Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Trẻ ngủ mở mắt có sao không?

(VOH) – Nhiều ông bố bà mẹ thường lo lắng, thậm chí là sợ hãi khi thấy trẻ ngủ mở mắt. Vậy thực tế, hiện tượng trẻ ngủ mở mắt có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không?

Khi trẻ chào đời, cha mẹ có rất nhiều vấn đề cần phải lo lắng và một trong số những vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến chính là giấc ngủ của con có đạt chất lượng? Trong quá trình quan sát bé yêu ngủ, nhiều bậc cha mẹ đã giật mình khi thấy bé ngủ mở mắt dù con đã say giấc từ lâu. Nếu bạn cũng đang có những lo lắng về hiện tượng trẻ ngủ mở mắt thì hãy theo dõi ngay những thông tin được chia sẻ bên dưới.

1. Vì sao trẻ sơ sinh ngủ mở mắt?

Thực tế, hiện tượng ngủ mở mắt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một tình trạng khá phổ biến. Không phải là bé ngủ với đôi mắt ở to tròn mà là mắt nhìn gần giống như mở.

Theo các bác sĩ y khoa thì đây là một hiện tượng hoàn toàn vô hại và cũng không phải là bệnh tật gì cả. Tình trạng trẻ ngủ mở mắt thường gặp nhiều nhất là vào độ tuổi từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi.

Mặc dù chưa có một công trình khoa học nào lý giải được nguyên nhân chính xác dẫn đến hiện tượng trẻ ngủ mở mắt, nhưng một số nhà khoa học cho rằng tình trạng thường xảy ra khi bé có một giấc ngủ REM – giấc ngủ mắt chuyển động nhanh. Đây là một giai đoạn rất tốt trong chu kỳ ngủ của bé.

tre-ngu-mo-mat-co-sao-khong-voh

Trẻ ngủ mở mắt thường xảy ra khi bé có một giấc ngủ REM (Nguồn: Internet)

Thông thường, ở trẻ sơ sinh có giấc ngủ REM chiếm đến 50% tổng thời gian ngủ vì hàng ngày bé ngủ khoảng 14  - 16 tiếng, trong đó chỉ có 8 tiếng là giấc ngủ sâu. Thời gian còn lại ngoài việc chuyển động mắt nhanh, bé sẽ ngủ trong trạng thái mắt chưa nhắm hẳn.

Tuy mắt chưa nhắm nhưng điều này không hề liên quan tới chất lượng giấc ngủ của trẻ vì cơ thể bé vẫn được thư giãn và thể chất vẫn tăng trưởng một cách bình thường, khỏe mạnh.

2. Trẻ ngủ mở mắt: Khi nào mẹ cần lo lắng?

Như đã nói, việc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ngủ mở mắt là một hiện tượng hoàn toàn bình thường và khá phổ biến ở nhiều em bé nên các mẹ không cần phải quá lo lắng. Nếu cảm thấy không quen với việc con ngủ mở mắt thì mẹ có thể nhẹ nhàng vuốt mí mắt bé cho đến khi mắt bé khép lại.

Tuy vậy, nếu trong trường hợp mẹ thấy bé ngủ mở mắt trong nhiều giờ liền hoặc thường xuyên như vậy khi bé  đã trên 18 tháng tuổi thì mẹ nên trao đổi cùng bác sĩ. Bởi trong một vài trường hợp, bé có thể bị dị tật bẩm sinh ở phần đuôi mắt khiến mắt không thể nhắm bình thường được.

Ngoài ra, việc trẻ ngủ mở mắt cũng có thể là do di truyền. Nếu trong gia đình, cha hoặc mẹ có thói quen ngủ mở mắt thì nhiều khả năng bé cũng sẽ thừa hưởng điều này từ người lớn.

Lưu ý: Trong số ít trường hợp rất hiếm, thường gặp ở những trẻ lớn hơn khi ngủ mở mắt trong thời gian dài có thể là dấu hiệu tổn thương thần kinh trên khuôn mặt, do khối u hoặc các vấn đề về tuyến giáp. Cha mẹ cần đưa bé để gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám chính xác.

Như vậy, phần lớn trẻ mở mắt khi ngủ là một điều khá phổ biến và thường không đem đến bất kỳ một biến chứng nào. Vì thế các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng, nếu cảm thấy không an tâm về thói quen ngủ của bé, hãy đến gặp bác sĩ để được tìm hiểu kỹ hơn.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái