1. Hạt sen là gì ?
Hạt sen là hạt của loại thực vật thuộc chi Sen (Nelumbo), nằm trong đài sen. Sau khi hoa tàn, đài sen được thu hoạch về để lấy hạt.
Hạt sen là một nguyên liệu thường được sử dụng để chế biến nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng như các loại chè thanh nhiệt, canh gà hầm sen, đồ ăn vặt... Ngoài ra, hạt sen còn được dùng để làm giảm triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe.
2. Ăn hạt sen có tác dụng gì trong Đông y?
Theo Đông y, hạt sen được gọi là liên nhục, liên tử, có vị ngọt, chát, tính bình. Hạt sen có tác dụng dưỡng tâm an thần, ích thận, bổ tỳ, sáp tràng, an thai, lợi thủy. Loại hạt này còn được dùng cho các trường hợp di tinh đái hạ, tỳ hư tiết tả (tiêu chảy), tiêu chảy lỏng, lỵ dài ngày, hồi hộp mất ngủ, cơ thể suy nhược.
Hạt sen không có nhiều tác dụng chữa mất ngủ, tâm sen (phần búp nằm trong hạt sen) mới là thành phần có tác dụng chữa mất ngủ.
Đông y thường dùng kết hợp hạt sen và tâm sen để giúp kích thích tiêu hóa, kiện tỳ và chữa chứng mất ngủ, suy nhược thần kinh.
Ngoài việc dùng riêng lẻ hạt sen để đun nước uống hàng ngày, bạn cũng có thể phối hợp hạt sen với các vị thuốc khác như cam thảo, hoàn tùy... để bồi dưỡng cơ thể.
3. Tác dụng của hạt sen theo Tây y
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều tác dụng của việc ăn hạt sen. Dưới đây là một công dụng của hạt sen:
3.1 Tốt cho phụ nữ mang thai
Ăn hạt sen rất tốt cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, vì hạt sen giàu folate – một chất dinh dưỡng quan trọng giúp tổng hợp DNA và phân chia tế bào để thai nhi phát triển trí não, ngăn ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi.
Xem thêm: 8 lợi ích tuyệt vời mà bà bầu sẽ nhận được khi ăn hạt sen trong thai kỳ
3.2 Tăng cường tiêu hóa
Hạt sen giàu hàm lượng chất xơ giúp giữ cho đường tiêu hóa hoạt động tốt. Ăn hạt sen có thể giúp điều chỉnh sự thèm ăn, kiểm soát cảm giác thèm ăn. Hạt sen cũng có tác dụng giải độc thận và gan, loại bỏ những chất độc hại có trong cơ thể, từ đó giúp duy trì sức khỏe đường ruột.
3.3 Kiểm soát lượng đường trong máu
Hạt sen chỉ số đường huyết thấp, nhưng chúng lại có lượng carbs hợp lý, chính vì thế một trong các tác dụng của hạt sen là giúp hạn chế lượng đường trong máu tăng đột biến. Ngoài ra, hạt sen cũng có thể giúp duy trì hàm lượng glucose trong máu ở mức bình thường.
Vì thế, những người bị bệnh tiểu đường có thể tiêu thụ hạt sen sấy khô hoặc rang như một bữa ăn nhẹ buổi tối.
3.4 Chống lão hóa
Hạt sen có tác dụng ngăn chặn quá trình lão hóa da nhờ có chứa enzym L-isoaspartyl methyltransferase. Đây là enzym giúp hỗ trợ sửa chữa và duy trì các protein bị hư hỏng, tăng cường tổng hợp collagen trong cơ thể.
3.5 Tốt cho sức khỏe tim mạch
Hạt sen giàu magie và folate (vitamin B9) nên có tác dụng cải thiện máu, oxy và dòng chảy của các chất dinh dưỡng khác. Đồng thời, thành phần dinh dưỡng của magie và folate còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành và các bệnh liên quan đến tim mạch khác.
3.6 Không chứa Gluten
Giống như các loại hạt khác, hạt sen không chứa gluten (một loại protein không tốt với người mắc bệnh celiac hay nhạy cảm gluten) nên có thể được thêm vào chế độ ăn kiêng không dung nạp gluten một cách an toàn.
3.7 Nguồn cung cấp protein tuyệt vời
Những người ăn chay thường dựa vào các thực phẩm giàu protein từ thực vật để cung cấp hàm lượng protein cho cơ thể và hạt sen chính là một trong những thực phẩm rất giàu protein. Khi cơ thể được bổ sung đủ lượng protein cần thiết sẽ giúp xây dựng khối lượng và thúc đẩy sự phát triển tế bào.
Xem thêm: 22 nguồn bổ sung protein từ thực vật - Giải quyết vấn đề thiếu chất cho người ăn chay
4. Hạt sen nấu gì ngon ?
Ngoài các tác dụng của hạt sen trong chữa bệnh mà loại thực phẩm này còn nguyên liệu nấu nhiều món ăn ngon bổ dưỡng và hấp dẫn. Hãy thử chế biến hạt sen thành các món ăn sau để bữa ăn gia đình thêm phần ngon miệng:
- Chè hạt sen long nhãn
- Chè hạt sen đậu xanh
- Gà hầm hạt sen
- Xôi hạt sen
- Cháo hạt sen
- Chân giò hầm hạt sen
- Mứt hạt sen
5. Cách bảo quản hạt sen tươi
Để có thể sử dụng hạt sen lâu dài, bạn cần biết cách bảo quản hạt sen tươi. Có 2 cách giúp bạn bảo quản tốt hạt sen tươi đó là:
5.1 Phơi khô
- Hạt sen tươi sau khi mua về không rửa, nên giữ khô ráo
- Bóc bỏ phần vỏ hạt màu xanh bên ngoài, bỏ phần tim sen bên trong. Chỉ giữ lại phần nhân hạt sen màu trắng
- Mang hạt sen ra phơi nắng 3 – 5 lần (hoặc sấy khô), sau đó cất vào lọ, đậy kín nắp
- Trong quá trình sử dụng, bạn nên mang hạt sen ra phơi nắng thường xuyên để tránh bị ẩm mốc
5.2 Đông đá
- Hạt sen tươi sau khi mua về không được rửa, giữ cho khô ráo
- Bóc bỏ phần vỏ bên ngoài màu xanh, giữ lại phần nhân sen màu trắng
- Dùng tăm để lấy phần tâm sen
- Chia lượng hạt sen đã mua thành từng phần nhỏ, bảo quản trong hộp nhựa hoặc bịch ni-lông, rồi cho vào ngăn đông tủ lạnh để bảo quản.
- Khi cần dùng thì lấy ra từng hộp hoặc từng bịch, rã đông dần.
Sử dụng hạt sen tươi còn tâm sen sẽ có tác dụng cải thiện giấc ngủ, từ đó giúp tinh thần được tốt hơn mỗi ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên ăn hạt sen quá nhiều (ăn thay cơm) vì sẽ làm mất cân đối về dinh dưỡng.
6. Thành phần dinh dưỡng của hạt sen như thế nào?
Như đã nói, hạt sen rất giàu dưỡng chất, trong 100g hạt sen tươi, người ta ghi nhận được những thành phần dinh dưỡng sau đây:
- Nước: 57.9 g
- Năng lượng: 161 Kcal
- Chất đạm: 9.5g
- Chất béo: 0.5g
- Chất đường bột: 29.5g
- Chất xơ: 0.8g
- Canxi: 76mg
- Sắt: 1.40mg
- Magie: 56mg
- Mangan: 0.620mg
- Photpho: 164mg
- Kali: 367mg
- Natri: 1mg
- Kẽm: 0.28mg
- Đồng: 94μg
- Vitamin C: 17mg
- Vitamin B1: 0.17mg
- Vitamin B2: 0.09mg
- Vitamin PP: 1.7mg
- Vitamin B5: 0.228mg
- Vitamin B6: 0.168mg
- Folate: 28μg
Dựa trên các thành phần dinh dưỡng trên, cho thấy hạt sen là thực phẩm bổ dưỡng, rất tốt cho tất cả các đối tượng từ người già yếu, trẻ em hay phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ. Mặc dù tác dụng của hạt sen tốt cho sức khỏe, tuy nhiên cần lưu ý với những người đang bị đầy bụng, khó tiêu hay bị táo bón thì nên hạn chế sử dụng hạt sen để tránh khiến tình trạng càng nặng thêm.