Người bị mỡ máu cao thường phải kiêng ăn các loại thực phẩm để tránh cholesterol dư thừa gây hại cho tim và mạch máu. Người bị mỡ máu cao có được ăn trứng, ăn thịt không?

Bị mỡ máu cao có được ăn trứng không?
Bác sĩ Tôn Hoằng Đào, phó trưởng khoa Khoa Phẫu thuật Tim tại Bệnh viện Fu Wai (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, trong “Hướng dẫn Chế độ ăn uống của Đài Loan-Trung Quốc” có khuyến cáo rằng, lượng cholesterol trong chế độ ăn uống hàng ngày không được vượt quá 300 mg; nếu chúng ta bị tăng lipid máu thì nên hạn chế nạp cholesterol và lượng cholesterol nạp vào hàng ngày không được vượt quá 200 mg (miligam).
Tuy nhiên, “Hướng dẫn Chế độ ăn uống của Hoa Kỳ” mới đây đã loại bỏ giới hạn lượng cholesterol trong thực phẩm và không còn đưa ra khuyến cáo về chế độ ăn uống có lượng cholesterol không quá 300 mg mỗi ngày.
Liệu một quả trứng có vượt quá giới hạn lượng cholesterol khuyến cáo không? Bác sĩ Tôn Hoằng Đào cho biết, trên thực tế một lòng đỏ trứng cỡ trung bình nặng khoảng 15 gram và mỗi gram lòng đỏ trứng chứa khoảng 1,51 mg cholesterol. Tính theo cách này, một lòng đỏ trứng cỡ trung bình chứa khoảng 225 mg cholesterol.
Tuy nhiên, lòng đỏ trứng là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất chính trong trứng. Nó đặc biệt giàu phospholipid và choline, rất có lợi cho sức khỏe, tuy có hàm lượng cholesterol cao nhưng sẽ không có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người nếu không ăn trứng quá mức.
Bác sĩ Tôn Hoằng Đào cho biết thêm, ngoài trứng, các loại cholesterol khác cũng được hấp thụ trong bữa ăn hàng ngày. Vì vậy, với chế độ ăn uống cân bằng, tốt nhất những bệnh nhân mắc bệnh mỡ máu cao chỉ nên ăn một quả trứng mỗi hai ngày.
Bị mỡ máu cao vẫn có thể ăn thịt?
Một số người không dám ăn thịt sau khi nghe nói thịt có hàm lượng cholesterol cao, sợ ăn thịt sẽ gây tăng mỡ máu. Một số người đã bị mỡ máu cao thậm chí còn “sợ tái xanh mặt mày” khi nói đến thịt và tránh xa thịt. Những người khác lại cho rằng, ăn chay và không ăn thịt có thể kiểm soát lipid máu và thậm chí hạ thấp lipid máu. Đây đều là những quan niệm sai lầm.
Bác sĩ Tôn Hoằng Đào cho biết, cơ thể con người cần nhận được nhiều chất dinh dưỡng khác nhau từ chế độ ăn uống. Thức ăn từ thịt rất giàu protein động vật và các chất dinh dưỡng cần thiết khác cho cơ thể con người, và những chất dinh dưỡng này không thể đơn giản thay thế bằng việc ăn chay hoàn toàn hoặc ăn kiêng một phần không có lợi cho cơ thể và dễ dẫn đến mất cân bằng các chất dinh dưỡng khác nhau trong cơ thể con người, từ đó có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, loãng xương…
Bác sĩ Tôn Hoằng Đào cho rằng, chúng ta không nên không ăn thịt mà chỉ ăn toàn đồ chay vì sợ gây tăng mỡ máu. Những người đã bị mỡ máu cao không cần hạn chế ăn thịt quá mức và tất nhiên là cũng không nên ăn quá nhiều thịt.
Người bệnh mỡ máu cao cần chú ý gì trong chế độ ăn uống?
1. Ăn ít thực phẩm chứa nhiều cholesterol
Thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như lòng đỏ trứng và nội tạng động vật.
2. Ăn ít thực phẩm chứa nhiều carbohydrate
Ví dụ như khoai tây, khoai mỡ, khoai môn, củ sen… nên ăn hạn chế, hoặc sau khi ăn nên giảm lượng thức ăn chủ yếu tương ứng.
3. Ăn ít thực phẩm giàu axit béo bão hòa
Chẳng hạn như đậu phộng, hạt óc chó, mỡ heo, mỡ bò, mỡ cừu, bơ… nên hạn chế sử dụng.
4. Ăn ít đường hoặc thực phẩm nhiều đường
Chẳng hạn như đường cát trắng, đường nâu, glucose và các loại đồ ngọt như kẹo, bánh ngọt, mứt, kem và đồ uống ngọt. Những trái cây có nhiều đường cũng không nên ăn quá nhiều.
5. Uống ít rượu
Rượu có lượng calo khá cao, do đó không nên uống rượu hoặc uống ít.
6. Uống ít cà phê
Chất caffeine trong cà phê có thể làm tăng cholesterol trong cơ thể, vì vậy hãy uống càng ít cà phê càng tốt.
7. Ăn ít đồ chiên xào
Tránh ăn hoặc ăn ít đồ chiên xào nhiều dầu mỡ.
Bác sĩ Tôn Hoằng Đào khuyến cáo rằng, những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch vành… nên kiểm soát chế độ ăn uống chặt chẽ hơn so với những người sức khỏe bình thường.