Đăng nhập

Người trẻ “gù cổ”, tê tay vì ôm điện thoại quá lâu

00:00
00:00
00:00
VOH - Thói quen dùng điện thoại hàng giờ liền đang âm thầm “hạ gục” đốt sống cổ của nhiều người trẻ.

Gù lưng, lệch trọng tâm đầu, đau vai gáy, tê bì tay... là những hệ quả dễ gặp khi “nghiện” màn hình điện thoại mà ít ai ngờ tới.

Anh Quốc Minh (35 tuổi, TPHCM) từng nghĩ rằng cơn đau mỏi cổ chỉ là triệu chứng thông thường do ngồi lâu. Nhưng khi không thể quay đầu, hai cánh tay yếu dần và tê bì, anh mới tìm đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả: thoát vị đĩa đệm cổ từ C3 đến C7, tổn thương tủy, kèm theo thoát vị thắt lưng. Theo lời kể, anh thường xuyên sử dụng điện thoại hơn 8 giờ mỗi ngày để làm việc và giải trí.

Trường hợp khác là chị Hoài An (30 tuổi, Hà Nội), làm nghề bán hàng online. Chị dành 10-15 tiếng mỗi ngày để dán mắt vào màn hình. Sau một thời gian, chị không thể xoay cổ, tay thường xuyên tê buốt. Kết quả chụp MRI cho thấy chị bị thoái hóa từ đốt sống C2 đến C7, chèn ép dây thần kinh nghiêm trọng.

nguoi tte xai dtXem toàn màn hình

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Trung Dũng – Trung tâm Cơ Xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết: “Cột sống cổ là phần nâng đỡ đầu và có cấu tạo phức tạp với hàng trăm khớp thần kinh, dây chằng. Khi cúi đầu thời gian dài, đặc biệt là sử dụng điện thoại sai tư thế, áp lực đè lên đốt sống cổ tăng lên gấp nhiều lần bình thường.”

Không chỉ gây thoái hóa và đau vai gáy, việc cúi gập đầu nhiều còn có thể gây thoát vị đĩa đệm cổ, ảnh hưởng trực tiếp đến tủy sống và hệ thần kinh trung ương. Những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến rối loạn vận động, tê yếu tay chân, thậm chí là mất cảm giác tạm thời.

Tại Hội nghị Khoa học Vật lý trị liệu Việt Nam lần 2 tổ chức ở Hà Nội, các chuyên gia tiếp tục cảnh báo về hội chứng “cổ rùa” – tên gọi của tình trạng cột sống cổ gập bất thường do sai tư thế, đặc biệt phổ biến ở giới trẻ sử dụng thiết bị điện tử quá mức.

Một nghiên cứu của Trường Đại học Hồng Bàng trên 425 sinh viên tại TPHCM cho thấy:

  • 46,6% sinh viên mắc hội chứng “cổ rùa”

  • 69,2% lệch trọng tâm đầu

  • 75,3% có góc gập cổ khi dùng điện thoại ở mức 31-45 độ

  • 75,8% chọn sai tư thế, gây đau đầu và đau vùng cổ

Nguyên nhân chủ yếu đến từ thời gian sử dụng điện thoại kéo dài, thiếu vận động, và tư thế cúi đầu sai lệch kéo dài hàng giờ.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo, để bảo vệ cột sống cổ, người trẻ cần điều chỉnh thời lượng dùng thiết bị điện tử, nghỉ ngơi định kỳ, thực hiện các bài tập kéo giãn vùng cổ vai gáy. Khi dùng điện thoại, nên đưa máy lên ngang tầm mắt, giữ lưng thẳng, tránh cúi gập liên tục trong thời gian dài.

Cột sống cổ là “trụ đỡ” quan trọng cho hệ thần kinh trung ương. Một khi tổn thương, hậu quả để lại có thể kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, đừng để chiếc điện thoại – vật bất ly thân của thời hiện đại – trở thành “sát thủ âm thầm” cho sức khỏe xương khớp của chính bạn.

 
Bình luận