1. Rối loạn nhịp tim là gì?
Rối loạn nhịp tim là tên gọi chung của một số tình trạng hoạt động điện của tim, hoạt động này có rối loạn bất thường hay nhanh hoặc chậm hơn hoạt động điện bình thường.
Nhịp tim có thể quá nhanh (hơn 100 nhịp/phút) hay quá chậm (nhỏ hơn 60 nhịp/phút), nhịp có thể bình thường hay bất thường.
Các tình trạng rối loạn tim mạch gồm nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm...(Nguồn: Internet)
Các rối loạn nhịp tim có thể xảy ra trong buồng trên của tim (tâm nhĩ) hay trong buồng dưới của tim (tâm thất), ở bất cứ độ tuổi nào. Một số trường hợp rối loạn nhịp tim rất khó nhận biết, trong khi một số khác thì có thể kịch tính hơn và thậm chí dẫn đến đột tử do tim.
Do đó, bạn cần chú ý những dấu hiệu cơ thể có thể cảnh báo tình trạng rối loạn nhịp tim như đánh trống ngực, đau ngực, mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, ngất xỉu,…Khi có những dấu hiệu rối loạn nhịp tim này bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và được hỗ trợ điều trị kịp thời.
2. Điều trị rối loạn nhịp tim
Khi mắc bệnh rối loạn nhịp tim có thể điều trị bằng thuốc. Dưới đây là các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị rối loạn nhịp tim:
- Nhóm thuốc chống loạn nhịp (amiodaron, dronedaron, sotalol, propafenon….) có tác dụng kéo dài thời gian trơ của tim và ngăn chặn tính tự động bất thường của nhịp tim.
- Nhóm thuốc chẹn beta (metoprolol, atenolol, bisopropol) có tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn cơ tim nên giảm gánh nặng hoạt động của tim và làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.
- Nhóm thuốc chẹn kênh canxi (verapamil, diltiazem…) có tác dụng giãn mạch và làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.
- Digoxin là một glycoside tim làm tăng sức co bóp cơ tim và giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.
- Adenosine là chất chủ vận purin có tính giãn mạch và làm giảm dẫn truyền qua nút nhĩ thất.
Lưu ý: Các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim có thể gây ra các tác dụng phụ như dị ứng thuốc, sưng chân, mắt mờ, nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, mất cảm giác ngon miệng, tiêu chảy hay táo bón hoặc khiến tình trạng rối loạn nhịp tim trở nặng hơn. Vì thế, bạn cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, với những người hợp rối loạn nhịp tim nặng cần đến gặp bác sĩ tim mạch làm các chẩn đoán như điện tim đồ, siêu âm tim,...để từ đó bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp. Với những bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhịp tim chậm có thể sẽ được cấy vào dưới da ngực một thiết bị tạo nhịp tim. Máy sẽ tự động phát rung động trong nhiều năm sau đó. Với các ca mắc chứng rối loạn nhịp tim nhanh, các bác sĩ có thể sử dụng một năng lượng sóng tần số radio, luồn vào trong cơ thể qua các đường mạch máu đi vào trong quả tim. Từ đó BS sẽ phát hiện các rối loạn xuất phát ở đâu và dùng nặng lượng sóng để đốt triệt rối loạn nhịp đó.
3. Rối loạn nhịp tim nên ăn gì?
Theo TS.BS Phan Đình Phong – Trưởng phòng Q3A – Viện Tim mạch Việt Nam, thực tế có rất nhiều phương pháp để khắc phục tim đập sai nhịp, có những chứng rối loạn nhịp tim không cần phương pháp điều trị đặc hiệu nào, chỉ cần thay đổi lối sống sao cho phù hợp, tránh các chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá. Cân bằng giữa lao động và sinh hoạt để cuộc sống không quá stress. Bằng cách này, cơ bản đã giải quyết được các chứng rối loạn nhịp tim ở mức độ nhẹ và lành tính.
Cá hồi tốt cho sức khỏe tim mạch (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng khoa học cũng góp phần khắc phục được chứng rối loạn nhịp tim. Hãy hạn chế ăn thịt, có thể thay thế bằng các thực phẩm như cá nhiều omega-3, nhất là cá biển, bổ sung thêm đậu phụ hoặc các sản phẩm họ đậu cũng rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tăng cường luyện tập thể dục, thể thao với những bộ môn phù hợp như đi bộ, yoga,...để thư giãn đầu óc, giúp mang lại hiệu quả cao trong điều trị và phòng ngừa rối loạn nhịp tim.