Chờ...

Hạt dẻ có tác dụng chống lão hóa và mạnh gân cốt

VOH - 5 nhóm người nên chú ý ăn hạt dẻ, vì ăn quá mức có thể gây gánh nặng cho tim.

Hạt dẻ có nhiều vào mùa thu được mệnh danh là “vua của các loại trái cây khô”, không chỉ có vị ngọt đậm đà mà có thành phần dinh dưỡng rất phong phú, lại chứa nhiều loại hoạt chất có lợi đối với sức khỏe con người, nên được rất nhiều người yêu thích.

Tuy nhiên, có 5 nhóm người nên thận trọng khi ăn hạt dẻ, vì ăn quá nhiều có thể gây ra các vấn đề như tăng lượng đường trong máu và gánh nặng cho tim.

hat-de
Theo y học cổ truyền, hạt dẻ có công dụng bổ thận, củng cố cơ xương, mạnh gân cốt, tăng cường lá lách và dạ dày - Ảnh: TVBS

Hạt dẻ có giá trị dinh dưỡng cao và chứa nhiều loại hoạt chất

Ngô Uyển Văn, thầy thuốc đông y giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, hạt dẻ cũng rất giàu phức hợp vitamin nhóm B, vitamin C, kali, kẽm và các chất dinh dưỡng khác.

Trong số đó, phức hợp vitamin nhóm B giúp trao đổi chất và duy trì sức khỏe hệ thần kinh; vitamin C có thể tăng cường khả năng miễn dịch và chống oxy hóa; kali có thể giúp duy trì chức năng tim và cân bằng huyết áp; kẽm thúc đẩy chức năng miễn dịch, hỗ trợ chữa lành vết thương và hỗ trợ tăng trưởng và phát triển; chất xơ có thể thúc đẩy nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.

Ngoài ra, nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, hạt dẻ có hoạt tính kháng khuẩn, chống viêm, chống đông máu và tăng cường hoạt tính sinh học của bạch cầu. Các axit béo không bão hòa, nguyên tố vi lượng và nhiều loại hoạt chất khác mà chúng có thể ngăn ngừa và điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch vành, xơ cứng động mạch, loãng xương và các bệnh khác… cho nên hạt dẻ được mệnh danh là “vua của các loại trái cây khô”, nó là loại trái cây khô quý giá có tác dụng chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ.

Hạt dẻ có thể bổ thận, mạnh gân cốt, kiện tỳ, dưỡng vị

Thầy thuốc Ngô Uyển Văn cho biết, theo y học cổ truyền, hạt dẻ có tính chất ngọt và ấm. Các thầy thuốc liệt chúng vào loại thực phẩm cao cấp và có tác dụng chữa chứng suy nhược cơ thể, ích khí, bảo vệ dạ dày…

Ngoài ra, hạt dẻ có thể làm ấm và bổ thận khí, mạnh gân cốt, đặc biệt đối với người già hoặc những người bị suy thận, nó có thể giúp cải thiện các triệu chứng đau nhức, suy nhược ở thắt lưng và đầu gối cũng như yếu chân tay. Ăn hạt dẻ vừa phải có thể cải thiện sức khỏe của lá lách và dạ dày và cải thiện chức năng tiêu hóa ở bệnh nhân tiêu chảy mãn tính.

5 nhóm người không nên ăn quá nhiều hạt dẻ

Thầy thuốc Ngô Uyển Văn khuyến cáo 5 nhóm người sau đây nên thận trọng khi ăn hạt dẻ. Mọi người cũng nên ăn hạt dẻ với lượng thích hợp tùy theo vóc dáng và tình trạng sức khỏe cá nhân của mình có thể giúp bổ sung năng lượng, giảm mệt mỏi, tăng cường sức đề kháng.

1. Người giảm cân

Hạt dẻ chứa lượng carbohydrate và calo khá cao. Những người béo phì hoặc người muốn giảm cân nên kiểm soát chặt chẽ lượng ăn vào để tránh lượng calo dư thừa do ăn quá nhiều. Mọi người có thể thay thế cơm trắng bằng hạt dẻ. Một chén cơm trắng tương đương với khoảng 10 đến 12 hạt dẻ. Nếu ăn hạt dẻ, giúp giảm lượng tinh bột trong bữa ăn, để tránh nạp vào cơ thể quá nhiều calo, hỗ trợ giảm cân.

2. Người tiểu đường

Hạt dẻ chủ yếu là carbohydrate nên người bệnh tiểu đường nên chú ý đến lương hạt dẻ ăn vào để tránh tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, hạt dẻ giàu chất xơ và là thực phẩm có chỉ số GI trung bình. Sau khi ăn hạt dẻ, lượng đường trong máu tăng với tốc độ thấp hơn khi ăn cơm trắng. Nếu ăn hạt dẻ một cách thận trọng để thay thế tinh bột tinh chế trong chế độ ăn uống thì đó là một lựa chọn ăn kiêng tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

3. Người khó tiêu

Hạt dẻ rất giàu chất xơ, mặc dù có thể thúc đẩy nhu động ruột, nhưng cấu trúc chất xơ tương đối dai, nếu ăn quá nhiều cùng một lúc hoặc nhai không kỹ có thể dễ gây khó tiêu, đầy hơi hoặc đau bụng. Đặc biệt là những người lớn tuổi có chức năng tỳ vị yếu hoặc những người có vấn đề về đường tiêu hóa nên ăn hạt dẻ vừa phải, nhớ nhai chậm và nhai kỹ.

4. Người thể nhiệt

Hạt dẻ có tính ấm, tính nóng, dễ sinh nội nhiệt. Ăn quá nhiều hạt dẻ có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng nội nhiệt như khô miệng, đau họng, táo bón… Người thể nhiệt nên ăn hạt dẻ vừa phải để tránh bị nóng trong người.

5. Người bệnh thận

Hạt dẻ có hàm lượng kali tương đối cao đối, đối với những bệnh nhân suy giảm chức năng thận, đặc biệt là những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối hoặc những người đang chạy thận nhân tạo, do khả năng bài tiết ion kali của thận giảm nên việc hấp thụ quá nhiều kali dễ dẫn đến chứng tăng kali máu và gây gánh nặng cho tim. Những người có lượng kali trong máu cao nên tránh ăn các thực phẩm có hàm lượng kali cao chẳng hạn như hạt dẻ là một trong những số đó.