Bí đao hay còn biết đến là bí xanh, giòn giòn, ngọt thanh và chứa hàm lượng nước tương đối lớn (chiếm hơn 90% tổng thành phần). Ngoài ra loại bí này còn cung cấp chất xơ, khoáng chất cùng đa dạng nhóm vitamin cần thiết như vitamin C, vitamin B2, vitamin B1.
Chính vì thế sử dụng bí đao làm thành phần của các món ăn không chỉ góp phần đem lại hương vị hấp dẫn mà còn bổ sung nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe đấy.
1. Mứt bí đao
Bí đao sên thơm, giòn dẻo với đường, bùi bùi và ngọt đậm đà, nhâm nhi rất hấp dẫn!
1.1 Nguyên liệu
- Bí đao: 1 – 2kg (khoảng 3 – 4 trái)
- Đường cát trắng: 600 – 800g
- Nước vo gạo
- Vôi tôi khử trùng (nếu có): 20g
1.2 Cách làm mứt bí đao
- Gọt bỏ vỏ bí, lọc bỏ ruột, sau đó cắt bì thành các miếng con chì dài khoảng 5 – 6cm. Sau đó đêm rửa sạch và ngâm với nước vo gạo trong vòng 8 tiếng. Trường hợp có vôi tôi thì bạn hãy hòa vôi tôi với khoảng 1 lít nước, khuấy tan đều rồi ngâm bí đao.
- Sau khi ngâm bí với nước vo gạo hoặc nước vôi, vớt ra rửa lại bằng nước sạch, rồi đem sấy hoặc phơi nắng khoảng 20 phút để khi sên bí không chảy nước, nhũn mềm.
- Ướp bí đao với đường trong khoảng 4 tiếng để ngấm vị.
- Tiến hành sên bí với lửa nhỏ, liên tục đảo đều để bí không dính lại. Đảo mứt trong khoảng 1 – 2 tiếng tới khi đường kết dính, bám đều trên bí thì tắt bếp, để nguội tới khi bí khô hoàn toàn thì cất trong lọ thủy tinh và bảo quản ở tủ lạnh.
2. Nộm bí đao (Gỏi bí đao)
Thay vì sử dụng dưa chuột (dưa leo) hay su hào, bạn có thể dùng bí đao trộn với chút đậu phộng và cà rốt để làm nộm thanh mát, ăn kèm với các món ăn ngán ngấy.
2.1 Nguyên liệu
- Bí đao: 200g
- Cà rốt: 1 củ
- Đậu phộng: 80 – 100g
- Gia vị: giấm ăn (hoặc nước cốt chanh), đường cát trắng, hạt tiêu, hạt nêm, muối
- Ngò rí (rau thơm)
2.2 Cách làm nộm bí đao
- Gọt vỏ bí đao, sau đó dùng dao nạo (bào) bí thành sợi nhỏ.
- Cà rốt gọt vỏ và cũng bào thành sợi nhỏ.
- Trộn đều bí và cà rốt, thêm chút muối, vắt bớt nước để giảm bớt vị hăng. Tiếp đến rửa sạch bằng nước lọc và vắt nước.
- Bóc vỏ đậu phộng và đập dập, nhuyễn nhỏ.
- Hòa giấm, đường cát trắng cùng chút hạt nêm, sau đó rưới lên hỗn hợp bí và cà rốt. Rắc đậu phộng cùng hạt tiêu, ngò rí lên là có thể thưởng thức.
Xem thêm: Rau mùi - 8 lợi ích thú vị và những đối tượng cần hạn chế dùng
3. Bí đao xào tỏi
Bí đao giòn giòn, xào với tỏi phi thơm vừa dễ thực hiện mà hương vị lại “đưa cơm”, cả nhà ai cũng thích!
3.1 Nguyên liệu
- Bí đao: 500g
- Tỏi
- Hành lá
- Hành tím
- Gia vị: hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu
3.2 Cách làm bí đao xào tỏi
- Gọt vỏ bí đao, lọc bỏ phần ruột, rửa sạch rồi cắt thành sợi dài khoảng 5cm (không nên quá mỏng để tránh bị nát khi xào).
- Phi thơm hành tím, tỏi băm nhỏ, sau đó cho bí vào đảo lửa lớn, nêm nếm gia vị vừa ăn, trước khi tắt bếp thêm hành lá cắt nhỏ cùng chút tiêu vào.
Xem thêm: Tỏi ‘xứng danh’ gia vị tuyệt hảo, vị thuốc tuyệt vời nhờ 12 công dụng cực tốt cho sức khỏe
4. Canh bí đao thịt gà
Tuy là món canh hầm đơn giản song canh bí đao thịt gà vốn được biết đến như một bài thuốc bồi bổ cơ thể cực kì nổi tiếng. Theo đó, thịt gà ngọt mềm kết hợp cùng bí đao ngọt thanh, giúp thanh nhiệt giải độc và củng cố xương khớp chắc khỏe.
Xem thêm: Nếu mắc những bệnh lý này, đừng bỏ qua món canh bí đao thịt gà
5. Bí đao nhồi thịt
Nếu đã từng thử khổ qua nhồi thịt hay ớt chuông nhồi thịt, nay hãy “đổi gió” với bí đao nhồi thịt kho tương xem sao nhé, đậm vị, ngầy ngậy mà không hề ngán.
5.1 Nguyên liệu
- Bí đao: 500g
- Thịt heo: 250 – 300g
- Hành lá
- Hành tím
- Gia vị: nước tương, hạt nêm, hạt tiêu
5.2 Cách làm bí đao nhồi thịt
- Gọt vỏ bí đao, cắt thành từng khoanh nhỏ dày khoảng 3 – 4cm, lọc bỏ ruột.
- Rửa sạch thịt heo với nước muối loãng, sau đó băm nhỏ hoặc xay nhuyễn, rồi ướp với chút hạt nêm và hạt tiêu.
- Nhồi phần thịt heo vào giữa khoanh bí.
- Phi thơm hành tím, sau đó cho bí nhồi thịt vào, chiên chín đều 2 mặt thì thêm nước tương vào, thêm chút nước nếu cần.
- Kho với lửa nhỏ trong khoảng 25 – 30 phút, tránh kho quá lâu vì bí dễ bị nát. Trước khi tắt bếp, cắt nhỏ hành lá và rắc đều lên.
Xem thêm: 9 tác dụng ít ai biết của hành lá – loại gia vị quen thuộc với mọi nhà
6. Trứng chiên bí đao
Trứng chiên bí đao nghe có vẻ “là lạ” nhưng hương vị thì độc đáo và ngon “miễn bàn” đấy nhé.
6.1 Nguyên liệu
- Bí đao: 200 – 300g
- Trứng: 3 – 4 trái (tùy nhu cầu)
- Ớt chuông đỏ: 1 trái
- Hành tím
- Gia vị: hạt nêm, hạt tiêu
6.2 Cách làm trứng chiên bí đao
- Gọt vỏ bí đao, sau đó bào hoặc cắt thành các sợi mỏng. Sau đó trộn bí với một chút muối, vắt bớt nước.
- Ớt chuông ngâm rửa sạch với nước muối loãng, rồi cắt thành miếng tròn mỏng.
- Đập trứng ra tô, thêm chút hạt nêm và hạt tiêu rồi đánh đều.
- Phi thơm hành tím rồi cho bí vào xào trước, khi bí săn chín lại thì đổ trứng vào, đậy nắp chảo và đun lửa nhỏ khoảng 5 phút. Tiếp đến xếp ớt chuông lên, chiên tới khi trứng chín hẳn thì tắt bếp.
Xem thêm: 9 tác dụng của trứng gà sẽ làm bạn ngạc nhiên - Ăn bao nhiêu trứng mỗi ngày là đủ?
7. Cua om bí đao
Để chế biến món cua om bí đao (cua hầm bí đao), bạn nên lựa mua cua biển cùng những trái bí đao chín vừa đủ độ, không quá non để tránh bị chua. Món ăn hòa quyện vị ngọt tự nhiên của cua và bí mà không cần thêm nhiều nguyên liệu cầu kì.
7.1 Nguyên liệu
- Bí đao: 500 – 700g
- Cua biển: 1 – 2 con (tùy nhu cầu)
- Hành tím
- Hành lá
- Ngò rí
- Nước lọc: 800ml
- Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu
7.2 Cách làm cua om bí đao
- Gọt vỏ bí đao, cắt thành khoanh tròn hoặc theo miếng tùy thích (chú ý không nên cất miếng quá dày). Chú ý lọc bỏ ruột để giảm bớt vị chua.
- Làm sạch cua biển bằng rượu trắng để khử mùi tanh. Cắt cua theo chiều ngang, bỏ phần yếm cua.
- Phi thơm hành tiếp, cho cua vào đảo trước, sau đó cho nước vào đun. Thêm hạt nêm và chút tiêu vào. Đun lửa nhỏ trong khoảng 30 phút, khi sôi thì cho bí vào, nêm lại vị, đun thêm chừng 10 – 15 phút để bí chín mềm là có thể tắt bếp.
- Trước khi dùng nên rắc hành lá cắt nhỏ lên để món trông hấp dẫn và thơm ngon hơn.
Nếu chưa biết “lên món” gì cho thực đơn hôm nay thì đừng quên “bỏ túi” 7 món ăn ngọt thơm, bổ dưỡng từ bí đao trên đây nhé, vừa giúp cả nhà ăn ngon miệng hơn vừa hỗ trợ cải thiện sức khỏe.