Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải đáp thắc mắc: Bà bầu ăn bơ có tốt không?

(VOH) – Bơ đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn nghi ngại và thắc mắc vì liệu cho bà bầu ăn bơ có tốt không?

Quả bơ là loại trái cây phổ biến mang đến nhiều lợi ích như giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol xấu, tốt cho thị lực... Tuy nhiên, nói về tác dụng của bơ đối với bà bầu thì không phải mẹ nào cũng hiểu.

1. Bà bầu ăn bơ có tốt không?

Khi mang thai, bạn luôn tìm kiếm những thực phẩm giàu dinh dưỡng để bổ sung cho cơ thể. May mắn thay trong hàng triệu thực phẩm, bơ là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời dành cho phụ nữ mang thai.

giai-dap-thac-mac-ba-bau-an-bo-co-tot-khong-voh-0
Bơ là loại trái cây rất tốt cho mẹ bầu (Nguồn: Internet)

Theo các nghiên cứu, bơ chứa hơn 14 loại vitamin và khoáng chất, bao gồm folate, canxi, sắt, đồng, magie, photpho, kali, kẽm, natri, selen... Bơ cũng giàu chất chống oxy hóa mang đến nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe.

Do đó, bơ là thực phẩm an toàn mà bạn hoàn toàn có thể an tâm khi thêm vào chế độ dinh dưỡng khi mang thai.

2. Bà bầu ăn bơ nhận được các lợi ích gì?

Bơ có thể mang lại lợi ích sức khỏe theo nhiều cách khác nhau, khiến chúng trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho thai kỳ. Dưới đây là những lợi ích sức khỏe bạn và thai nhi sẽ nhận được trong suốt thai kỳ của mình:

2.1 Giảm nguy cơ tiểu đường và tiền sản giật

Chất xơ là một trong những chất quan trọng trong suốt 9 tháng thai kỳ. Đây là chất cần thiết để thúc đẩy nhu động ruột khỏe mạnh. Việc bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn uống của mẹ bầu có thể giúp giảm nguy cơ mắc chứng táo bón, tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật.

Theo khuyến nghị, mỗi ngày mẹ bầu cần cung cấp tối thiểu 28gr chất xơ. Tuy nhiên, mẹ bầu chỉ cần ăn nửa quả bơ (100gr) là có thể cung cấp gần 7gr chất xơ, khoảng 25% khuyến nghị hàng ngày.

2.2 Là nguồn chất béo hoàn hảo

Trong bơ chứa nhiều chất béo lành mạnh, cụ thể là chất béo không bão hòa đơn. Loại chất béo này có thể giúp mẹ bầu có được hàm lượng calo cần thiết. Chất béo bão hòa cũng giúp phát triển cấu trúc màng tế bào thai nhi. Khi thai nhi hình thành và phát triển, hàng triệu tế bào mới cần được tạo ra bao gồm các màng làm từ chất béo.

Ngoài ra, chất béo trong quả bơ còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, điều chỉnh lượng đường trong máu và giúp giữa cho mẹ bầu có cảm giác no lâu giữa các bữa ăn.

Đặc biệt, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo không bão hòa như quả bơ trong thời kỳ mang thai sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, cũng như làm dịu chứng mất ngủ khi mang thai.

Xem thêm: ‘Bỏ túi’ 3 cách trị chứng mất ngủ ở bà bầu siêu đơn giản

2.3 Giàu chất chống oxy hóa

Cơ thể cần các chất chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể, chống lại các tổn thương tế bào và có thể giúp tăng cường sức khỏe.

Bơ giàu chất carotenoid lutein – một chất có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, quan trọng cho sự phát triển của mắt và chức năng não ở thai nhi. Ngoài chất lutein, trong bơ còn chứa nhiều chất chống oxy hóa khác như zeathanthin, beta carotene, vitamin C...

2.4 Duy trì huyết áp khỏe mạnh

giai-dap-thac-mac-ba-bau-an-bo-co-tot-khong-voh-1
Bà bầu ăn bơ giúp duy trì huyết áp ổn định (Nguồn: Internet)

Bơ giàu magie và kali cùng những chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong việc điều hòa huyết áp, từ đó giúp mẹ bầu tránh được chứng tăng huyết áp thai kỳ.

2.5 Giảm chứng chuột rút

Bà bầu rất dễ bị chuột rút khi mang thai. Tuy nhiên, nếu bà bầu ăn bơ thường xuyên sẽ giúp cải thiện tình trạng này. Trong bơ có chứa kali nên sẽ giúp làm giảm bớt chứng chuột rút thường gặp trong thai kỳ.

2.6 Cung cấp lượng carbohydrate

Cơ thể mỗi ngày đều cần được cung cấp một lượng carbs đủ để các cơ có thể hoạt động tốt. Và quả bơ có lượng carbohydrate vừa đủ để giúp các cơ trong cơ thể hoạt động trơn tru.

2.7 Duy trì lượng lipid và lượng đường trong máu

Giữ được lượng đường và chất béo trong máu ổn định sẽ giúp mẹ bầu có được một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Ăn bơ là một trong những cách có thể giúp mẹ bầu điều chỉnh lượng đường trong máu, từ đó giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ.

2.8 Tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng

Bà bầu ăn bơ không chỉ giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể mà nó còn giúp mẹ bầu hấp thu các chất dinh dưỡng từ những nguồn khác. Một nghiên cứu đã chỉ ra, bơ có thể giúp cải thiện sự hấp thu carotenoid của cơ thể.

Bơ chứa nhiều folate, phốt pho, canxi, magie, sắt và niacin rất có lợi cho các chị em trong thời kỳ mang thai. Đặc biệt, hàm lượng choline trong bơ giúp phát triển trí não và sự phát triển hệ thần kinh khỏe mạnh ở thai nhi.

Xem thêm: 9 thực phẩm tốt cho trí não thai nhi ngay từ trong bụng mẹ

3. Bà bầu ăn bơ bao nhiêu là đủ?

Bất cứ loại quả nào khi ăn nhiều cũng sẽ mang lại những tác dụng không tốt, với bơ cũng vậy. Do đó, mẹ bầu chỉ cần ăn từ ½ đến 1 quả bơ mỗi ngày là có thể cung cấp cho cơ thể một vài nhóm chất dinh dưỡng, khoáng chất và chất béo nhất định.

Có thể ăn thêm các loại trái cây khác để cân bằng dinh dưỡng cũng như tránh được những tác dụng phụ không mong muốn từ quả bơ.

Ngoài ra, nếu mẹ bầu bị thừa cân khi mang thai và phải kiểm soát cân nặng hoặc bị dị ứng với latex thì mẹ nên hạn chế ăn bơ vì chúng có thể khiến tình trạng bệnh càng thêm trầm trọng.

4. Thời điểm tốt nhất để bà bầu ăn bơ

Để giúp giữ được mức cân nặng ổn định và không bị tăng cân quá mức khi mang thai, bà bầu cần phải biết ăn bơ đúng cách, đúng thời điểm.

Đầu tiên, khi đã quyết định thêm bơ vào chế độ ăn hàng ngày các mẹ cần phải cắt giảm lượng calo ở các món ăn khác vì hàm lượng calo trong bơ khá cao. Nếu bà bầu ăn bơ vào buổi tối thường xuyên có thể làm cho lượng calo được nạp vào cơ thể quá nhiều, dễ gây tăng cân.

Nguyên tắc khi ăn các loại trái cây nói chung và với quả bơ nói riêng là nên ăn trực tiếp, không qua chế biến nhằm giúp giữ lại được tất cả các vi chất dinh dưỡng.

giai-dap-thac-mac-ba-bau-an-bo-co-tot-khong-voh-2
Nên ăn bơ trực tiếp để nhận được giá trị dinh dưỡng tuyệt đối (Nguồn: Internet)

Thời điểm ăn bơ tốt nhất là nên ăn trước bữa ăn từ 1 – 2 tiếng. Nếu không muốn tích tụ chất béo trong cơ thể các mẹ có thể ăn bơ vào buổi sáng. Với những mẹ bầu đang muốn tăng cân nhanh thì có thể ăn bơ sau bữa ăn 1 - 2 tiếng và ăn vào buổi trưa hoặc chiều. Đây là thời điểm tốt nhất để hấp thụ vitamin tuy nhiên, mẹ bầu cũng có thể ăn bơ vào bất cứ thời điểm nào trong ngày chỉ cần không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đừng ăn nhiều là được.

Ngoài ra, cần lưu ý mẹ bầu là bơ có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả khi mẹ đang uống một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc làm loãng máu... Vì thế, nếu mẹ đang có sử dụng thuốc trong thời gian mang thai thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn bơ.

5. Lên ý tưởng thêm bơ vào chế độ ăn uống của mẹ bầu

Bơ có hương vị nhẹ nhàng và kết cấu khá mềm, do đó, mẹ bầu có thể ăn bơ như một món ăn vặt trong lúc buồn miệng hoặc kết hợp bơ với các món ăn ngọt và mặn, chẳng hạn như:

  • Sinh tố bơ mix với các loại trái cây
  • Trứng nướng bơ
  • Salad bơ
  • Bánh mì nướng bơ

Xem thêm: Gợi ý bạn 9 món ngon từ bơ, chỉ cần nhìn là thèm!

6. Mẹo chọn bơ ngon cùng những lưu ý khi ăn

Mẹ bầu có thể mua bơ ở bất kỳ nơi đâu, tại siêu thị hay tại chợ... Tuy nhiên, để chọn được những quả bơ ngon, chất lượng thì bạn cần phải có kỹ năng. Một số mẹo nhỏ giúp bạn chọn bơ ngon:

  • Khi mua bơ mẹ hãy nhìn phần cuống của quả bơ, nếu phần cuống to thì chứng tỏ là bơ còn non.
  • Mẹ bóp nhẹ hoặc bấm vào phần cuống, nếu thấy nó hơi mềm thì chọn dù phần kia chưa mềm, vì bơ sẽ chín dần về phía đuôi. Không nên mua bơ mềm hoàn toàn vì dễ bị hư bên trong.
  • Những quả bơ dáng tròn thường có hạt to, tuy nhiên chúng sẽ ít có xơ hơn.
  • Bơ chín ngon sẽ có phần vỏ căng bóng nhưng vẫn sần sùi, cầm chắc tay.
  • Bơ chín để lâu trong tủ lạnh sẽ bị giảm hương vị, vì thế mẹ bầu chỉ nên mua bơ ăn trong ngày. Nếu bơ chưa chín thì không nên để vào tủ lạnh.

Về cơ bản, bà bầu ăn bơ chỉ có lợi, bơ chứa đầy chất béo lành mạnh đã được chứng minh có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của mẹ và những dưỡng chất trong bơ có thể chuyển thành nhiều thứ tốt cho thai nhi. Do đó, mẹ không cần phải băn khoăn khi cho bơ vào thực đơn ăn uống của mình trong suốt thai kỳ nữa, mẹ nhé!

Bình luận