Ngày 20/2, nghị sĩ Marius Nilsen, đại biểu Quốc hội Na Uy và là thành viên đảng Tiến bộ theo chủ nghĩa tự do của nước này lập luận rằng tỷ phú Mỹ Elon Musk xứng đáng với giải Nobel Hòa bình năm 2024 vì đã "kiên quyết bảo vệ quyền đối thoại, tự do ngôn luận và cho phép mọi người bày tỏ quan điểm một cách liên tục trong một thế giới đang ngày càng phân cực", đề cập đến việc ông Musk mua lại mạng xã hội Twitter và đổi tên thành X.
Ông Nilsen cũng ca ngợi Musk vì cung cấp dịch vụ Internet vệ sinh Starlink cho quân đội Ukraine sau khi nổ ra chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này vào 2 năm trước.
"Nhiều công ty công nghệ do ông Musk thành lập, sở hữu hay điều hành đều nhằm mục đích cải thiện xã hội, nâng cao hiểu biết cả về Trái đất lẫn không gian, cho phép liên lạc và kết nối toàn cầu, từ đó giúp biến thế giới thành nơi kết nối và an toàn hơn", nghị sĩ Na Uy nói.
Sau thương vụ mua lại mạng xã hội Twitter và đổi tên thành X, Elon Musk đã gỡ lệnh cấm nhiều tài khoản, trong đó có tài khoản cá nhân của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - nhân vật bị Twitter "cấm cửa" sau vụ bạo loạn Đồi Capitol hồi tháng 1/2021.

Giải Nobel Hòa bình được quyết định bởi Ủy ban Nobel gồm 5 thành viên do Quốc hội Na Uy lựa chọn. Các ứng viên sẽ do các quan chức Chính phủ hoặc các học giả, giáo sư đại học, nhà khoa học, những người từng đoạt giải Nobel... đề cử. Thời gian đề cử sẽ kéo dài đến tháng 3 và người chiến thắng được công bố vào tháng 10 cùng năm.
Theo di chúc của nhà sáng lập Alfred Nobel, giải Nobel Hòa bình sẽ được trao cho cá nhân, tổ chức "có đóng góp to lớn để thúc đẩy sự đoàn kết giữa các quốc gia, cắt giảm hoặc giải trừ lực lượng vũ trang thường trực, tổ chức và xúc tiến các hội nghị hòa bình".
Nhiều nhân vật quen thuộc đã được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm nay như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Giáo hoàng Francis, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.