Theo nghiên cứu của các chuyên gia Hoa Kỳ ở 8.000 trẻ em có mẹ mang thai thường xuyên ăn quả óc chó cho thấy: Những đứa trẻ này ít khi bị dị ứng thực phẩm, hen suyễn và có chỉ số thông minh cao hơn những đứa trẻ có mẹ không ăn hạt óc chó khi mang thai.
Trong hạt óc chó chứa đến 65% chất béo không bão hòa đa giúp chuyển hóa các dưỡng chất, rất tốt cho cơ thể mẹ bầu và không gây tăng cân nhiều khi mang thai. Ngoài ra, các acid béo omega-6, omega-3 trong quả óc chó còn giúp thai nhi phát triển trí thông minh.
Sau đây là 2 loại sữa với thành phần chính từ hạt óc chó mà chúng ta có thể tự làm tại nhà.
1. Sữa hạt óc chó
1.1 Nguyên liệu
- Hạt óc chó: 100g
- Nước lọc: 1–1,2l
- Đường phèn: 30g
- Vani: 2 ống (nếu muốn sữa có mùi thơm)
1.2 Thực hiện
- Bước 1: Óc chó ngâm vào nước sôi để nguội trong vòng 4–6 tiếng. Trong thời gian ngâm, nhớ thường xuyên thay nước khoảng 2–3 lần.
- Bước 2: Rửa lại thật sạch hạt óc chó, nếu cẩn thận hơn, bạn có thể bóc bỏ vỏ lụa bên ngoài. Cho phần nhân hạt óc chó vào máy xay sinh tố, thêm 1–1,2l nước sôi để nguội và xay thật nhuyễn.
- Bước 3: Lọc hỗn hợp hạt óc chó đã xay, bỏ bã. Sau đó bắc lên bếp đun lửa riu riu từ 7–10 phút, thêm đường phèn, vani vào sữa.
- Bước 4: Sữa hạt óc chó sau khi để nguội cho vào lọ thủy tinh và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
Lưu ý: Nên lắc đều sữa óc chó trước khi sử dụng. Nếu thấy hiện tượng sữa tách nước chỉ cần lắc nhẹ là dùng được. Thời gian sử dụng tối đa ít nhất 2 ngày.
2. Sữa hạt óc chó - hạnh nhân - đậu nành
2.1 Nguyên liệu
- Hạnh nhân: 100g
- Óc chó: 100g
- Đậu nành: 200g
- Lá dứa: 2 lá
- Nước sạch: 1,5 lít
2.2 Thực hiện
- Bước 1: Ngâm lần lượt óc chó, hạnh nhân, đậu nành vào 3 tô khác nhau khoảng 5 tiếng. Sau đó óc chó, hạnh nhân bỏ vỏ lụa; Đậu nành đãi bỏ vỏ đậu và hạt lép.
- Bước 2: Cho 3 loại hạt trên vào máy xay sinh tố xay nhuyễn đến khi hỗn hợp sánh mịn. Tiếp đến cho thêm 500ml nước sôi để nguội vào khuấy đều, lọc lấy nước. Để tiết kiệm, bạn có thể tái sử dụng phần bã sau khi lọc đem xay với 1 lít nước rồi lọc lại một lần nữa.
- Bước 3: Bắc nồi sữa vừa lọc lên bếp, cho lá dứa vào nấu sôi với lửa vừa phải. Vừa đun chị em lưu ý khuấy đều và hớt bỏ bọt.
- Bước 4: Khi sữa sôi, vặn nhỏ bếp, đun lửa nhỏ trong vòng 5 phút thì tắt bếp để nguội, đổ vào chai thủy tinh và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
Để bảo quản sữa hạt, tốt nhất mọi người nên trữ sữa trong chai thủy tinh, đậy nắp kín và bảo quản ngăn mát tủ lạnh và chỉ dùng tối đa trong 2 ngày.
Với các bé nhỏ chưa quen bụng, có thể hâm ấm sữa cho con uống rồi tập uống mát từ từ.
Một điều khá quan trọng là thực phẩm nào dùng nhiều cũng không tốt, vì vậy mỗi loại sữa chỉ nên uống liên tục tối đa là 1 tuần, sau đó cần thay đổi đa dạng để bé có thể hấp thụ nhiều nguồn dinh dưỡng và không bị ngán.