Chứng đau nửa đầu gây phiền phức cho nhiều người, thường gặp ở mọi độ tuổi và ngày càng gia tăng đối với giới trẻ!
Một bác sĩ y học gia đình cho biết, bác sĩ đã từng gặp những bệnh nhân phải uống đến 4 viên thuốc giảm đau mỗi ngày cộng với một loại thuốc dành riêng cho chứng đau nửa đầu, thậm chí sau đó còn phải dùng thuốc chống đau thần kinh mạnh hơn vì chứng đau nửa đầu của họ.
Trên thực tế, với việc điều trị dinh dưỡng phù hợp, nhiều người mắc chứng đau nửa đầu có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng của mình.

Bổ sung chất dinh dưỡng có thể giúp giảm chứng đau nửa đầu
Trần Hân My, bác sĩ gia đình giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, nguyên nhân của chứng đau nửa đầu vẫn chưa được xác định, nhưng thức ăn, dinh dưỡng, thời tiết, căng thẳng, di truyền và sự thay đổi nội tiết tố nữ đều là những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này.
Khi nói đến “đơn thuốc dinh dưỡng” dành cho chứng đau nửa đầu, bác sĩ Trần Hân My cho biết, đối với một số người, việc bổ sung dinh dưỡng thích hợp có thể cải thiện hiệu quả các triệu chứng của chứng đau nửa đầu.
Mặc dù cơ chế của chứng đau nửa đầu rất phức tạp và đa dạng, nhưng những người mắc chứng bệnh này vẫn nên thử một số phương pháp điều chỉnh dinh dưỡng. Dù hiệu quả không được như mong đợi nhưng những dưỡng chất này lại giúp ích rất nhiều cho cơ thể con người.
Bác sĩ Trần Hân My nói, có một số chất dinh dưỡng có thể hữu ích cho chứng đau nửa đầu, bao gồm dầu cá (omega-3), vitamin D (1000-4000IU), vitamin B2 (riboflavin, 400mg), magie (300-500mg) và coenzym Q10 (150mg).
Bác sĩ Trần Hân My cho biết, những chất dinh dưỡng này đã được nghiên cứu để hỗ trợ hiệu quả của chúng đối với chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, trước rất nhiều lựa chọn, nhiều người có thể cảm thấy bối rối không biết làm thế nào để chọn được chính xác bổ sung dinh dưỡng phù hợp với mình.
Chọn chất dinh dưỡng dựa trên triệu chứng và tình trạng thể chất
Bác sĩ Trần Hân My nói thêm rằng, khi lựa chọn chất dinh dưỡng, ngoài việc quan tâm đến liều lượng khuyến nghị của bác sĩ, các triệu chứng và tình trạng thể chất của cá nhân cũng cần được xem xét.
Ví dụ, nếu bị mất ngủ, chúng ta có thể chọn dầu cá và magie; nếu cảm thấy thiếu năng lượng trong ngày, chúng ta có thể kết hợp với phức hợp vitamin nhóm B, Q10 và magie; nếu được phát hiện thiếu vitamin D, chúng ta có thể bổ sung trực tiếp vitamin D3; nếu có vấn đề liên quan đến tim mạch, chúng ta có thể chọn dầu cá, phức hợp vitamin nhóm B và Q10…
Thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý, không chỉ chứng đau nửa đầu có thể được cải thiện mà các vấn đề sức khỏe khác cũng có thể được điều trị đồng thời.
Điều chỉnh dinh dưỡng
Bác sĩ Trần Hân My cũng nhấn mạnh rằng, liều lượng sử dụng trong các nghiên cứu ở nước ngoài thường rất cao, nhưng bác sĩ My tin rằng việc điều chỉnh dinh dưỡng phải là một quá trình lâu dài và nhẹ nhàng nên bác sĩ thường không khuyến khích sử dụng liều lượng chất dinh dưỡng quá cao ngay từ đầu.
Bác sĩ Trần Hân My cho biết, trong điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ cung cấp chương trình bổ sung dinh dưỡng toàn diện dựa trên các triệu chứng khác của bệnh nhân. Sau đây là một số phương pháp được bác sĩ Trần Hân My khuyên dùng:
1. Kết hợp với chứng mất ngủ
Uống dầu cá (EPA>500mg) vào ban ngày và axit amin magie (200mg) vào ban đêm.
2. Kết hợp với tình trạng hoạt động trí óc kém vào ban ngày
Uống phức hợp vitamin nhóm B và Q10 (30mg) vào ban ngày và axit amin magie (200mg) vào ban đêm.
3. Phát hiện thiếu vitamin D
Uống vitamin D3 không hoạt tính nồng độ cao 800IU, 2 đến 3 viên mỗi ngày.
4. Có vấn đề về tim mạch
Uống dầu cá (EPA>500mg), vitamin B complex và Q10 (30mg) ban ngày.
Đối với những người chưa bao giờ thử điều chỉnh dinh dưỡng, bác sĩ Trần Hân My khuyên họ nên bổ sung dinh dưỡng theo liều lượng kể trên. Nếu như thấy các triệu chứng được cải thiện, thì có thể giảm bớt lượng thuốc giảm đau.
Tuy nhiên, bác sĩ Trần Hân My đặc biệt nhắc nhở nếu đang có dùng thuốc chống đông máu, trước tiên chúng ta phải trao đổi với bác sĩ để đảm bảo an toàn về dùng thuốc, cũng như để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.