Táo (bơm) là một trong những loại quả thân thiện dành cho trẻ ăn dặm. Táo chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ có tác dụng làm khỏe đường ruột, cải thiện tiêu hóa, giúp bé đi tiêu đều đặn, phòng ngừa táo bón.
1. Những cách chế biến táo hợp lý
Táo sẽ giữ nguyên hương vị và dinh dưỡng khi được nướng. Táo đem hấp chín cũng giúp giữ nguyên giá trị dinh dưỡng có trong táo.
Luộc táo với lượng nước phù hợp cũng là cách chế biến táo đơn giản và không bị mất nhiều dưỡng chất.
Táo là loại trái cây chứa nhiều nước nên mẹ không cần thêm nước lọc vào hỗn hợp táo khi xay.
2. Cách chế biến táo cho bé ăn dặm
Nếu trẻ mới bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ có thể hấp chín táo nghiền nhuyễn cho bé làm quen. Khi bé lớn hơn, mẹ có thể cho bé ăn táo tươi.
Táo còn có thể được trộn với nhiều thực phẩm khác như bột ăn dặm, chuối, lê, khoai lang, thịt gà, thịt bò,.... để tạo thành những món ăn dặm cho trẻ đẹp mắt và giàu dưỡng chất.
Dưới đây là một số gợi ý cách làm táo cho bé ăn dặm mà mẹ có thể tham khảo:
2.1 Cách làm táo nghiền cho bé ăn dặm
Táo gọt vỏ, bỏ phần lõi ở giữa, cắt thành từ miếng nhỏ vừa, luộc chín mềm trong khoảng 10 phút với 1 lít nước lọc. Sau đó tắt bếp để nguội.
Khi táo nguội, cho vào máy xay hoặc nghiền qua rây để táo được nhuyễn mịn cho bé thưởng thức.
2.2 Táo nghiền với chuối
Nếu bé cảm thấy chán với vị táo quen thuộc mẹ có thể biến tấu thêm với chuối. Táo rửa sạch, gọt vỏ, luộc mềm rồi nghiền nhuyễn. Chuối chín nghiền nhuyễn. Kết hợp 2 loại trái cây lại thành hỗn hợp là hoàn thành. Mẹ có thể thêm nước lọc, sữa chua hoặc phô mai nếu thích.
2.3 Táo với bột ăn dặm
Dùng 1 quả táo rửa sạch, cắt miếng vừa ăn, luộc hoặc hấp cho chín mềm. Tiếp theo xay nhuyễn táo hoặc nghiền qua rây cho mịn. Sau đó, trộn với bột ăn dặm và cho bé ăn.
Nếu muốn thêm sữa công thức, bạn thực hiện các bước làm tương tự như trên. Ở bước cuối cùng mẹ trộn táo vào chén sữa công thức đã được pha sẵn (khoảng 50 -100ml sữa), trộn đều hỗn hợp trên và cho bé ăn dặm.
2.4 Táo, lê và sữa chua
Táo, lê gọt vỏ rửa sạch, đem đi hấp chín rồi xay nhuyễn cùng nhau. Sau đó, mẹ trộn sữa chua (sữa chua dành cho trẻ) vào hỗn hợp táo lê, trộn đều lên rồi cho bé thưởng thức.
2.5 Táo khoai lang
Món cháo này có thể dùng cho những bé từ 6 tháng tuổi. Món cháo cực kỳ đơn giản, mẹ chỉ cần cho khoai lang và táo vào nồi hấp chín, sau đó xay nhuyễn cùng nhau là được.
Nếu muốn đổi vị, mẹ có thể thêm chút sữa công thức hoặc phô mai vào xay cùng.
Xem thêm: Khoai lang: Giá trị dinh dưỡng và tác dụng tuyệt vời xứng danh loại 'củ quốc dân'
2.6 Táo nghiền xoài
Trẻ từ 8 tháng tuổi trở lên có thể ăn dặm với táo nghiền xoài.
Mẹ rửa sạch táo, gọt vỏ và luộc chín. Xoài gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn. Sau đó, cho táo và xoài vào máy xay sinh tố xay mịn, cho ra chén là có thể cho bé thưởng thức.
Lưu ý: Đôi khi xoài có thể gây ra dị ứng nhẹ, do đó, bé có thể bị nổi vài nốt đỏ quanh miệng. Nhưng mẹ không cần quá lo lắng vì chúng sẽ biến mất nhanh chóng sau vài ngày.
2.7 Táo nấu thịt gà
Đây là món ăn dành cho bé trên 8 tháng tuổi.
Táo rửa sạch, gọt vỏ, luộc chín rồi nghiền nát thành hỗn hợp sền sệt như nước sốt. Thịt gà nên chọn phần thịt ở ức, không da, thái nhỏ.
Tiếp theo, cho thịt gà vào nồi nấu chín rồi mang ra xay nhuyễn. Cuối cùng trộn hỗn hợp táo và thịt gà lại với nhau và cho bé thưởng thức.
Nếu trẻ đang bị đau lợi do mọc răng, mẹ có thể cho táo vào ngăn mát tủ lạnh, sau đó cho bé nhấm nháp, những lát táo mỏng có thể giúp xoa dịu lợi đang bị đau của bé.
3. Những lợi ích khi chế biến táo cho bé ăn dặm
3.1 Tăng cường hệ miễn dịch cho bé
Trong quả táo chứa một lượng vitamin C tương đối có khả năng thúc đẩy tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch và bảo vệ cơ trước sự tấn công của các yếu tố bên ngoài như vi khuẩn, virus,...
3.2 Phòng tránh bệnh tiêu chảy và táo bón
Nhờ giàu hàm lượng chất xơ hòa tan và không hòa tan nên sẽ giúp thúc đẩy hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa các vấn đề trong hệ tiêu hóa như viêm ruột thừa và tăng cường chức năng đường ruột. Ngoài ra dùng táo cho bé ăn dặm còn có thể giúp bé đi vệ sinh dễ dàng và đều đặn hơn.
3.3 Giúp bảo vệ thần kinh
Chất oxy hóa trong táo được gọi là quecertin có tác dụng bảo vệ thần kinh. Ngoài ra chất này còn có khả năng đặc biệt là bảo vệ các tế bào não tránh bị hư hại và từ đó ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến não, thần kinh.
3.4 Tốt cho tim mạch
Chất xơ trong táo ngoài hỗ trợ tốt cho đường tiêu hóa mà chất xơ hòa tan pectin còn có chức năng giảm cholesterol xấu trong máu ( LDL) và ngăn ngừa bệnh xơ vữa động mạch.
Như vậy, táo không chỉ là thực phẩm yêu thích của người lớn mà còn phù hợp trong bữa ăn dặm của trẻ nhỏ. Hãy tìm và mua ngay loại trái cây bổ dưỡng này để thêm vào chế độ ăn dặm của con ngay thôi nào!
🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.
Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html
Youtube: youtube.com/c/NhipSongKhoeVOH
Fanpage Facebook: fb.com/MeVaBeVOH/
Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh
Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/mevabevoh