Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bị rắn cắn nên xử lý như thế này

( VOH ) - Dù là người thành thị hay nông thôn thì không ai có thể tự tin nói rằng mình không bao giờ bị rắn cắn. Chính vì thế, trang bị những kiến thức để xử lý khi bị rắn cắn là vô cùng cần thiết.

Việc sơ cứu khi bị rắn cắn, nhất là khi bị rắn độc cắn cần kịp thời và đúng cách. Nếu không, bạn có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu nọc độc rắn đi vào cơ thể. Trên thực tế đã từng có nhiều trường hợp bị rắn độc cắn chết người, do nạn nhân không biết cách xử lý an toàn.

1. Triệu chứng khi bị rắn cắn

Tùy loại rắn cắn mà nạn nhân có những biểu hiện đặc trưng:

1.1 Vết cắn do nhóm rắn hổ

Nạn nhân bị đau, sưng nề, có thể hoại tử đen da vùng bị cắn (da bị chết do nọc độc), nhiễm khuẩn, sưng đỏ, sốt, có mủ.

1.2 Rắn cạp nia, cạp nong

Thông thường, tại vết cắn của rắn cạp nia, cạp nong không có gì đặc biệt. Triệu chứng toàn thân thì có đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, tiểu ít,…nạn nhân dễ bị tàn phế hoặc tử vong do liệt các cơ hô hấp.

bi-ran-can-nen-xu-ly-nhu-the-nay-voh-1

Người bị rắn cắn có những biểu hiện khác nhau tùy vào nhóm rắn cắn (Nguồn: Internet)

1.3 Nhóm rắn lục cắn

Tại vết cắn có triệu chứng nhiễm độc là sưng nề, phỏng nước, chảy máu vùng vết cắn, chảy máu toàn thân khó cầm. Những bệnh nhân tử vong do rắn lục cắn thường do chảy máu, mất máu quá nhiều.

Do mỗi loại rắn cắn có những đặc điểm khác nhau nên bạn cần xác định và phân biệt loại rắn nào đã cắn mình, điều này sẽ có lợi cho bạn trong việc xử lý và điều trị đúng cách.

2. Cách chữa rắn cắn

Theo PGS.TS Phạm Duệ, nếu bị rắn cắn, nạn nhân cần sơ cứu ngay trước khi vận chuyển đến cơ sở y tế. Mục đích chính của sơ cứu là làm chậm sự hấp thu của nọc độc vào hệ thống tuần hoàn, giúp nạn nhân có đủ thời gian để kịp thời di chuyển đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc. Mục đích thứ 2 là loại bỏ bớt độc chất.

Dưới đây là các bước xử lý khi bị rắn cắn mà bạn cần ghi nhớ:

  • Đầu tiên, nếu bị rắn cắn bạn không nên chạy nhảy, đi lại nhiều làm nọc phát tán nhanh.
  • Sau đó, bạn cần băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc garo tĩnh mạch để tránh nọc độc đi vào hệ tuần hoàn chung, làm chậm quá trình phát tán nọc độc. Lưu ý: không garo động mạch.
  • Có thể dùng miệng hút máu vết cắn rồi nhổ đi ngay, nhưng nếu tại miệng, răng có tổn thương, nứt môi, viêm chân răng thì không dùng miệng hút nọc độc. Cách sơ cứu khi bị rắn cắn này thường không được khuyến cáo sử dụng.
  • Tiếp đến, nặn, rửa vết rắn cắn dưới vòi nước chảy hoặc trong chậu với nhiều nước để loại trừ bớt nọc độc.
  • Bất động chi bị rắn cắn bằng nẹp. Tuyệt đối không chích rạch tại vết cắn vì tăng nguy cơ chảy máu.
  • Nhờ người thân đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị thích hợp.

3. Kỹ thuật ép và bất động chi khi bị rắn cắn

Khi bị rắn cắn, hãy dùng băng chun giãn (loại băng màu hồng, rộng bản và có độ chun giãn tốt, loại này có bán ở các hiệu thuốc) băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (đủ để luồn một ngón tay giữa các nếp băng).

Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que,…) cố định chân, tay bị rắn cắn.

  • Đối với vết cắn ở bàn tay, ngón tay, cẳng tay cần băng ép bàn tay, cẳng tay, dùng nẹp cố định cẳng tay và bàn tay.
  • Đối với vết cắn ở thân mình, ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động ngực nạn nhân.
  • Đối với vết cắn ở vùng đầu, mặt, cổ cần khẩn cấp vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện.

Lưu ý: Trong trường hợp không có băng chun thì dùng băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo hoặc dây cao su,…nhưng khi đó phải thực hiện garo tĩnh mạch ở trên vết cắn (sờ thấy mạch máu đập ở phía dưới garo).

bi-ran-can-nen-xu-ly-nhu-the-nay-voh-2

Sau sơ cứu cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị thích hợp (Nguồn: Internet)

4. Một số lưu ý khi xử lý bị rắn cắn

Nếu bị rắn cắn bạn không nên làm những việc sau đây:

  • Garô quá lâu: Garô tức là làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch (mạch máu vận chuyển máu từ tim đi nuôi dưỡng các bộ phận của cơ thể), gây đau, rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô.
  • Chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn: Biện pháp này có thể làm tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh,…dẫn đến nhiễm khuẩn khiến tình trạng bệnh nhân trở nên nặng hơn.
  • Bệnh nhân không nên tự đi đến cơ sở y tế ở tuyến trên vì đường xa, có thể bị nguy hiểm trên đường mà không được cứu chữa.
  • Bệnh nhân bị rắn cắn không được đắp đá, chườm lạnh và tuyệt đối không bôi hóa chất, thuốc, lá cây,…lên vết cắn.
  • Trong khi vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu không nên để vùng bị cắn cao hơn vị trí tim.

Như vậy, với những kiến thức này, hy vọng có thể giúp bạn hoặc người thân của bạn có thể xử lý đúng cách khi chẳng may bị rắn cắn.

Bình luận