấy thua kém, họ tìm cách hạ thấp người khác, hoặc dìm họ xuống bùn, để tự thấy bản thân “bình thường” là đủ.

Do mi noXem toàn màn hình

Chẳng hạn như, khi thấy đồng nghiệp được thăng chức, họ không nói “cậu ấy giỏi thật,” mà sẽ thì thầm “chắc giỏi nịnh sếp.” Khi thấy ai đó có nhà có xe, họ không ngưỡng mộ, mà buông câu “chắc bố mẹ lo hết.” Tâm lý đố kỵ ấy không phải vì người khác sai, mà vì họ không thể chịu đựng được việc bản thân bị bỏ lại phía sau.

Người yếu thường từng là nạn nhân – của bạo lực, của tổn thương, của bỏ rơi. Nhưng thay vì học cách vượt qua, họ chọn cách dùng nỗi đau đó để làm tổn thương người khác. Cũng giống như một đứa trẻ bị cha mẹ mắng chửi thường xuyên, lớn lên lại có xu hướng nghiêm khắc quá mức với con mình. Sự tổn thương không được giải tỏa sẽ trở thành vòng luẩn quẩn độc hại.

Không ai sinh ra đã mạnh mẽ. Nhưng có người học cách vượt qua nỗi sợ, có người lại chọn trốn chạy bằng cách giẫm lên người khác. Người trưởng thành là người dám đối mặt với chính mình, biết khi nào cần im lặng, biết khi nào nên lùi lại để suy xét thay vì phản ứng bốc đồng.

Một phản ứng không kiểm soát hôm nay có thể làm tổn thương cả một đứa trẻ đang lớn, một người vợ đang kiên nhẫn, một người bạn đang cần sự hỗ trợ. Đừng để sự hèn yếu của bản thân trở thành vết dao cứa vào người khác.

Bởi trong xã hội này, kẻ mạnh không phải là người gào to nhất, mà là người đủ bản lĩnh để dừng lại – trước khi làm tổn thương người yếu hơn.

Bình luận