Nhận biết nguyên nhân và cách đề phòng những cơn đau tim

VOH - Đau tim là tình trạng đau đột ngột ở vùng ngực trái. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp cần can thiệp nhanh chóng để tăng cơ hội sống và giảm tổn thương tim.

Triệu chứng trên thường không kéo dài nhưng có thể tái phát nhiều lần cảnh báo nguy cơ tim có thể bị tổn thương hoặc cơ quan nào đó gặp bất thường. Dưới đây là nguyên nhân và cách đề phòng những cơn đau tim.

Ảnh minh họa – 21-02-2025

Ảnh minh họa: Internet

Những nguyên nhân của cơn đau tim

Bệnh mạch vành

Các mảng xơ vữa làm thành động mạch hẹp dần, khả năng cung cấp máu và oxy đến cơ tim giảm. Và khi lòng động mạch bị hẹp đến một mức độ nào đó cơ tim sẽ bị thiếu máu và oxy gây nên cơn đau thắt ngực.

Nếu bệnh mạch vành không được kiểm soát, tình trạng tắc nghẽn ngày càng xấu đi, một vài động mạch vành có thể bị tắc hoàn toàn và gây ra cơn đau tim.

Những người hút thuốc lá, bị tiểu đường, huyết áp cao, thừa cân béo phì, cholesterol cao... thường có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành.

Chất béo bão hòa

Chất béo bão hòa cũng có thể góp phần hình thành mảng bám trong động mạch vành. Chất béo bão hòa được tìm thấy hầu hết trong thịt và các sản phẩm từ sữa, bao gồm thịt bò, bơ và pho mát.

Những chất béo trên có thể dẫn đến tắc nghẽn động mạch bằng cách tăng lượng cholesterol xấu LDL trong máu của bạn và giảm lượng cholesterol tốt HDL.

Huyết áp cao

Nguy cơ bị đau tim cao hơn ở người bị cao huyết áp. Huyết áp bình thường là dưới 120/80 mm Hg (milimét thủy ngân) tùy thuộc vào độ tuổi của bạn.

Khi chỉ số tăng lên, nguy cơ phát triển các vấn đề về tim mạch cũng tăng theo. Huyết áp cao làm hỏng động mạch và làm tăng nhanh sự tích tụ của mảng bám.

Bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu cao

Bệnh tiểu đường là một tình trạng làm cho lượng đường trong máu, hoặc glucose, tăng lên. Lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu và cuối cùng dẫn đến bệnh mạch vành.

Lạm dụng thuốc

Các chất kích thích như cocain, amphetamine và methamphetamine có thể làm thu hẹp động mạch vành, hạn chế cung cấp máu cho cơ tim và kích hoạt các cơn đau tim.

Các cơn đau tim do sử dụng cocain là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong đột ngột ở người trẻ tuổi.

Tiền sử gia đình

Bạn có nhiều khả năng bị đau tim hơn nếu bạn có người thân mắc bệnh tim sớm. Nguy cơ của bạn đặc biệt cao nếu gia đình bạn có các thành viên nam mắc bệnh tim trước 55 tuổi hoặc nếu gia đình bạn có các thành viên nữ phát triển bệnh tim trước 65 tuổi.

Cách đề phòng những cơn đau tim

Thường xuyên vận động

Tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tim, gồm: đường máu, cholesterol, huyết áp và trọng lượng cơ thể.

Một số bài tập thể dục nhịp điệu mang đến lợi ích cho sức khỏe và cũng giữ cho cơ tim khỏe mạnh. Đặt mục tiêu tập luyện vừa phải trong 30 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

Ngoài ra, các bài tập đi bộ nhanh, đạp xe hoặc bơi lội cũng có lợi cho tim mạch. Nếu chưa quen với việc tập luyện, hãy chia thành các bài tập nhỏ trong 10 phút, vừa đủ để đổ mồ hôi.

Tránh căng thẳng

Sức khỏe tinh thần và tim mạch có mối liên hệ với nhau. Ban đầu, căng thẳng gây ra chứng viêm khắp cơ thể và dần dần có thể dẫn đến bệnh tim.

Cảm giác khó chịu, liên tục bị stress tại nơi làm việc, làm việc kéo dài… có thể làm tăng nguy cơ đau tim của một người.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim như cholesterol, huyết áp cao, viêm nhiễm... đều bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống. Tránh thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cao, muối và đường.

Thường xuyên ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ, khoáng chất, vitamin, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh có thể tăng cường sức khỏe tim mạch.

Ăn uống hợp lý, lựa chọn thông minh khi mua thức ăn bên ngoài. Cố gắng giảm thức ăn nhanh chứa nhiều muối hoặc đồ chiên. Cố gắng nấu ăn tại nhà đơn giản với ít muối hoặc đường hơn. Uống rất ít rượu và bỏ thuốc lá.

Duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ

Duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ để kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây ra đau tim. Theo đó, bác sĩ sẽ theo dõi huyết áp, mức cholesterol “tốt” và “xấu”, đường huyết và kiểm tra hàm lượng chất béo. Chất béo tăng cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ tim mạch.

Bình luận